Thời gian qua, group Flex đến hơi thở cuối cùng đã trở thành nơi chia sẻ câu chuyện khiến dân tình không khỏi trầm trồ. Mới đây, bài đăng có tên hành trình từ “đồ bê đê đến Havard” của anh Duy Liêm đã gây sốt với hơn 12.000 lượt tương tác và hàng trăm bình luận. Đa số bày tỏ sự ngưỡng mộ trước nghị lực của chàng trai vượt qua kỳ thị để đạt được ước mơ.
Anh Duy Liêm (30 tuổi), quê ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã nhận ra giới tính của mình từ nhỏ. Hồi mẫu giáo, anh cùng em trai đầm cưới và chạy xe hơi điện lon ton quanh xóm mặc thiên hạ xầm xì.
Lên lớp 3, anh đã hôn bạn trai mình thích ở nhà cô giáo. Thậm chí, anh chàng cũng mạnh dạng đeo đồng hồ màu cam có điêu khắc hình con bướm tới trường, dù bị bạn chọc là “đồ bê đê”.
Nhưng đến năm 12 tuổi, Liêm phải dọn qua Mỹ sống để trốn nợ. Trong suốt 6 năm sau đó, anh rơi vào trầm cảm, bố bị tai biến, mẹ lại không biết tiếng Anh khóa hòa nhập được cuộc sống xứ người. Để sinh tồn, cậu bé 17 tuổi vừa đi học, vừa đi làm ở tiệm tạp hoá của người Việt.
Năm Liêm lên lớp 12, anh quyết tâm vào đại học nhưng chẳng biết quá trình như thế nào. Anh phải viết bài luận bằng tiếng Việt rồi ngồi dịch sang tiếng Anh và sửa chính tả bằng Grammarly.
Cuối cùng, anh đậu vào University of Washington với suất học bổng dành cho người khó khăn.
Nhưng quá trình đại học cũng chẳng dễ dàng. Anh nhận ngay điểm F trong lớp chính trị cơ bản và nhiều lần hoài nghi mình chẳng đủ năng lực theo chương trình. Không bỏ cuộc, Liêm cố gắng học ngày, học đêm và tham gia vào các dự án xã hội.
Anh tạo ra dự án cộng đồng gồm 40 người trẻ từ khắp thế giới hội tụ về Việt Nam để giúp đỡ cộng đồng LGBTQ+. “Thời gian đó chưa có kinh nghiệm lại thiếu chuyên môn tôi bị mọi người chửi te tua”, Liêm nói.
Vài năm sau đó, anh trở về Việt Nam tổ chức cuộc hành hương xuyên Việt qua Cần Giờ, Côn Đảo, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Bình Dương và Vũng Tàu để giúp 15 người trẻ tìm về lịch sử.
Sau nhiều năm bôn ba với các dự án cộng đồng, Liêm quyết định nộp vào học hệ thạc sĩ Havard vào năm 2019. Học bổng toàn phần 2,5 tỷ cho 3 năm với Liêm như một giấc mơ.
Rồi dịch Covid-19 ập đến, lúc đó anh vừa học, vừa làm barista ở cửa hàng Starbucks. Nhưng lúc thấy miền Trung Việt Nam bị lũ lụt, ở Mỹ, anh đã viết dòng trạng thái xin cứu trợ được 140 triệu.
Những dự án cộng đồng đã dần “chữa lành” cho chàng trai từng mắc trầm cảm. Suốt năm qua, chàng sinh viên Đại học Harvard đã trở về Việt Nam học thiền trị liệu. Thậm chí, anh đã thử những điều chưa dám làm như leo Fansipan, đọc thơ, MC, diễn xuất, và hát trước mặt hơn 100 người.
“Những điều này giúp mình kết nối hơn với đứa trẻ đam mê khám phá và sáng tạo trong mình — một phần mà mình đã mất kết nối vì trầm cảm”, Liêm kể.
Chia sẻ với phóng viên, Liêm nói trong tiếng Anh có từ cringe, nghĩa là co rúm lại. Trong cuộc đời, anh đã gặp nhiều vấn đề, nhiều quyết định tạo ra loại cảm giác đó. Bài đăng trên group Flex đến hơi thở cuối cùng cũng vậy.
Mọi người thường nghĩ về thành công là giàu có, có vị trí hoặc đỗ đạt trường danh giá. Nhưng với Liêm, thành công phải do chính mình định nghĩa.
Liêm nói anh từng là đứa gan lì, hư hỏng, hỗn hào, dị biệt, điên rồ với những người xung quanh. Anh cũng không phủ nhận những định kiến đó.
Liêm chia sẻ: “Đôi khi thành công là vượt qua những giới hạn, nỗi sợ của mình. Thành công đôi khi là thất bại, là những ngã rẽ, là những quyết định kỳ lạ miễn là mình đang thực sự sống tự do hơn và rộng lớn hơn”.
Qua bài đăng, anh chỉ muốn gửi lời động viên đến những người trẻ đang cơ hội để vượt qua những nỗi sợ của mình (dù là nhỏ nhất) để trở thành phiên bản đẹp nhất. Bạn đang còn thở, còn sống, còn nghe, còn thấy thì cứ vững tin trên con đường đua của riêng mình.