Nhà báo Vĩnh Khang được nhận học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ năm 2015, anh theo học chuyên ngành thạc sĩ báo chí tại Đại học Syracuse, New York.
Hiện đang cộng tác với nhật báo The Post and Courier, tờ báo từng đoạt giải Pulitzer năm 2015 ở hạng mục “Phục vụ cộng đồng”. Anh chỉ rõ ra những yếu kém của MC Tạ Bích Loan và 60 phút mở.
Dưới đây là quan điểm cá nhân của nhà báo Vĩnh Khang về chương trình này:
Chương trình 60 phút mở đề cao sự phản biện, trao đổi thông tin, ý kiến của các nhân vật, trong khi Việt Nam từ xưa đến nay tính phản biện cực kỳ yếu. Theo tôi, việc Việt Nam không quen với văn hoá phản biện là do ảnh hưởng từ môi trường giáo dục.
Chúng ta thường thấy trong môi trường học đường là giáo viên nói gì thì học sinh nghe đó, giáo viên nói và học sinh chép, không có sự phản biện, không có nhiều sự trao đổi, thảo luận trong lớp.
Trong khi đó, giáo dục ở Phương Tây đề cao sự phản biện. Ở đó, giáo viên chỉ là người đồng hành, khuyến khích học sinh phản biện, trao đổi giữa học sinh và học sinh, học sinh và giáo viên. Từ nền tảng đó, xã hội họ cũng cởi mở, đề cao văn hoá phản biện hơn.
Tôi nghĩ xã hội có phản biện mới có phát triển, có trao đổi, nuôi dưỡng sự sáng tạo, tìm ra được nhiều phương án cho nhiều vấn đề, nhìn nhận thấu đáo mọi mặt. Tôi thích ý tưởng của chương trình này là ở chỗ đó.
Tuy nhiên, tôi thấy chương trình còn gặp một số vấn đề:
Trong chương trình: “Người ta làm từ thiện là vì ai?” thì cần khẳng định: Từ thiện là vấn đề rất rộng, chỉ cần xoáy vào một khía cạnh thôi. Có thể nói chương trình quá tham khi đề cập rất nhiều khía cạnh của từ thiện, khiến mọi thứ dàn trải.
Hết chương trình, tôi vẫn chưa hiểu chương trình tập trung vào khía cạnh gì? Mọi thứ cực kì lộn xộn. Chương trình chỉ hơn 40 phút mà nêu ra quá nhiều vấn đề thì không thể giải quyết được.
Ngoài ra, cách dẫn của host - chị Tạ Bích Loan chưa ổn. Host là người điều tiết cuộc nói chuyện, nhưng có nhiều đoạn, chị để khách mời nói chuyện như cãi nhau.
Trong những cuộc tranh luận, người tham gia không thể điều tiết được cái nhịp của câu chuyện là điều bình thường. Khi đó host sẽ làm nhiệm vụ đưa họ trở lại câu chuyện, trở lại đường dây chính.
Tuy vậy, tôi thấy host của chương trình chạy theo những vấn đề của khách mời đưa ra, lúc cái này, lúc cái kia khiến vấn đề cứ đi lòng vòng, đề cập đến nhiều thứ mà không “gút” lại được.
Lấy ví dụ, ngay khoảng 5 phút đầu, chương trình có đề cập đến chuyện chính quyền ngăn chặn không cho làm từ thiện.
Tôi đã nghĩ, “Chương trình hay quá” nếu chương trình mời được chính quyền đến trường quay hay phỏng vấn họ qua điện thoại vì lí do gì họ lại không cho nhóm làm từ thiện.
Nhưng không có, mọi ý kiến đều là từ nhóm làm từ thiện khiến cuộc trao đổi mang tính đa chiều trở nên vô nghĩa. Đưa ra vấn đề nhưng không “gút” lại được, thì phần này chẳng có giá trị trong chương trình.
Khi tôi còn chưa định hình được chương trình đang tập trung vào khía cạnh gì, thì chương trình đã chuyển sang việc làm từ thiện thật hoành tráng để phô trương.
Phần của TS. Đặng Hoàng Giang là phần có nhiều ý kiến thú vị, nhưng host chưa dẫn dắt câu chuyện chặt chẽ khiến khán giả cảm thấy không thuyết phục.
Anh Giang cho rằng, mang quần áo dưới xuôi lên miền núi tặng cho người nghèo, lâu dần, bản sắc dân tộc vùng cao sẽ bị mất. Thông tin này thú vị vì nó mở ra một góc nhìn mới.
Nhưng khi host trao đổi một người có học vị tiến sĩ thì phải yêu cầu tiến sĩ đó chứng minh. Khảo sát từ đâu mà anh có suy nghĩ đó, liệu anh có số liệu, có bằng chứng nào không.
Dẫn chứng không cần lấy ở xã hội Việt Nam mà chỉ cần một bộ lạc nào đó xa xôi, sau khi những đoàn từ thiện đến thăm thì văn hoá ở đó bị đồng hoá với xã hội hiện đại, như thế khán giá sẽ phần nào nắm được ý của anh Giang, nhưng không có.
Cho nên, tôi nghĩ việc TS Đặng Hoàng Giang đang bị “cư dân mạng” “ném đá” có một phần nguyên nhân từ việc chương trình không chặt chẽ.
Còn về phần tranh luận vụ từ thiện thật thì tôi thấy chán nhất. Mọi thứ trở nên căng thẳng quá mức, cãi nhau như mổ bò, host cũng không điều tiết được phần này. Tôi có cảm giác một chương trình từ thiện trở thành chương trình “lật mặt”.
Qua theo dõi 2 số “60 phút mở”, tôi thấy chương trình có cách làm tương đồng với “60 minutes” của Đài truyền hình CBS, Mỹ. Chương trình này ra đời từ năm 1968 và thu hút đông đảo người xem bởi đề tài hấp dẫn, cách dẫn dắt thu hút.
Ở Mỹ, chương trình này có đề tài khá rộng, từ chính trị, kinh tế đến những vấn đề cụ thể trong đời sống. Đơn cử như một trong những chương trình từng rất thành công là chất vấn Bob Kerrey về vụ thảm sát ở Thạnh Phong vào năm 1969 trong chiến tranh Việt Nam.
Host và một ê kíp nhà báo điều tra đã nắm đủ tư liệu, nhưng cách dẫn trung dung và cởi mở khiến câu chuyện như những trang sách, cứ mở dần và khán giả dõi theo chờ xem trang cuối cùng sẽ có kết cục ra sao.
Còn chương trình “60 phút mở” của Việt Nam, tôi thấy format và tính chất của chương trình hấp dẫn nhưng cách làm chưa thuyết phục.
Quan điểm riêng của tôi, tôi thích những chương trình đề cao tính phản biện này phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng có lẽ, ê-kíp chương trình cần thêm thời gian để hoàn thiện.