Anh Chu sống tại TP.Trùng Khánh, Trung Quốc. Nhờ chi tiền cho mai mối, anh quen với cô vợ kém 10 tuổi.
Cặp đôi có 3 tháng trò chuyện qua mạng nhưng những tin nhắn gửi nhau không thường xuyên. Người đàn ông chỉ biết vợ sắp cưới phải uống thuốc hàng ngày, không biết cô mắc bệnh gì.
Để lo cho hôn sự, gia đình anh Chu đã phải đi vay 60.000 tệ (khoảng 210 triệu đồng) làm quà cho cô dâu, 40.000 tệ (140 triệu đồng) mua vàng và bày cỗ.
Tuy nhiên, sau đám cưới, vợ anh cả cả đêm không ngủ, lang thang đến 3-4 giờ sáng mới về. Thấy vợ có những biểu hiện bất thường, anh Chu kiểm tra lọ thuốc thì biết vợ mắc bệnh tâm thần nặng và vẫn đang điều trị.
Hình minh họa.
Sau đó, gia đình anh Chu đã tìm bên thông gia để hỏi về bệnh tình của cô Hoàng, nhưng người nhà cô Hoàng chỉ giải thích rằng, chứng bệnh trên không nghiêm trọng, chỉ cần uống thuốc. Cảm thấy bản thân bị lừa, anh Chu liền đệ đơn yêu cầu tòa án cho ly hôn.
Tuy nhiên tòa án quận Đại Túc, TP.Trùng Khánh, vào tháng 12/2020, đã bác đơn khiếu nại của anh Chu, bởi họ cho rằng dù vợ anh đã mắc bệnh tâm thần trước khi kết hôn, nhưng lại không hề có triệu chứng nặng. Luật pháp Trung Quốc cũng không có điều khoản nào quy định bệnh tâm thần thì không thể lấy chồng.
Ngoài ra, việc anh Chu và vợ cùng đi tới cơ quan đăng ký kết hôn là điều chứng tỏ hai bên đều tình nguyện. Do vậy, không có căn cứ chứng minh vợ anh Chu mắc chứng tâm thần tại thời điểm đi đăng ký.
Nên tòa kết luận, cuộc hôn nhân của anh Chu hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và có giá trị về mặt pháp lý.
Vụ của anh Chu cho thấy, việc khám bệnh trước hôn nhân là cần thiết để có thể tránh trường hợp phát hiện ra vợ hoặc chồng mắc bệnh hiểm nghèo sau khi kết hôn.