Nhắc đến cổ vật, người ta thường nghĩ ngay đến những thứ quý giá được tạo tác bằng vàng, bằng ngọc hay bằng đồng có nguồn gốc từ thời phong kiến lâu đời... Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghĩ một chiếc thớt cũ lại trở thành cổ vật vô giá chưa?
Trên thực tế, chuyện như vậy đã từng xảy ra thật: một thanh niên sống tại Tứ Xuyên trong lúc thu dọn đồ đạc để chuyển nhà thì vô tình phát hiện di vật của ông nội để lại. Anh ta tìm thấy một chiếc thớt cũ. Nó to, dày, cầm khá nặng tay và trông chẳng khác gì một chiếc thớt bình thường.
Chàng trai tình cờ tìm lại chiếc thớt cũ, không ngờ giá trị của nó lại khiến anh giật mình. Ảnh: Baidu
Anh cho biết, chiếc thớt này là món đồ do ông nội để lại và đã được cất giữ trong góc bếp nhiều năm trời. Vì dáng vẻ bên ngoài không có điểm nào đặc biệt, nên ban đầu gia đình không quá chú ý đến sự hiện diện của chiếc thớt cũ này. Thời gian trôi qua, cho đến khi có dịp thu dọn đồ đạc, anh chàng mới phát hiện ra rằng chiếc thớt của ông nội dù có cất giữ bao nhiêu năm nhưng vẫn không có vết mục nát hay một chút nấm mốc nào.
Không những thế, thớt còn có mùi thơm thoang thoảng rất dễ chịu, nếu sử dụng sẽ có mùi thơm thanh nhã tỏa ra từ những vân gỗ trên thớt. Anh chàng ngửi thấy mùi hương rất lạ nên mong muốn tìm các chuyên gia thẩm định giúp mình loại thớt này là gỗ gì. Kết quả, các chuyên gia nhận định rằng chiếc thớt này đã có lịch sử hàng trăm năm và nó được làm từ gỗ kim tơ nam mộc vô cùng quý giá.
Chiếc thớt bằng gỗ kim tơ nam mộc quý giá. Ảnh Sohu
Kim tơ nam mộc (hay còn gọi là nam mộc tơ vàng) là một loại gỗ quý chỉ có ở Trung Quốc, được trồng chủ yếu ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu. Bản thân gỗ đã toát lên hương thơm thanh nhã. Vân gỗ dày, mịn, tựa như sợi tơ màu vàng và không dễ biến dạng cho dù có ngâm lâu dưới nước, khi vân gỗ được chiếu dưới ánh nắng sẽ hiện lên như những sợi tơ vàng óng ánh. Kim tơ nam mộc được dùng phổ biến trong các cung điện xưa. Cây gỗ phân bố ở Tứ Xuyên và một số vùng thuộc phía Nam sông Trường Giang, do vậy có tên gọi kim tơ nam mộc.
Vào thời xưa, kim tơ nam mộc chuyên được dùng cho cung điện hoàng gia, xây dựng chùa, và làm các đồ nội thất cao cấp. Kim tơ nam mộc được phân thành nhiều đẳng cấp thường căn cứ theo tuổi của cây gỗ, tuổi càng cao thì gỗ càng quý. Với sự quý hiếm và đắt đỏ như vậy, thời xưa, chỉ có hoàng đế hay những bậc thân nhân của hoàng đế, dòng dõi hoàng tộc mới có thể sở hữu những sản phẩm từ kim tơ nam mộc.
Một sản phẩm được làm từ kim tơ nam mộc. Ảnh: Sohu
Chàng trai trẻ như "bắt được vàng" khi biết được xuất xứ cũng như giá trị của món bảo vật mà ông nội để lại. Nếu như bán đi thì có thể sẽ trở thành triệu phú hoặc đổi đời ngay lập tức. Sau khi nghe nhận định chiếc thớt cũ có giá trị rất cao, anh cũng cho biết sẽ nhờ các chuyên gia nghiên cứu và hy vọng có thể chạm khắc chiếc thớt này trở thành tác phẩm nghệ thuật quý giá.
Tất nhiên, vì chiếc thớt là bảo vật quý giá của ông nội, nên chàng trai cũng không có ý định bán. Dù chuyên gia thẩm định ngỏ ý muốn mua lại với giá rất cao nhưng chàng trai đã từ chối và quyết định giữ nó làm vật gia truyền. Nguyện vọng của anh là muốn tìm một thợ điêu khắc giỏi để biến chiếc thớt thành một tác phẩm nghệ thuật để trưng bày và có thể truyền lại cho con cháu đời sau.
Trong lúc thu dọn di vật của ông nội, chàng trai tình cờ tìm lại chiếc thớt cũ, không ngờ giá trị của nó lại khiến anh giật mình.