Chánh án Tối cao nói về tội cố ý làm trái vụ ông Thăng

ĐỨC MINH |

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã bỏ quy định về Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hôm qua (8-12), ông Đinh La Thăng đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi nói trên.

Nhiều bạn đọc quan tâm là khi BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1-1-2018) thì việc điều tra, truy tố, xét xử ông Thăng sẽ diễn ra thế nào? Ông Thăng có được đình chỉ điều tra khi tội danh ông bị cáo buộc không còn quy định trong BLHS hay không?...

Tuần qua, TAND Tối cao đã tổ chức tập huấn triển khai BLHS 2015. 

Liên quan đến Điều 165, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, dù không quy định thành một tội riêng về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thay vào đó, BLHS 2015 đã bổ sung 9 tội danh mới (mang đặc trưng của tội cố ý làm trái).

Cụ thể gồm các tội: Vi phạm các quy định về cạnh tranh; Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Cạnh đó, 15 tội danh khác trong BLHS cũng có yếu tố “cố ý làm trái” như một số điều khoản mang tính cố ý làm trái trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; một số tội danh liên quan đến hành vi “cố ý làm trái” của người có chức vụ, quyền hạn như tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ....

“Tội 165 đã hòa trộn vào 24 tội danh mới và cũ”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận.

Tuy nhiên, liên quan đến một số tội danh không còn được quy định trong BLHS 2015, Nghị quyết 41 của Quốc hội (về thi hành BLHS 2015) hướng dẫn:

"Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý”.

Như vậy, liên quan đến Điều 165, “những vụ án khởi tố trước 1-1-2018 thì vẫn xử theo Điều 165”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

"Tội cố ý làm trái được coi như là một cái túi để xử lý tất cả những trường hợp cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác.

Điều này vô hình chung đã làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh vì sợ vướng vào tội này.

Điều này lại càng nghiêm trọng hơn khi hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế của ta đang trong quá trình hoàn thiện, tính ổn định không cao nên việc duy trì tội này trong BLHS thực sự là một rảo cản rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế, là cơ sở để các cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc tương tự- vốn là điều cấm kỵ trong một nền tư pháp hiện đại- để xử lý các hành vi mà BLHS chưa dự liệu trước".

Nguyên Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại