Ở Sơn Đông, Trung Quốc, có một câu chuyện "dở khóc dở cười" đã xảy ra. Đây không phải trường hợp duy nhất mà là tình cảnh chung của nhiều người trẻ.
Cụ thể, chàng trai sinh năm 1995, trở về thăm nhà sau một thời gian làm việc ở thành phố lớn. Trước đó, anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo. Cha mẹ phải làm lụng vất vả, thậm chí là vay mượn nhiều nơi để anh có thể ra ngoài học tập.
Ở thời điểm đó, gia đình anh thường bị mọi người cười nhạo và xa lánh. Do đó, khi lớn lên, chàng trai quyết tâm sẽ “đổi đời". Sau nhiều năm làm việc không ngừng nghỉ, cuối cùng anh cũng gặt hái được những thành quả đầu tiên. Một trong số đó là chiếc xe Audi.
Tranh thủ thời gian nghỉ Tết, anh lái xe về nhà. Nhưng chẳng ngờ, sự phô trương của chàng trai 29 tuổi dường như không có tác dụng. Tất cả mọi người không đến chúc mừng, ngược lại họ còn nghi ngờ. Có người cho rằng chắc chắn anh ta đã làm gì bất chính thì mới có nhiều tiền như vậy. Một số khác thì nói đã 29 tuổi, có xe nhưng chưa lấy vợ thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cùng độ tuổi với anh, nhiều chàng trai khác trong làng đã lấy vợ có con.
Đối diện với điều này, chàng trai sinh năm 1995 hoàn toàn bất lực. Anh không nghĩ mình đã cố gắng nhiều năm như vậy, cuối cùng vẫn không được công nhận, thậm chí còn bị trách ngược là không lấy vợ.
Ở Trung Quốc những năm gần đây, lượng người chọn sống độc thân tăng mạnh. Tình trạng này đến từ nhiều nguyên do: chi phí kết hôn và nuôi dạy con cái ngày càng tăng, xã hội cạnh tranh khốc liệt và thay đổi mới trong luật khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn.
Stuart Gietel-Basten – Giáo sư đang giảng dạy tại Khoa khoa học xã hội và chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (Trung Quốc), cho biết, tỷ lệ người không kết hôn cao không hẳn là yếu tố đáng báo động nhưng lại là một trong những vấn đề lớn.
Giáo sư nhận định, về cơ bản, vấn đề hôn nhân ở Trung Quốc không khác nhiều so với nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải đối mặt, đặc biệt là ở những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ông cho hay: "Độ tuổi kết hôn đang tăng lên. Tình trạng này xảy ra ở khắp thế giới. Độ tuổi mà cha mẹ bạn kết hôn, khi cha mẹ bạn nên kết hôn, có lẽ sớm hơn nhiều so với thế hệ hiện tại."
“Cưới vì yêu thôi, đừng vì bố mẹ hay áp lực xã hội”
Giáo sư Lương Vĩnh An, là học giả văn chương thuộc Đại học Phúc Đán. Ông là một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội với rất nhiều video về lời khuyên trong các mối quan hệ dành cho giới trẻ. Nhờ sự thẳng thắn và thực tế của mình, giáo sư Lương thu hút được gần nửa triệu người theo dõi trên Bilibili, trang mạng chia sẻ video trực tuyến của Trung Quốc.
Giáo sư Lương đã gây chú ý không nhỏ khi chia sẻ quan điểm của mình về áp lực giục cưới đối với người độc thân. Trong video của mình, ông cũng đề cập đến nỗi lo lắng và bất an khi bị gia đình, dòng họ hối thúc hẹn hò hoặc lập gia thất.
Vị học giả nhấn mạnh rằng, thay vì cưới một ai đó để làm vừa lòng người khác, việc đi tìm tình yêu chân thật quan trọng hơn rất nhiều.
"Tình yêu là thứ duy nhất trong lịch sử không thể xảy ra dưới áp lực. Chúng ta phải biết ơn các bậc sinh thành vì công lao nuôi dưỡng. Chúng ta cũng cần hiểu nỗi lo của họ, nhưng vẫn nên bảo vệ tầm quan trọng của tình yêu trong hôn nhân", ông khuyên nhủ. “Hãy cưới vì yêu thôi, đừng vì bố mẹ hay áp lực xã hội.”
Tổng hợp