Tán vợ bằng thơ
Nguyễn Ngọc Lâm, 37 tuổi, quê Thanh Hóa, bị gãy đốt sống cổ và liệt tứ chi sau một vụ tai nạn giao thông năm 2004. Chàng sinh viên năm nhất từ ngày đó phải ngồi trên xe lăn, tứ chi co quắp không tự điều khiển được. Mọi hoạt động ăn uống, vệ sinh phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người thân.
Sau vụ tai nạn, anh đến Nhà may mắn ở TP.HCM (nơi cung cấp nhà ở, chăm sóc y tế – vật lý trị liệu, giáo dục, đào tạo nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi), rồi trở thành giáo viên dạy tin học và kỹ năng sống cho trẻ em.
Vốn là người yêu thơ, anh Lâm thường viết những vần thơ lạc quan, yêu đời trên Facebook. Một ngày, cô gái tên Minh Thơ nhắn tin làm quen. Anh vào trang cá nhân của cô này xem, tình cờ phát hiện hai người có chung sở thích về thơ. Kể từ đó, hai người dùng thơ để nhắn tin qua lại.
Cô gái quê Bến Tre cũng không giấu nổi sự quý mến chàng trai tật nguyền này. “Tôi thấy đồng điệu và cảm phục những bài thơ thể hiện tình yêu thương gia đình và nghị lực vươn lên của anh Lâm nên kết bạn làm quen. Khoảng 3-4 tháng nhắn tin, tôi quyết định đến thăm anh”, chị Nguyễn Thị Minh Thơ (36 tuổi) kể.
Chị Thơ đến thăm anh Lâm tại Nhà may mắn.
7h sáng một ngày nắng năm 2013, chị Thơ đi từ quận 7 sang quận Bình Tân để thăm anh nhưng bị lạc đường. Đến 12h, chị vẫn chưa tìm được trung tâm nơi anh sống vì điện thoại chị hết pin. Máy tính và xe của anh cũng bị hỏng nên không thể liên lạc được.
“Không lẽ cô này cho mình “leo cây”?, anh Lâm nghĩ sau 5 tiếng hồi hộp chờ đợi. Chờ hoài không thấy ai đến, anh thấp thỏm đi ra đi vào, đến mức “bể luôn bánh xe lăn”. Thấy quá muộn, anh chuẩn bị vào ăn cơm thì thấy một chiếc xe ôm đi ngang qua. Anh ra nhìn và gặp một người con gái mồ hôi mướt mải đang ngó nghiêng xung quanh.
Thấy cô nàng chân quê, ăn mặc giản dị, tóc dài và nét cười hiền, anh Lâm đoán đây chính là người con gái đến thăm mình. Anh chào hỏi rồi mời cô vào nhà.
Chị Thơ lần đầu gặp anh cũng khá bất ngờ. “Tôi biết anh là người khuyết tật chỉ ngồi trên xe lăn nhưng không nghĩ anh bị nặng đến mức không cử động được tay”, chị kể.
Đôi tay co quắp của anh Lâm.
Lúc ăn trưa, tay anh không cầm nắm được, phải dùng nẹp buộc cái muỗng vào cánh tay để xúc cơm. Khi đang đưa muỗng cơm lên miệng thì chân anh giật giật, miếng cơm trên tay cũng bị hất đổ. Chị Thơ thấy thế liền sang ngồi cạnh, đút cơm cho anh.
“Cô ấy không ngại ngần, đối xử rất chân thành nên tôi cảm động. Lúc đó tôi ước sao cô gái này có thể sống chung với mình cả đời”, anh Lâm nói.
Sau lần gặp đó, hai người tiếp tục dùng thơ để nhắn qua lại. Một đêm, anh nằm nghĩ bài thơ để tỏ tình với cô.
“Anh nghèo khuyết tật tha hương/Nếu em thiện ý thì thương thật lòng/Anh xin suốt kiếp làm chồng/Yêu em chung thủy nguyện không đổi rời/Bằng lòng đi nhé em ơi/Về đây dệt mộng trao lời yêu thương/Ta xây hạnh phúc thiên đường/Sẻ chia gian khổ, nhịn nhường hy sinh”.
Nhận được bài thơ tỏ tình, chị Thơ im lặng, không nhắn lại. “Tôi suy nghĩ rất nhiều và thấy xúc động, kiểu "tình trong như đã" nhưng "mặt ngoài còn e". Tôi không thể hiện ra ngoài vì muốn để anh hồi hộp và bất ngờ”, chị Thơ cười.
Hôm sau, chị sang thăm anh. Khi nhìn vào mắt cô gái ấy, anh Lâm dường như cảm nhận được chị đã thầm đồng ý, nên thấy “hạnh phúc rạo rực”.
5 năm giấu gia đình, bạn bè
Vừa yêu nhau, chị Thơ quyết định nghỉ việc ở công ty của Nhật bên quận 7, rồi thuê nhà trọ ở gần nơi anh để tiện chăm sóc và chia sẻ.
Mới đầu được chị chăm sóc, hai người đều rất ngại. “Di chứng của tai nạn khiến bàng quang của anh bị teo, đến nay vẫn phải đặt ống, hằng ngày phải xúc rửa và chăm sóc vết thương. Nếu ngồi lâu sẽ bị loét và trĩ dẫn đến đau nhức, khó chịu. Lần đầu người con gái ấy giúp tôi vệ sinh, tôi vừa thấy ngại và cảm động”, anh Lâm nói và cho biết chưa bao giờ chị Thơ tỏ vẻ phàn nàn hay chán nản.
Ngoài chăm sóc anh, chị Thơ cũng phải loay hoay vì công việc mới. Thậm chí, chị phải đổi việc nhiều lần vì không đủ chi tiêu cuộc sống. Anh lúc này cũng gặp khó khăn về tài chính, có lúc trong túi của hai người không có nổi 1.000 đồng.
“Lúc đó, tôi phải vay tiền để chi tiêu. Thơ phải đạp xe lên chợ đầu mối lấy bánh và trái cây về đi bán. Chúng tôi đi lên từ con số 0 như vậy”, anh Lâm kể.
Chị Thơ bế anh Lâm khỏi xe lăn, giúp anh vệ sinh cá nhân, vật lý trị liệu.
Dù khó khăn nhưng hai người không nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè vì đang cố giấu mối quan hệ này. Bởi nếu công khai, anh sợ bị mọi người phản đối.
“Trước khi gặp Thơ, tôi cũng trải qua 2 mối tình thất bại vì áp lực từ gia đình và bạn bè của cô gái. Gia đình họ rất khó chấp nhận người khuyết tật nặng như tôi, thậm chí là phản đối đến cùng. Và khi tình yêu không đủ mạnh thì sẽ không ở bên nhau được. Đó là cái khó chung của người khuyết tật khi yêu người bình thường.
Biết sẽ khó như vậy nên tôi phải đi đường vòng. Lần này, tôi và Thơ quyết định giấu gia đình. Không phải giấu để lén lút làm điều bậy bạ mà để tránh những áp lực. Nếu bị gia đình phản đối thì chúng tôi sẽ không có thời gian tìm hiểu nhau kĩ hơn và cũng không có tâm trí làm việc khác”, anh Lâm nói.
Để có tiền lo cho cuộc sống, anh Lâm làm thêm việc kinh doanh online, quảng cáo cho các công ty và môi giới bất động sản. Từ đó, cuộc sống ổn định dần. Anh có tiền hỗ trợ bố mẹ trả nợ và giúp gia đình chị Thơ sửa nhà.
Năm năm sau, hai người mới công khai và thuyết phục gia đình cho làm đám cưới. Gia đình chị Thơ ban đầu không đồng ý vì thấy anh khuyết tật quá nặng. Nhưng sau khi nghe kể về hành trình 5 năm vượt qua khó khăn của hai người, mẹ chị Thơ cũng xuôi lòng.
Anh chị sau đó lên kế hoạch tổ chức đám cưới và tự chuẩn bị mọi thứ từ A - Z, từ thiệp mời đến đặt tiệc. Xong xuôi mọi thứ, anh chị mời hai bên gia đình đến dự.
“Để thuyết phục cha mẹ, chúng tôi kể hết những chặng đường 5 năm qua, cho mọi người biết chúng tôi kiếm tiền thế nào, dành dụm và lo lắng mọi chuyện trong nhà ra sao. Sau khi nghe câu chuyện đó, gia đình cũng dần hiểu tình cảm chân thành và chấp thuận cho tổ chức đám cưới vào ngày 23/12/2018".
Bằng mọi nỗ lực, anh Lâm thuyết phục mẹ chị Thơ đồng ý cho tổ chức đám cưới.
"Bố mẹ chấp thuận mối quan hệ này không phải vì thời gian yêu 5 hay 10 năm, mà quan trọng nhất là sự nỗ lực của mình. Mình phải tạo dựng được kinh tế và cuộc sống ổn định thì mới chứng minh cho gia đình thấy: người khuyết tật tuy “tàn” nhưng cũng lo được cuộc sống, chứ không phải chỉ nằm chờ người khác chăm lo”, anh Lâm nói và cho biết hiện bố mẹ hai bên rất hài lòng vì những nỗ lực của hai vợ chồng.
Từ khi quen nhau đến nay, vợ chồng anh Lâm chưa giây phút nào cảm thấy hối hận vì quyết định của mình. Điều hai người mong muốn lúc này là có một em bé để hạnh phúc thêm đủ đầy, nhưng ước mơ này có phần khó thực hiện.
“Vợ chồng tôi định thụ tinh nhân tạo nhưng không có nhiều hy vọng. Nếu không được, chúng tôi sẽ xin con nuôi”, chị Thơ cho biết.
Dù thiếu vắng tiếng bi bô của trẻ con nhưng vợ chồng chị vẫn hạnh phúc từng ngày và trao nhau những vần thơ tình cảm, như cách anh chị đã làm suốt 9 năm qua.
“Từ khi em đến bên anh/Bốn mùa kia bỗng hóa thành mùa xuân/Em là đôi tay đôi chân/Cho anh điểm tựa vượt ngàn phong ba/Từ khi về sống chung nhà/Em như cô tấm hiện ra trong đời/Bên nhau quấn quýt chẳng rời/Ngày đêm xây mộng khung trời yêu thương/Cuộc đời giông bão khó lường/Đôi ta luôn sống nhịn nhường hiểu nhau” - trích bài thơ anh Lâm viết tặng vợ nhân ngày lễ tình nhân 14/2/2022.
Vợ chồng anh Lâm hiện đang rất hạnh phúc sau 9 năm yêu nhau.