“Sân khấu” chưa từng gặp
Chợ Tân Lập (quận Thanh Khê) ngày cuối năm kín ken người, ai cũng hối hả khi Tết đã ở ngoài sân. Chỉ có một khoảng nhỏ bên quầy nước thời gian như ngưng lại bởi tiếng ghita mặc sức ngân vang giữa những ồn ào lao xao mặc cả. Robin Van Wyk kê một cái ghế xếp, cắm ghi ta điện vào và bắt đầu chơi. Từng bản classic, flamenco, rock… lạ tai thu hút bà con trong chợ. Một, hai, ba, rồi cả chục người kéo đến, lúc đầu chỉ vì tò mò, sau thấy “anh Tây” đánh đàn “phiêu” quá nên đứng nghe thật lâu.
Robin Van Wyk không nhớ đây là ngôi chợ thứ bao nhiêu ở Đà Nẵng mà mình đã tới chơi đàn suốt mấy tháng qua. Từ chợ Cồn, chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Mới đường Hoàng Diệu, cho tới chợ chiều anh đều có mặt. Robin vào chợ, chỗ nào tiểu thương không phiền thì kê ghế, còn không thì ngồi phía ngoài. Mà thực ra chỗ anh ngồi cũng chẳng va chạm ai vì chỉ vỏn vẹn trên chiếc ghế xếp nhỏ.
Tại sao lại vào chợ chơi ghita? Robin cười, bảo ở đây thật đặc biệt. Trước khi sang đây, anh đã từng “lưu diễn” ở đường phố Úc, New Zealand. “Bên đó chỉ có siêu thị, không hề có chợ. Tôi bị chợ cuốn hút. Nếu khán giả ở Úc, New Zealand trên đường phố, thong thả, thì ở chợ ai cũng bận rộn, gấp gáp, đủ mọi tầng lớp. Và dù bận họ vẫn dừng chân khi thấy tôi, nghe đàn của tôi”, anh nói. Robin còn kể thêm ngồi trong chợ, anh quan sát và biết thêm nhiều điều hay ho của người Việt.
Cứ tầm 8h đến hơn 10h là thời gian lý tưởng để anh “đi chợ”. Có nơi anh tới hai lần, tiểu thương đã quen mặt. Robin nhận xét mọi người rất dễ thương, thân thiện, dù chẳng biết anh là ai nhưng vẫn tới hỏi “khỏe không?”, “có vợ chưa?”, “đói bụng không?”… Có người mời nước, mời cơm, ấm áp như gia đình.
Cũng có người biết tiếng Anh đã ngồi lại tâm sự với anh suốt buổi, bày vẽ cho anh nhiều điều mà anh chưa biết ở Việt Nam. “Họ còn cho tôi tiền khi nghe đàn, dù chẳng là bao cả nhưng tôi thấy họ cho đi rất thoải mái, như muốn chia sẻ với tôi”, Robin cảm kích. Trong những chợ đã đi qua, Robin thích nhất những chợ nhỏ, bởi lượng người không quá đông đúc, xô bồ, tiếng đàn của anh được nghe rõ hơn, mọi người cũng dành thời gian cho anh nhiều hơn.
Robin biết nhiều người không cảm nhận hết được âm nhạc của mình đang chơi, nhưng họ vẫn chào đón và đứng lại lắng nghe để động viên anh, cũng có thể vì thương cảm. Điều đó khiến anh ấm áp.
Robin nói tiếng Việt và trang bị cho mình một kỹ năng sống khá tốt khi sang Việt Nam (Ảnh: Thanh Trần).
Bà Trương Thị Tiến, tiểu thương bán tôm ở chợ Tân Lập lần thứ hai gặp lại Robin tay bắt mặt mừng, liên tục vỗ vai hỏi thăm mấy bữa nay đi đâu, rồi dặn dò mang áo ấm, quần dài vào kẻo lạnh. Bà không biết hoàn cảnh của Robin như thế nào, nhưng thấy chàng thanh niên người ngoại quốc ngồi chơi đàn tử tế, hiền lành nên xót ruột.
Hôm trước bà mời cà phê, cùng mấy chị em tiểu thương cho tiền. Lần này cũng vậy. “Cậu ấy lễ phép, ai cho gì cũng cúi đầu nói “cám ơn chị”. Chắc cũng trạc tuổi con tôi mà đã bước ra thế giới thế này, bản lĩnh quá, nên tôi ủng hộ”, bà hào sảng.
Khám phá văn hóa sống từng vùng đất cùng cây ghita
Năm 14 tuổi, gia đình Robin chuyển từ Nam Phi sang Úc sống. Học xong THPT, Robin cũng như không ít bạn trẻ rơi vào khủng hoảng không biết mình đang muốn gì và làm gì trong tương lai. Robin mất một thời gian chao đảo và cuối cùng tìm thấy âm nhạc. Âm nhạc xoa dịu những hoang mang của chàng trai đôi mươi, từ đó anh bắt đầu luyện tập và muốn làm một nghệ sĩ đường phố.
Anh đã chơi đàn khắp đường phố ở Úc, New Zealand. Gia đình anh không hề ngăn cản hay muộn phiền khi thấy cậu con trai thích “ra đường” mỗi ngày, mà còn ủng hộ. “Bố mẹ tôi nói tôi cứ làm điều gì tôi thấy hạnh phúc, đó chính là hạnh phúc của họ”, Robin kể.
Bảy tháng trước, anh tới Đà Nẵng và bắt đầu tìm hiểu thành phố này. Khi thấy bờ sông Hàn đêm đêm nhộn nhịp người qua lại, anh đã ôm ghita tới chơi. Nhưng mưa gió liên hồi, đành phải gián đoạn. Rồi tình cờ thấy chợ, nơi mà ngày mưa ngày nắng nào cũng có người, từ bé đến lớn, trai gái, giàu nghèo đều đủ, anh quyết định tới đây.
Chợ đầu tiên anh “diễn” là chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), ở đó đông sinh viên, bạn trẻ nên anh được mọi người chào đón rất nhiệt tình. Robin hài hước nói thêm, không phải lần nào cũng vào chợ “trót lọt” vì có nơi bảo vệ đuổi, không cho ngồi, phải vác đàn về.
Anh “Tây” này nói tiếng Việt khá sõi, có thể giao tiếp cơ bản hàng ngày. Hỏi ra mới biết Robin dành nhiều thời gian học tiếng Việt để có thể tự tin…ra chợ. Sau miền Trung, Robin dự tính sẽ đi vào Tây Nguyên và miền Nam, rồi lần lượt đi khắp Việt Nam, bằng xe máy. Sẽ lại lang thang ở các chợ. Dứt lời, Robin khoe đã học hết quy tắc giao thông đường bộ trên máy điện thoại, giờ hỏi tình huống, biển báo nào cũng có thể trả lời vanh vách.
“Tôi không chuẩn bị gì nhiều. Tôi có xe máy và một chiếc lều. Tôi sẽ hát ở các chợ, người dân cho tiền thì để đổ xăng và ăn uống. Tối căng lều ngủ. Mưa và lạnh ở Việt Nam không là gì so với Úc, New Zealand cả. Từ khi tới Việt Nam, tôi nhận ra chợ là văn hóa sống, muốn biết một vùng đất ở như thế nào thì cứ tìm tới chợ. Ở đó người ta khá giả hay giàu nghèo, ăn thứ gì, con người ra sao…bộc lộ hết ở chợ”, Robin nghiệm ra. Sở dĩ anh vào Tây Nguyên trước là bởi quá tò mò về các dân tộc thiểu số, họ có ngôn ngữ, trang phục, sinh hoạt hoàn toàn khác biệt.
Hành trình trước mắt còn dài, Robin còn dự tính sang cả Campuchia và Lào. Hỏi anh có khi nào thấy mình “liều”, thấy sợ không, Robin gạt tay, kiên định: “Nếu lo sợ tôi đã không có mặt ở đây hôm nay. Tôi đang đi khám phá thế giới bằng tất cả những gì mình có thể nên không thể gọi là liều được. Tôi thỉnh thoảng vẫn gọi về gia đình và không xin tiền hay nhờ hỗ trợ gì cả. Tôi có thể tự lo cho mình”.
Trước khi rời Đà Nẵng, Robin bật mí sẽ tập thêm những bản nhạc Việt, nhất là dòng bolero để bà con trong chợ nghe quen tai hơn, tương tác với mình nhiều hơn. Robin mong sự xuất hiện của mình sẽ đem tới niềm vui và sự thoải mái cho mọi người.
Những ngày áp Tết Quý Mão, Robin đang di chuyển vào tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… “Tôi sẽ tìm về chợ nông thôn để biết không khí Tết ở đó như thế nào. Nếu được mọi người mời ăn Tết, tất nhiên là rất vui rồi, và chắc chắn sẽ ăn no”, Robin hài hước.