Chàng trai kiếm hơn 20 triệu/ tháng nhưng không tiết kiệm được đồng nào: Nhìn bảng chi tiêu ai cũng lắc đầu

Nguyệt |

Dẫu có mức thu nhập khá ổn nhưng tài khoản tiết kiệm của chàng trai không được cải thiện.

Đi làm nhưng không tiết kiệm được đồng nào là vấn đề chung của nhiều bạn trẻ. Nguyên nhân đến từ việc mức lương không cao, dẫn đến họ làm được đồng nào thì tiêu hết đồng đó cho chi phí sinh hoạt và nhu cầu cá nhân khác. Tuy nhiên, có những bạn trẻ có mức lương ổn nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiết kiệm. Nguyên nhân đến từ đâu?

Mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, một bạn trẻ có mức lương trên 20 triệu/tháng tâm sự bản thân "không thể tiết kiệm được". Bài đăng của anh chàng đã thu hút nhiều chú ý.

Chàng trai kiếm hơn 20 triệu/ tháng nhưng không tiết kiệm được đồng nào: Nhìn bảng chi tiêu ai cũng lắc đầu- Ảnh 1.

Bài đăng của chàng trai đang thu hút nhiều quan tâm

Chàng trai kiếm được 21 - 26 triệu đồng/tháng với 2 nguồn thu nhập: thu nhập từ công việc chính (11 triệu) và thu nhập thụ động (10-15 triệu). Hàng tháng, anh chàng dành 5 triệu trả nợ hộ gia đình; 1,5 triệu hỗ trợ tiền học cho em gái; 2,8 triệu tiền trọ; 4 triệu tiền ăn; 2 triệu chi tiêu cho bạn. Tuy nhiên, khoảng 15 triệu trên đây chỉ là những khoản chi mà anh chàng nhớ rõ bản thân đã dùng tiền lương cụ thể như thế nào.

Khi một người hỏi chàng trai khoản tiền lương còn lại chi tiêu vào đâu thì chàng trai thú nhận là... không rõ. Anh chàng cho hay: "Em không nhớ em tiêu vào gì hay có rơi rụng đâu không. Mà thói quen em không dùng tiền mặt, mà check sao kê (tài khoản ngân hàng - PV) toàn khoản 500 - 1 triệu mà không ghi nội dung nên không nhớ".

Bên dưới bài đăng, nhiều người đều đồng tình rằng nếu muốn tiết kiệm thì anh chàng cần thay đổi cách quản lý tài chính hiện tại. Bởi họ cho rằng, với mức lương trên 20 triệu/tháng và còn chưa kết hôn thì anh chàng có thể tiết kiệm được nhiều hơn.

Một số bình luận gợi ý cách thay đổi tài chính từ cư dân mạng:

- "Bạn nên tiết kiệm trước khi chi tiêu chứ đừng chi tiêu xong rồi mới tiết kiệm. Nếu quyết tâm thì phải đưa mình vào thế bắt buộc phải tiết kiệm. Tiết kiệm 10-20% thu nhập cho vào sổ tiết kiệm hoặc mua vàng, mua nhà đất trả góp. Dành 20% để tái đầu tư vào công việc thu nhập thụ động của bạn để tăng thêm thu nhập thụ động. Và sau đó là chi tiêu cho bản thân với gia đình, còn chi tiêu yêu đương nên share với người yêu".

- "Mình có một tips là áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ. Khi nhận được lương (thu nhập) thì chia luôn ạ. Có thể chia thành các tài khoản ngân hàng khác nhau, tiền tiết kiệm có thể gửi online hoặc mua vàng chẳng hạn. Việc đó giúp mình cân đối được tài chính và không đụng đến các khoản tiền đã tiết kiệm".

- "Chia thu nhập thành 3 túi. Một túi dùng để chi tiêu thiết yếu, một túi dùng để hưởng thụ, một túi dùng để tiết kiệm 10-15% thu nhập. Trích tiết kiệm ra trước, bạn có thể để riêng 1 tài khoản ngân hàng để tiết kiệm, rồi còn lại bao nhiêu cân đối, chi tiêu trong đó thì dần sẽ kiểm soát được tài chính thôi à".

- "Bạn bớt ăn ngoài thử. Và mỗi tháng bạn bỏ ra khoảng 5-7 triệu nhất định, không động đến để dành trước, sau đó chi tiêu trong các khoản còn lại".

Chàng trai kiếm hơn 20 triệu/ tháng nhưng không tiết kiệm được đồng nào: Nhìn bảng chi tiêu ai cũng lắc đầu- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Tại sao bạn kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó?

Không chỉ riêng chàng trai trên mà không thể tiết kiệm từ tiền lương hàng tháng là vấn đề chung của nhiều bạn trẻ. Dưới đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

1/ Không ghi chép lại các khoản chi tiêu hàng tháng

Đây là nguyên nhân lớn khiến một người không thể tiết kiệm đến. Nếu bạn không biết hàng tháng mình tiêu tiền vào đâu thì việc tìm khoản chi tiêu để cắt giảm bớt trở nên rất khó khăn.

Lời khuyên là bạn nên chủ động quản lý tiền của mình tốt hơn, biết nó đi đâu về đâu bằng cách thống kê toàn bộ ra giấy hoặc ứng dụng. Từ đó mỗi người có thể dễ dàng biết nên giảm chi chỗ nào và chuyển nó sang tài khoản tiết kiệm.

2. Sống trên mức thu nhập

Khi chi tiêu vượt quá mức thu nhập, bạn sẽ khó thể tiết kiệm được. Phương pháp quản lý tài chính thông minh khuyên bạn nên xem lại bảng chi tiêu của mình, sao kê ngân hàng và sao kê thẻ tín dụng để xác định các khoản chi quá tay, từ đó tìm cách lược bỏ chúng.

3. Không tiết kiệm ngay sau khi nhận lương

Sai lầm của rất nhiều người là đến cuối tháng dư ra bao nhiêu tiền rồi mới để ra tiết kiệm. Tuy nhiên, cách quản lý tài chính thông minh là bạn phải trích thu nhập vào tài khoản tiết kiệm ngay sau khi nhận lương, còn lại bao nhiêu mới tính đến chuyện chi tiêu hàng tháng.

4. Thường xuyên mua sắm bốc đồng

Yêu chiều bản thân là tốt, nhưng chi tiêu bốc đồng quá mức sẽ bòn rút số tiền mà bạn có thể tiết kiệm được. Từ nay khi muốn mua gì, hãy dành một hoặc hai ngày để suy nghĩ và xác định xem bạn có thực sự muốn sở hữu nó hay không. Việc nhầm lẫn giữa món đồ bạn muốn và món đồ bạn cần là một vấn đề phổ biến trong nỗ lực tiết kiệm.

5. Âm thầm trả tiền cho các gói đăng ký không sử dụng

Các dịch vụ đăng ký như gói cước điện thoại, ứng dụng xem phim, nghe nhạc... sẽ là hữu ích nếu bạn thực sự sử dụng. Tuy nhiên nếu đã đăng ký mà quên hoặc không dùng chúng thì bạn đang lãng phí số tiền mà mình có thể tiết kiệm được mỗi tháng. Huỷ mua những gói này là cách dễ nhất để bạn có thể bắt đầu tiết kiệm tiền.

Kiểm tra lịch sử thanh toán thẻ ngân hàng và bản sao kê thẻ tín dụng rồi lập danh sách tất cả các gói đăng ký mà bạn đang thanh toán. Hủy tất cả dịch vụ mà bạn không còn thấy giá trị và những thứ mà bạn thậm chí không nhận ra rằng mình vẫn đang trả tiền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại