"Chảo lửa" Trung Đông rực cháy trở lại

Thiện Minh |

Israel và phong trào vũ trang Hamas của người Palestine đã "giao thiệp" bằng hơn 1.000 quả rocket, tên lửa các loại trong vỏn vẹn 3 ngày, cướp đi sinh mạng của ít nhất 38 người, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bùng phát một cuộc chiến đẫm máu quy mô lớn giữa hai bên.

Lửa, khói bốc lên từ hiện trường vụ không kích ở Dải Gaza. Ảnh: Getty Images

Lửa, khói bốc lên từ hiện trường vụ không kích ở Dải Gaza. Ảnh: Getty Images

Reuters sáng 12/5 (giờ Hà Nội) dẫn thông báo của cơ quan y tế Palestine cho biết, các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa do Israel tiến hành chống lại nhóm vũ trang Hamas của người Palestine ở Dải Gaza trong các ngày 10, 11 và 12/5 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 35 người Palestine, bao gồm ít nhất 10 trẻ nhỏ.

Ở chiều ngược lại, Israel cáo buộc Hamas phóng hơn 1.000 quả rocket, trong đó 850 quả bay vào lãnh thổ nước này, làm 3 dân thường thiệt mạng, dù phần lớn số rocket trên đã bị phòng không Israel đánh chặn trước khi tiếp đất. Hàng trăm dân thường của cả hai phía cũng buộc phải nhập viện do đợt giao tranh và con số thương vong được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng.

Căng thẳng leo thang ở Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem từ tuần trước, trong bối cảnh Israel áp đặt một loạt hạn chế với tín đồ Hồi giáo Palestine tại thành cổ Jerusalem trong tháng lễ Ramadan, đồng thời dự định trục xuất một số người Palestine sinh sống lâu năm tại Đông Jerusalem để nhường chỗ cho người Do Thái định cư.

Theo Reuters, Israel đã kiểm soát toàn bộ Đông Jerusalem từ cuộc chiến tranh năm 1967 và tuyên bố Jerusalem là thủ đô không thể chia tách. Trong khi đó, người Palestine cũng coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước trong tương lai. Tình hình leo thang nghiêm trọng từ hôm 9-5, với việc người dân Palestine đã đụng độ với lực lượng an ninh Israel bên ngoài thánh đường al-Aqsa, địa điểm linh thiêng hàng đầu với người Hồi giáo ở Đông Jerusalem, khiến hơn 700 người Palestine bị thương.

Rạng sáng 10/5, loạt rocket đầu tiên từ Dải Gaza bắt đầu được khai hoả sang lãnh thổ Israel, không lâu sau khi Hamas ra "tối hậu thư" đòi Israel rút lực lượng an ninh khỏi khu đền al-Aqsa. Israel sau đó tiến hành hàng chục đợt không kích tương ứng vào khoảng 150 mục tiêu ở Dải Gaza. Đợt không kích do Tel Aviv tiến hành thậm chí đã đánh sập một toà chung cư 13 tầng cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác.

Trong các phát ngôn về xung đột với Hamas, Thủ tướng Israel đương nhiệm, ông Benjamin Netanyahu ngày 11/5 cảnh báo các nhóm vũ trang Palestine sẽ phải "trả giá rất đắt" nếu tiếp tục gây hấn. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cùng ngày tuyên bố ông đã phê duyệt kế hoạch huy động đến 5.000 quân dự bị, đồng thời không loại trừ khả năng tiến hành các chiến dịch trên bộ chống lại Hamas.

Ngược lại, Hamas cũng cáo buộc Israel "khơi mào" đợt giao tranh và rằng, chính Tel Aviv "gây ra khói lửa ở Jerusalem, al-Aqsa và lửa đã lan đến Gaza, do vậy Israel phải gánh hậu quả". "Qatar, Ai Cập và Liên Hợp Quốc (LHQ) đã liên lạc để kêu gọi bình tĩnh, thông điệp của chúng tôi đến Israel là: Nếu họ muốn leo thang, chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu họ muốn ngừng lại, chúng tôi không phản đối", lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh nói.

Đây là đợt đụng độ quân sự dữ dội nhất giữa hai bên kể từ cuộc chiến năm 2014, khiến nhiều nước lo ngại tình hình có thể vượt tầm kiểm soát, biến thành một cuộc chiến tranh đẫm máu mới và kéo lùi mọi nỗ lực hoà giải của cộng đồng quốc tế. "Hãy ngừng bắn lập tức. Chúng ta đang chứng kiến xung đột có nguy cơ biến thành chiến tranh toàn diện. Các bên cần thực thi nghĩa vụ giảm căng thẳng. Hãy ngừng bạo lực ngay bây giờ", Đặc phái viên hòa bình Trung Đông của LHQ, ông Tor Wennesland, ngày 11/5 phát thông điệp.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric thì cho biết, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ thất vọng trước việc nhiều trẻ em là nạn nhân của các vụ không kích do Israel thực hiện tại Dải Gaza, cũng như thiệt hại tại Israel do các vụ phóng rocket từ Dải Gaza.

Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, hôm 11-5 ra tuyên bố kêu gọi cả Israel và Palestine tránh gây ra những cái chết "vô cùng đáng tiếc" cho dân thường. Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuy cho rằng, "Israel có quyền tự vệ và đáp trả những cuộc tấn công bằng tên lửa" do Hamas thực hiện, song cũng khẳng định "người dân Palestine cũng có quyền được hưởng sự bình an và an ninh như người dân Israel". "Chúng tôi kêu gọi kiềm chế và bình tĩnh", ông Price nhấn mạnh. Phát ngôn này của chính quyền Mỹ đương nhiệm đã bị cựu Tổng thống Donald Trump sau đó chỉ trích là "yếu đuối".

Từ Moscow, Nga yêu cầu hai bên đối đầu hạ nhiệt và khẳng định nước này sẵn sàng đứng ra tổ chức các cuộc đối thoại hoà bình. Phía Nga cho rằng các bên cần tôn trọng nguyên trạng liên quan đến các thánh địa tại Jerusalem. "Nga luôn sẵn sàng tăng cường các nỗ lực trong lĩnh vực này, kể cả việc hỗ trợ cho các nhà hòa giải quốc tế do nhóm Bộ tứ Trung Đông, gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và LHQ, đưa ra", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Cùng lúc, EU, Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) và các quốc gia có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông đều đã lên tiếng hối thúc các bên ngồi lại đàm phán, ngừng leo thang căng thẳng. Ông Peter Stano, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, chỉ có đối thoại trực tiếp mới có thể hoá giải mâu thuẫn giữa Hamas và Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại