Những ngày đầu tháng Tư, trong tiết giao mùa thoáng đãng của Hà Nội, nơi một căn hộ chung cư, bác sĩ Lê Hữu Nghị, thân sinh của nhà khoa học Lê Hoàng Anh đang lật giở từng trang album ảnh gia đình. Hồi ức về người con trai út cứ theo đó mà lần lượt trở về.
Hoàng Anh sinh ra ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), vào thời điểm bác sĩ Nghị tham gia quản lý Viện Điều dưỡng (nay là Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Sầm Sơn) của Bộ Xây dựng.
Trong khi những đứa trẻ cùng 8 tháng tuổi chỉ biết nói bập bẹ, phát ra những âm thanh không rõ nghĩa như "muh-muh", "bah-bah" thì Bi (tên thuở nhỏ của Hoàng Anh) đã sớm nói sõi, giọng không ngọng ngịu.
Thời gian này, do công việc bận bịu, hai vợ chồng bác sĩ thuê bé Oanh (14 tuổi), một trẻ giúp việc gần nhà để chăm Bi – lúc này đang 1,5 tuổi. Hễ mỗi lần thấy Oanh bế Bi đi chơi, là đội công nhân xây dựng đối diện nhà lại trêu đùa cô bé.
Thấy điều chướng tai gai mắt đó, tối về, Bi liền mách với mẹ, "Mẹ ơi! Hôm nay chị Oanh bế con đi chơi. Các chú đứng bên đường cứ gọi: Em Oanh ơi, em Oanh". Nhớ lại lời con nói, giờ đây bà Đinh Thị Vân vẫn không khỏi mỉm cười.
"Cai sữa cho Bi cũng thế. Mới một tuổi rưỡi thôi, nhưng hễ thấy mẹ bôi thuốc đắng vào ti, ngậm thấy đắng quá, con còn biết và nói "Đưa khăn đây!", bà Vân cười.
Nhưng kỷ niệm để lại trong bà Vân một ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là một lần đưa Bi lên Viện chơi. Khi ấy vào dịp hè, các cán bộ, lãnh đạo các bộ, ngành thường cùng người thân đến nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn.
Năm đó tuy chỉ mới 3 tuổi, nhưng Bi đã có một sự quan sát và nhận biết đối với các sự vật, hiện tượng xung quanh. Đang chơi ngoài sân, Bi thấy mỗi lúc xe ô tô chở cán bộ, lãnh đạo đến Trung tâm ngày một nhiều. Và xe nào cũng có một "ông sếp" và một người giúp việc – mở cửa xe, vận chuyển đồ đạc và đỡ người nhà của ông ấy xuống.
Vì lẽ đó, khi trở về nhà, Bi liền nói với mẹ, "Mẹ ơi, con ước lớn lên con làm sếp để có ô tô chở mẹ đi chơi. Mẹ thích đi đâu, con sẽ bảo tài xế rằng: Mai mẹ tôi đi chơi, chở mẹ tôi đi!".
Tuy rằng đó là những lời nói vu vơ của trẻ thơ, nhưng đã mang lại niềm vui không chỉ cho hai vợ chồng bác sĩ mà còn cho cả các đồng nghiệp khi được nghe câu chuyện này. Cũng nhờ vào sự láu lỉnh và khả năng ngôn ngữ phát triển từ sớm, trong hai lần thi kể truyện những năm mẫu giáo, Bi đều đạt giải.
Vào đầu năm 2000, bác sĩ Nghị nhận nhiệm vụ mới tại Bệnh viện Xây dựng, Hoàng Anh theo gia đình lên Hà Nội học tập.
Khác với những bạn cùng lứa trong Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Hoàng Anh rất thích các chương trình Khoa học - Giáo dục trên kênh VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đặc biệt trong số đó là các chương trình thiên văn học, khoa học vũ trụ. Câu chuyện của nhà vũ trụ học thiên tài người Anh – Stephen Hawking đã truyền cho Hoàng Anh nhiều niềm cảm hứng về sự say mê nghiên cứu khoa học nói chung và tìm hiểu những bí ẩn của vũ trụ nói riêng.
Một nhà khoa học khác người Việt Nam mà Hoàng Anh rất thích đó chính là "nhà điểu học", "nhà chim học" – GS Võ Quý. Ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên và là người châu Á thứ hai nhận Giải thưởng Hành tinh xanh, một giải thưởng quốc tế tương đương với giải Nobel về môi trường.
Những câu chuyện của GS Võ Quý trong chương trình "Đến với thiên nhiên" (VTV2) như sự cộng hưởng, đặt những nền móng đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học về sau của Hoàng Anh.
Cũng vì lẽ đó, ngay từ những năm học tiểu học, thay vì đọc những bộ truyện tranh đang lên cơn sốt thời bấy giờ như Doraemon, Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng), Dragon Quest (Dấu ấn rồng thiêng)..., Hoàng Anh lại dành rất nhiều thời gian đọc các sách về thiên văn học như: "Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ" (Stephen Hawking), "Lược sử thời gian" (Stephen Hawking)...
Với những kiến thức được góp nhặt từ các chương trình truyền hình và qua những trang sách, Hoàng Anh trở thành một "chuyên gia" về vũ trụ học trong nhà. Cứ đến bữa cơm hay những buổi sinh hoạt chung của gia đình, Hoàng Anh lại hóa thân thành một "thầy giáo" giảng giải cho cha mẹ, chị gái những kiến thức cơ bản về vũ trụ học:
"Vũ trụ có bao nhiêu thiên hà?", "Trái Đất nằm ở thiên hà nào?", "Trái Đất là hành tinh thứ mấy tính từ Mặt Trời?", "Hệ Mặt trời có bao nhiêu hành tinh?", "Sao Thổ, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc nằm ở đâu và có những đặc điểm gì?"...
Nghe con nói với một giọng điệu say mê, thích thú như vậy, cả hai vợ chồng bác sĩ Nghị cứ tưởng rằng lớn lên Hoàng Anh sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu thiên văn, vũ trụ. Và để chắp cánh cho ước mơ của con thêm vững chắc, hai vợ chồng đã bảo nhau dành 8 triệu tiền tiết kiệm mua ống kính thiên văn cho con.
"Tôi nhớ có lần đưa Hoàng Anh và con gái lớn đến Bờ Hồ để tìm mua kính thiên văn. Nhưng khi nhìn thấy giá tiền – 8 triệu, Hoàng Anh có vẻ xót lắm nên thưa với bố: "Thôi bố ạ, đắt lắm, đừng mua!", bác sĩ Nghị nhớ lại.
Những ngày sau, trên nóc khu tập thể cũ kỹ, bác sĩ Nghị hướng lên bầu trời đêm quang đãng thấy nhưng vì sao tỏa sáng và bỗng nhớ tới sở thích thiên văn của con. Ngay sau đó, bác sĩ đã mấy lần "gạ" Hoàng Anh nhưng cậu bé rất "tỉnh", kiên quyết giữ vững lập trường "không mua".
Qua câu chuyện này, hai vợ chồng bác sĩ cũng chia sẻ rằng, từ bé đến lớn Hoàng Anh sống rất tiết kiệm. Cậu chỉ mua những gì thực sự cần thiết và có ích, còn đối với những thứ đắt tiền – Hoàng Anh đều lắc đầu, từ chối.
Ngay cả khi mới đầu sang Anh du học, Hoàng Anh chỉ mặc trên mình chiếc áo rét cũ kỹ được mẹ mua cho từ nhiều năm trước. Đôi giày Thượng Đình mòn đế sắp rách, Hoàng Anh cũng còn gói cẩn thận mang sang London để tiếp tục sử dụng.
Để có thể trang trải cho việc học tập, nghiên cứu tại Anh, ngoài số tiền học bổng ít ỏi, Hoàng Anh thường viết bài cho các tạp chí nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, anh cũng thường làm các clip về ý tưởng gửi cho các hội khoa học ở Anh.
Có một lần, Hoàng Anh được trao giải Nhất cho 1 clip về ý tưởng chọn nghề với giá trị 5.000 bảng Anh. Không nghĩ ngợi nhiều, anh đã dành ngay 2.000 bảng để ủng hộ cho một quỹ bệnh nhân ung thư nghèo tại Anh, số tiền còn lại anh dùng toàn bộ để mua các sách về khoa học (sách ở châu Âu rất đắt), phục vụ cho con đường nghiên cứu của mình.
Trong số học trò các khóa do mình chủ nhiệm, cô Nguyễn Phan Thảo, giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) vẫn nhớ mãi hình ảnh về một cậu học trò luôn chỉn chu trong học tập cũng như trong mọi sinh hoạt của lớp, của trường.
Khi ấy lớp cô Thảo phụ trách là một trong những lớp điểm của TP Hà Nội, tập trung rất nhiều bạn có học lực xuất sắc. Thành tích hai năm đầu của Hoàng Anh so với các bạn trong lớp chưa có gì nổi trội.
Nhưng kể từ năm 8, Hoàng Anh đã có sự phấn đấu rõ rệt trong học tập, khi được thi học sinh giỏi môn Hóa cấp thành phố. Tuy nhiên, trong cuộc thi này, Hoàng Anh "trượt".
"Khi đó cũng để lại một sự đáng tiếc cho các thầy cô dạy Hoàng Anh. Nhưng sau một sự không thành công nho nhỏ ấy, bạn đã có bước bứt phá ngoạn mục để rồi đỗ hai môn chuyên (Hóa, Sinh) với số điểm rất cao của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên", cô Thảo chia sẻ.
Với kết quả không ngờ ấy, Hoàng Anh là một trong số ít những học sinh đỗ 2 môn chuyên của lớp. Cùng với đó, Hoàng Anh còn đỗ vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Những tấm gương học tập như Hoàng Anh cùng với nhiều bạn học sinh khóa trước thường đi vào câu chuyện của gia đình cô Thảo. Từ đó, giúp các con của cô hiểu được quá trình đi đến thành công của các anh chị đã phải trải qua những thuận lợi và khó khăn như thế nào.
Không chỉ vậy đây còn là những dẫn chứng sinh động để cô Thảo đưa vào trong những tiết giảng, khơi gợi niềm đam mê và hứng thú học tập cho các em học sinh khóa sau.
"Những thành công như thế sẽ giúp cho các bạn nhỏ có một hứng thú trong học tập, cũng như có một mơ ước để phấn đấu không ngừng trên hành trình chinh phục tri thức", cô Thảo cho hay.
Trong hai lớp chuyên, dù cũng rất yêu thích môn Sinh nhưng Hoàng Anh đã quyết định lựa chọn lớp chuyên Hóa. Hóa - Sinh đều thuộc khối các môn khoa học tự nhiên, cũng là nền tảng của khoa học vũ trụ, khoa học nghiên cứu về sự sống. Việc lựa chọn Hóa học làm con đường dấn thân của Hoàng Anh cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ cuộc đời và sự nghiệp của GS Võ Quý, nhà khoa học Stephen Hawking.
Vì lẽ đó, ngoài thời gian học tập tại trường, Hoàng Anh còn tạo một group trên facebook "1001 câu hỏi vận dụng Sinh học", thu hút hơn 10.000 người theo dõi. Vào những giờ nhất định trong ngày, Hoàng Anh sẽ giải đáp những câu hỏi, hiện tượng về sinh học không chỉ cho các bạn học sinh cấp ba còn cho cả các anh chị đang ôn thi vào đại học.
Trong suốt những năm cấp 3, Hoàng Anh đều phấn đấu trong học tập và luôn nằm trong top những học sinh giỏi của lớp. Có những học kỳ điểm thi chưa đạt như mong muốn, Hoàng Anh đều tự xem xét lại. Vợ chồng bác sĩ Nghị chỉ đồng hành động viên, không gò ép hoặc bệnh thành tích gâp áp lực cho Hoàng Anh trong học tập.
Với vai trò định hướng, thỉnh thoảng kiểm tra bài vở và đối với những vấn đề khác – hai cha con đều tranh luận dựa trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt. Tuy vậy cũng có một lần Hoàng Anh gặp vướng mắc trong học tập và có những suy nghĩ tiêu cực.
Theo đó, trong một lần Hoàng Anh đoạt giải có học bổng, nhưng không hiểu sao cô chủ nhiệm chỉ trao 1/2 giải. Một nửa còn lại cô dành cho một bạn khác mà không một lời giải thích, trong khi bạn kia học rất bình thường. Bác sĩ Nghị trông thấy con trở về với vẻ mặt buồn rầu, khi được hỏi "Có vấn đề gì à con?", Hoàng Anh không nói gì và có vẻ rất ức chế.
Sau khi tìm hiểu sự việc, bác sĩ Nghị giải thích cho con và đồng thời gọi điện trao đổi với cô chủ nhiệm. Cô mời Hoàng Anh lên gặp riêng để giải thích (chuyện tế nhị của cô), trở về Hoàng Anh mới vui vẻ và quay trở lại học tập bình thường.
Từ câu chuyện này, bác sĩ Nghị nhận thấy khi con có vướng mắc đến tâm lí học đường, "Sự quan tâm của bố mẹ và sự phối hợp với nhà trường kịp thời, đặc biệt là cô chủ nhiệm đóng vai trò rất quan trọng".
Bên cạnh việc học, trong những ngày nghỉ, bác sĩ Nghị thường chở con bằng xe máy về làng quê ngoại thành Hà Nội, "chợ lao động" Giảng Võ. Hai bố con vừa đi vừa nói chuyện về những thân phận con người, động viên con cần cố gắng học tập tốt, có kiến thức phục vụ cho công việc của mình, gia đình và xã hội.
Sau những lần tan ca trở về nhà, bác sĩ Nghị cũng thỉnh thoảng kể cho gia đình nghe về những ca bệnh phức tạp. Trong đó, có những người mắc bệnh HIV/AIDS (cách nay 10 năm), những người mắc bệnh này chưa có thuốc điều trị, giống như ung thư cũng không có thuốc đặc trị.
Lặng nghe những trăn trở của cha, vốn là một người am thích môn Sinh học, Hoàng Anh tự tìm hiểu thêm. Trong một lần trả lời phỏng vấn giáo sư Đại học Queen’s Belfast (Thành phố Belfast, Bắc Ireland, Anh) để nhận học bổng du học, Hoàng Anh đã trả lời rằng, "Ước mơ của em là sang Anh học tập, nghiên cứu để tìm ra loại thuốc chữa bệnh HIV cho loài người".
Vị giáo sư khả kính khi đó đã ngỡ ngàng trước câu nói của một cậu học trò 17 tuổi có dáng người mảnh khảnh. Bởi ông đã phỏng vấn hàng nghìn du học sinh trên khắp thế giới nhưng chưa gặp một ai trả lời như vậy.
Trong suốt buổi phỏng vấn khi nghe Hoàng Anh chia sẻ, giáo sư nhiều lần giơ ngón tay cái lên và hào hứng nói "very good" (rất tốt). Ông đồng ý cấp 70% học bổng cho Hoàng Anh học dự bị đại học, nếu trong vòng một năm đạt kết quả tốt thì nhà trường sẽ cấp 100% học bổng đại học. Và điều tuyệt vời hơn, khi tốt nghiệp, Hoàng Anh sẽ có cơ hội được giữ lại làm giảng viên của trường.
Nhớ lại người con trai của mình trước ngày lên đường du học, bác sĩ Nghị cho biết, trong mọi cấp học Hoàng Anh lúc nào cũng là người bé loắt choắt nhất lớp. Cho đến ngày lên đường bay sang Anh nhập học cũng vậy, Hoàng Anh lọt thỏm giữa hai chiếc vali to tướng – một chiếc đựng quần áo - sách vở, chiếc còn lại đựng dụng cụ nấu nướng - bát đĩa - xoong nồi.
Cả hai vợ chồng bác sĩ đều chung tâm trạng lo lắng, vì đây là lần đầu tiên xa nhà của con, đến một nơi cũng rất xa lạ, cách Hà Nội hơn 9.000 cây số. Khi ở nhà, đến việc cắt tóc Hoàng Anh cũng phải nhờ mẹ chở đi, mẹ lo cho từ A đến Z.
"Vậy liệu rằng tới đây, trong những tháng ngày giá lạnh nơi xứ người, Hoàng Anh có thể tự lo cho bản thân mình được không?", bà Vân nhủ thầm.
Trả lời cho câu hỏi đó, tiến sĩ Lê Thị Hương, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khi đó vừa học xong thạc sĩ tại London (Anh) cho biết, cho đến giờ chị vẫn không thể nào quên hình ảnh lần đầu gặp Hoàng Anh, vào khoảng tháng 11/2012.
"Thời tiết London khi đó đang buổi giao mùa – Thu chuyển sang Đông. Bình thường vào thời điểm này trời rất âm u nhưng hôm Hoàng Anh đến nhập học trời hửng nắng và rất trong xanh. Một cậu bé 17 tuổi, lần đầu tiên ra nước ngoài, lại đi vào một thành phố lớn, trên vai đeo đeo chiếc ba lô, tay đẩy hai chiếc vali nặng trịch, chân chầm chậm bước đi trên lớp tuyết mỏng chưa kịp tan. Em có đôi mắt rất sáng, hiền lành, thấy tôi nói gì cũng chỉ biết mỉm cười", tiến sĩ Hương kể.
Thay vì học dự bị đại học tại Đại học Queen’s Belfast như đã kể trên, để thuận cho việc học, Hoàng Anh và gia đình đã quyết định lựa chọn học dự bị tại Trường Trung học Bellerbys College (London), một trong những trường quốc tế hàng đầu tại Anh và cũng là nơi dừng chân của sinh viên đến từ hơn 120 quốc gia khác nhau trước khi vào đại học. Điểm ưu việt của ngôi trường này so với các ngôi trường khác là có ký túc xá ngay trong khuôn viên trường.
Khác với những du học sinh Việt Nam tại Anh mà tiến sĩ Hương đã từng hướng dẫn, trước khi hỏi về một vấn đề nào đó, Hoàng Anh luôn tìm hiểu kỹ từ trước. Như việc đi thăm quan một di tích lịch sử tại London với lộ trình như thế này thì nên chọn phương tiện xe bus hay tàu điện ngầm, ưu điểm và nhược điểm của từng phương tiện ra sao (quãng đường ngắn, chi phí rẻ...).
Việc tìm kiếm học bổng đại học cũng vậy, ngay từ trước khi sang Anh du học, Hoàng Anh đã bắt đầu tìm kiếm và khi sang đến đây lại nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn, với mục đích sau cùng là giảm gánh nặng học phí cho gia đình. Khi biết việc này, lo rằng việc học của Hoàng Anh sẽ bị ảnh hưởng, tiến sĩ Hương đã chia sẻ rằng nên tập trung vào việc học tiếng cho tốt, sau đó mới bắt đầu tìm kiếm học bổng.
Tuy nhiên trái với những lo lắng trên, Hoàng Anh đã có tiến bộ vượt bậc về ngôn ngữ. Trong khi các bạn khác phải mất từ 1 - 2 năm để trau dồi ngôn ngữ tiếng Anh chuẩn bị cho bậc đại học thì Hoàng Anh chỉ cần tới nửa năm. Với những nỗ lực đó, Hoàng Anh liên tiếp nhận được sự khen ngợi, đánh giá cao của các giáo viên.
"Hoàng Anh là một trong số rất ít học sinh đạt điểm tuyệt đối, chắc chắn em sẽ đạt điểm xuất sắc trong bài kiểm tra cuối kỳ", CC, giáo viên môn Toán.
"Hoàng Anh là một học sinh xuất sắc, luôn chú ý lắng nghe, đáp ứng tốt các bài tập được giao và hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình", AP, giáo viên môn Sinh học tế bào.
"Hoàng Anh là một trong những học sinh chăm chỉ nhất ở Bellerbys, em luôn nỗ lực để cải thiện điểm số của mình. Tôi đặc biệt nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt trong các bài viết học thuật của Hoàng Anh. Em đã cho tôi một niềm vui khi giảng dạy", BL, giáo viên môn tiếng Anh.
"Hoàng Anh là một học sinh rất sáng sủa và có năng lực, quyết tâm học tập tốt. Điểm số cao tiêu biểu cho sự nhiệt tình, nỗ lực trong học tập của em", cô Mrs A. O'Callaghan, giáo viên chủ nhiệm.
Kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ, kết thúc một năm dự bị đại học, Hoàng Anh đã xuất sắc nhận được học bổng ngành Hóa sinh của Đại học Bristol (Anh). Từ nơi phương xa khi biết tin này, vợ chồng bác sĩ Nghị cảm thấy vui mừng, phấn khởi trước sự trưởng thành, chín chắn của con.
Đối với tiến sĩ Hương còn là sự cảm phục, "Tôi không nghĩ rằng, một cậu bé như thế lại có một nghị lực phi thường đến vậy. Trong khoảng thời gian đồng hành với em ấy, tôi chưa bao giờ thấy Hoàng Anh có cảm giác mệt mỏi, hay bị stress trong học tập. Ở em có một sức hút lạ kỳ, mà chỉ cần nói chuyện từ 5 - 10 phút thôi mình cũng thấy phấn khởi, sôi nổi, đam mê với công việc hiện tại nhiều hơn".
Trong suốt hơn 10 năm học tập - làm việc tại nước ngoài, Hoàng Anh chỉ có 2 lần về nước nghỉ phép. Một lần vào năm 2013 khi học xong dự bị đại học, lần còn lại vào năm 2016 khi tốt nghiệp đại học.
Trong lần về phép thứ hai, Hoàng Anh nhận được lời mời thử việc của một trung tâm nghiên cứu/phòng Lab tại Singapore. Nếu làm tốt, ngay sau khi bảo vệ xong luận án TSKH tại Anh, Hoàng Anh sẽ được mời về đây làm việc chính thức.
Vì trước đây đã từng có thời gian học tập tại "đảo quốc sư tử", bác sĩ Nghị nhận thấy đây là một cơ hội quý báu, làm việc tại một đất nước tiên tiến, hiện đại. Hơn nữa, nếu Hoàng Anh làm việc tại đây thì rất gần Việt Nam, chỉ mất khoảng 3 tiếng đường bay là có thể về thăm nhà, hoặc hai vợ chồng bác sĩ cũng thuận tiện khi sang thăm Hoàng Anh.
Hai tháng thử việc của Hoàng Anh tại Singapore không được như ý muốn. Trong phòng Lab đa số là người Trung Quốc, khi họ trao đổi với nhau thường dùng ngôn ngữ bản địa, điều này không đúng với quy định tại các phòng Lab đẳng cấp quốc tế.
Một vấn đề nữa, khi trao đổi với giáo sư, nhân viên phòng Lab có ít cơ hội tranh luận để tìm đến tiếng nói chung, sự chính xác trong nghiên cứu khoa học.
Những điều này trái ngược hoàn toàn so với những gì Hoàng Anh được học tập tại Anh. Giáo sư và sinh viên đều trao đổi, tranh luận dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng để cuối cùng tìm đến sự đúng đắn, hợp lý của khoa học.
Vì lẽ đó, trong quá trình học đại học khi thấy giáo sư giảng sai một bài Toán, Hoàng Anh đã lên chữa lại bài cho giáo sư. Thay vì cảm thấy tự ái, vị giáo sư này lại rất cảm phục và quý mến cậu học trò đến từ Việt Nam.
Cố gắng được khoảng hơn 2 tháng, Hoàng Anh nhắn tin với bố: "Con không chấp nhận điều này, bởi vì có những điều giáo sư nói chưa chắc đã đúng. Nhưng tranh luận thì giáo sư lại không thích".
Không muốn con chịu nhiều căng thẳng trước khi học lên tiến sĩ, bác sĩ Nghị đã động viên Hoàng Anh trở về nước dành thời gian tham quan, du lịch, ở nhà cùng cha mẹ và gặp gỡ bạn bè.
Cũng vào dịp này, bác sĩ Nghị có đưa Hoàng Anh tham quan phòng Lab của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec (Tập đoàn Vingroup), một những phòng nghiên cứu hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Trong khi bác sĩ Nghị thì trầm trồ, ngạc nhiên khi thấy những trang thiết bị mày móc hiện đại thì Hoàng Anh lại chỉ lắc đầu, "Nếu so với phòng Lab ở ngay trường đại học của con thôi thì cũng chưa đáp ứng được".
Chính vì lẽ đó, khi bước chân sang Anh làm nghiên cứu sinh, Hoàng Anh đã xác định rằng sẽ lập nghiệp tại đất nước này. Bởi nếu như Paris (Pháp) được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" của nghệ thuật và văn chương thì Hoàng Anh nghĩ rằng Lodon (Anh) sẽ được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng" của nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực Sinh học tế bào.
Và cũng từ những trải nghiệm trên đã giúp vợ chồng bác sĩ Nghị hiểu thấu hơn về con đường nghiên cứu khoa học của Hoàng Anh, từ đó ủng hộ với quyết định ở lại Anh làm việc của con.
Kết thúc 3 năm học đại học với tấm bằng xuất sắc, Hoàng Anh đã vượt gần 2.000 ứng cử viên để giành một trong 4 suất học bổng Tiến sĩ về Sinh học tế bào tại Viện Nghiên cứu Ung thư Beatson (Cancer Research UK - Beatson Institute, Anh) của Hoàng gia Anh. Học bổng cấp liên tục trong 4 năm, mỗi năm là 40.000 bảng Anh.
Hoàng Anh tiến hành nghiên cứu trong phòng Lab của giáo sư Laura M.Machesky. Thời điểm này phòng Lab vừa phát hiện ra một protein hoàn toàn mới, chưa được nghiên cứu bao giờ có tên là Fam49, được Lab đặt tên là CYRI. Protein này tham gia vào quá trình điều hòa hoạt động của protein RAC1, cho phép tế bào di chuyển theo những quá trình khác nhau.
Trong rất nhiều hướng nghiên cứu lúc đó, Hoàng Anh tập trung nghiên cứu đột biến RAC1 P29S (phổ biến nhất trong khối u ác tính trên da ở người). Tuy nhiên trong suốt hai năm đầu, hôm nào cũng làm việc ở phòng Lab đến tận 1 - 2 giờ sáng, Hoàng Anh không gặt hái được kết quả gì.
Cùng khoảng thời gian này, Hoàng Anh được biết tại một phòng Lab khác ở London (Anh) đã có một nhóm nghiên cứu về vấn đề này, họ đã đi trước 3 năm và đã có mô hình chuột thí nghiệm, mọi thứ đã sẵn sàng. Vì lẽ đó nếu tiếp tục nghiên cứu, Hoàng Anh sẽ không có khả năng cạnh tranh và phải đi đến quyết định "bỏ rơi".
Con đường nghiên cứu của Hoàng Anh rơi vào bế tắc, khủng khoảng, bị stress nặng vì chỉ còn 2 năm nữa thôi là đến kỳ hạn bảo vệ luận án tiến sĩ. Đây cũng là thất bại đáng kể nhất của Hoàng Anh kể từ hồi còn là học sinh cấp 3 cho đến bây giờ.
Tuy nhiên trong cái rủi cũng có cái may, cũng từ đây Hoàng Anh đã ngộ ra rằng, "Việc thất bại trong khoa học là một điều rất bình thường, chúng ta không có gì phải xấu hổ để mà không dám chia sẻ với mọi người".
Mỗi người trong phòng Lab đều có một hướng nghiên cứu khác nhau, chúng ta cũng không nên so sánh hướng nghiên cứu của mình với hướng nghiên cứu của người khác. Vì tất cả những ai đặt chân đến đây, trên con đường nghiên cứu sinh thì đều giỏi giang và tài năng cả.
Với ý chí không lùi bước, Hoàng Anh tiếp tục thực hiện hàng ngàn thí nghiệm, quan sát, ghi chép, sao chụp cẩn thận và cuối cùng đã phát riện ra một loại protein mới và chức năng của nó có tên là CYRI-A (Fam49A) trong hiện tượng "uống tế bào" (nuốt tế bào của tế bào ung thư) khi "di chuyển" hay còn gọi là hiện tượng di căn của tế bào ung thư.
Cùng với đó, Hoàng Anh còn phát hiện ra một loại protein mới gọi là CYRI-B (Fam49), cùng họ với CYRI-A. Nó đảm nhiệm vai trò chỉ huy việc "nuốt tế bào" – tế bào ung thư ăn tế bào bình thường của con người để tạo khối u ung thư mới.
Với đặc điểm "thoắt ẩn thoắt hiện", protein này còn được gọi là hiện tượng "ẩm bào". Cũng vì vậy, trước đây chưa có nhà khoa học nào chú ý đến nó, thậm chí nhiều người còn không nghĩ rằng nó tồn tại.
"Những khám phá quan trọng này có tính bước ngoặt, sẽ giúp giới khoa học tìm cách tiêu diệt loại protein "ẩm bào" và sẽ tiêu diệt tận gốc sự hình thành khối u ung thư cũng như sự di căn của tế bào ung thư", bác sĩ Lê Hữu Nghị, Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng chia sẻ.
Minh họa cho hướng nghiên cứu của Hoàng Anh.
Kết quả nghiên cứu trên sau đó đã được đăng tải, công bố rộng rãi trên các tạp chí khoa học uy tín của Vương quốc Anh như: Tạp chí Sinh học tế bào (JCB), Tạp chí Y học Thực nghiệm (JEM)… đã giúp Hoàng Anh bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Khoa học (TSKH) tại Viện Nghiên cứu Ung thư Beatson (Anh) ở tuổi 25, năm 2020.
Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ đó, Quỹ Wellcome Trust đã quyết định trao tặng tiếp 300.000 bảng Anh cho phần nghiên cứu tiếp theo của TSKH Lê Hoàng Anh, cùng với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Đại học College London (UCL, Anh) và Đại học Bristol trong 4 năm tới. Cùng với đó, Hoàng gia Anh đã nhanh chóng đưa TSKH Lê Hoàng Anh vào diện "tài năng trẻ đặc biệt".
Mới đây, vào đúng ngày mùng một Tết cổ truyền của Việt Nam, TSKH Lê Hoàng Anh đã nhận công tác mới tại Đại học UCL, đánh dấu một bước khởi đầu mới và những thách thức mới của chàng tiến sĩ trẻ người Việt.
Những ngày này, tiến sĩ Hoàng Anh đang nước rút công việc trong phòng Lab, để tới đây anh và các cộng sự của mình sẽ công bố những nghiên cứu, khám phá mới trên các tạp chí khoa học uy tín.