Anh Trần, 25 tuổi, sống tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) từ lâu đã bị táo bón. Vài ngày trước, trong một lần đi vệ sinh tại công ty, do không thể đại tiện bình thường, người đàn ông này cố dùng sức rặn mạnh.
Không ngờ ngay khi gắng sức, anh bắt đầu cảm thấy tức ngực, khó thở và sau khi rời khỏi nhà vệ sinh, tình trạng này càng nặng hơn. Về đến nhà, triệu chứng tức ngực, khó thở trở nên nghiêm trọng đến mức anh Trần rơi vào trạng thái mất kiểm soát hành vi, gia đình phải lập tức đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi áp dụng các phương pháp chẩn đoán, các bác sỹ phát hiện anh Trần bị tràn khí màng phổi. Phổi trái của thanh niên này bị nén lại gần 90% và có một vết rách lớn không thể tự lành. Tình trạng rất nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, các bác sỹ phải phẫu thuật khẩn cấp.
May mắn là ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Sau quá trình điều trị, anh Trần đã hồi phục và được xuất viện.
Cảnh báo về nguy cơ tràn khí màng phổi, bác sỹ điều trị cho anh Trần lưu ý, ngoài việc rặn mạnh khi đi vệ sinh, nhiều hoạt động khác cũng có thể gây ra tình trạng này như: Nâng vật nặng quá sức, nín thở, cười lớn, ho mạnh, hắt hơi mạnh, tập luyện thể thao cường độ cao hoặc đột ngột di chuyển từ môi trường áp suất cao sang áp suất thấp.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo mọi người nên cẩn trọng trong cuộc sống hàng ngày và tránh các hành động có thể gây áp lực quá mức lên cơ thể. Những người thường xuyên bị táo bón cần duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng; tìm kiếm lời khuyên từ bác sỹ để cải thiện tình trạng này một cách an toàn, không tự ý áp dụng các biện pháp có thể gây nguy hiểm.