Ngôi nhà nhỏ của anh Phan Quang Nhật (31 tuổi, kiệt 373 phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh TT-Huế) thời gian gần đây trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn bởi những lượt khách du lịch vào ra ghé thăm.
Hành trình theo đuổi vẽ tranh nón lá
Đối với anh Nhật ngay từ nhỏ anh đã có hứng thú đặc biệt với bút vẽ, màu sắc, cứ thấy con vật nào trước mắt là anh liền đem giấy bút ra để vẽ lại. Bạn bè đồng trang lứa với anh thì thích tụ tập chơi trốn tìm, bắn bi… còn anh thì một mình cặm cụi với những nét vẽ ngây ngô.
Thuở ấy gia đình anh Nhật vô cùng khó khăn nên khi thấy bạn bè có truyện tranh anh liền mượn về, vừa xem anh vừa nhìn vào đó rồi học vẽ theo chứ không có điều kiện để theo học lớp vẽ bài bản.
Cũng chính vì thế mà khi học hết cấp 2, anh Nhật đã ngỏ lời xin bố mẹ thôi học để tập trung vào con đường hội hoạ, như vậy anh có thể kiếm tiền học nghề để giảm bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền cho gia đình.
Chàng trai trẻ khi ấy bắt đầu xin học nghề tại một cơ sở vẽ tranh lụa, từ đó những nét vẽ của anh ngày càng sắc sảo và thanh thoát hơn, anh cũng "bỏ túi" cho mình kha khá kinh nghiệm thông qua quá trình học tập và rèn luyện tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, một thời gian sau thị trường tranh lụa dần ảm đạm và đóng cửa. Từ đó anh Nhật bắt đầu loay hoay tìm kiếm công việc khác để có nguồn thu nhập lo cho cuộc sống.
Năm 2016, trong một lần tình cờ đi dạo trên cầu Trường Tiền và quanh quẩn thành phố Huế để ngắm nhìn phong cảnh, anh nhìn thấy những cô thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài cùng vành nón lá bên dòng Hương.
Vậy là anh chợt nghĩ nếu những chiếc nón lá có thêm màu sắc thì sẽ như thế nào? Nghĩ là làm về nhà anh bắt đầu trổ tài hội hoạ vẽ lại những phong cảnh mà mình yêu thích lên nón lá. Đó cũng chính là cơ duyên để anh Nhật đến với việc vẽ tranh quê hương, danh lam thắng cảnh lên nón lá.
Ban đầu mọi việc không hề dễ dàng như chàng trai 9x nghĩ, việc áp dụng kỹ thuật và màu nước từ cách vẽ tranh lụa lên nón lá thất bại, những nét vẽ đầu tiên lên nón lá bị chảy màu, thiếu tinh tế do màu vẽ không phù hợp, cách đưa cọ mạnh nhẹ cũng chưa được mềm mại với chất liệu của nón lá.
Nhiều lần thất bại nhưng anh Nhật không nản chí mà bắt tay vào mày mò, tìm cách pha trộn các loại màu nước với nhau theo tỷ lệ nhất định để khi đặt cọ vẽ lên bề mặt chiếc nón thì mực không bị chảy, không lem nhem.
"Những chiếc nón chưa được đẹp mắt, anh mang ra tặng cho các cô chú đầu xóm để họ che mưa che nắng, lúc đó tranh cũng chưa đẹp lắm nhưng các cô chú vẫn khen khiến anh cảm thấy có động lực để tiếp tục vẽ". Anh Nhật cho hay.
Những bức tranh quê hương trải dài trên nón lá
Ròng rã suốt 1 năm trời với những lọ sơn, màu vẽ và nón lá được anh bày biện khắp nhà, anh Nhật đã cho ra những sản phẩm chỉnh chu để có thể quảng bá cảnh đẹp quê hương ra các tỉnh thành.
Khi cảm thấy những bức tranh trên nón lá mà mình vẽ ra đã có hồn và nên thơ, anh Nhật loay hoay tìm cách đưa sản phẩm đến ra thị trường. May mắn đã mỉm cười với người có chí khi anh bắt đầu quảng bá nón lá có tranh vẽ qua mạng xã hội và có hiệu quả.
Anh Nhật kể: "Lúc ấy vì yêu thích vẽ và các món đồ thủ công nên mình tham gia vào những hội nhóm liên quan trên mạng xã hội, vẽ được cảnh đẹp nào lên nón lá thì mình liền đăng bài vào nhóm, người ta thấy đẹp liền hỏi mua, từ từ bắt đầu có khách buôn đặt sỉ. Vậy là bắt đầu nhận đơn hàng rồi đặt bút vẽ thôi".
Anh Nhật tự hào chia sẻ, hiện tại các địa điểm du lịch nhộn nhịp nổi tiếng như ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Bình... đều từng bày bán những chiếc nón lá do anh làm ra.
Có thời điểm hình thức vẽ tranh trên nón lá bị cạnh tranh do những người khác bắt chước làm theo và tìm cách hạ giá. Tuy nhiên, sau cùng sản phẩm của anh vẫn tồn tại vì khách sỉ vẫn quay về tìm lại, bởi tranh của anh vẽ có hồn quê, đa dạng phong cảnh chứ không bị rập khuôn, ai yêu cầu anh vẽ cảnh nào anh cũng có thể đáp ứng hoàn thiện khiến khách hàng hài lòng.
Từ lúc có những đơn hàng vẽ tranh lên nón lá đầu tiên cho đến hiện tại, anh Nhật đã nung nấu ý tưởng đưa hình ảnh đất nước Việt Nam quảng bá đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh Nhật biến ngôi nhà của mình trở thành cầu nối mà khách du lịch có thể đến trải nghiệm vẽ tranh lên vành nón rồi họ lại mang chiếc nón đó vi vu sang tận trời Tây.