Ở tuổi 27, Tiểu Phi (Hồ Nam, Trung Quốc) luôn nghĩ rằng mình còn rất trẻ và vô cùng khỏe mạnh. Thậm chí, anh cũng không tham gia khám sức khỏe định kỳ, khi ốm vặt cũng chờ bệnh tự khỏi chứ không thích uống thuốc hay tới bệnh viện. Tiểu Phi cũng luôn cho rằng mình là người tiêu hóa tốt vì đi tiêu đều đặn mỗi ngày, thậm chí nhiều lần một ngày. Cũng chính vì những lý do này mà anh đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện căn bệnh ung thư ruột của mình.
Tiểu Phi kể lại, vốn có tiêu hóa tốt nên anh cũng ăn uống thoải mái theo ý thích và vẫn giữ được thân hình thon gọn, vẻ bề ngoài thư sinh. Trước đây anh cũng rất dễ đại tiện, ngày đại tiện 1 lần cố định vào buổi sáng, thỉnh thoảng sẽ có thêm buổi tối muộn nếu ăn khuya.
Đại tiện 3 lần mỗi ngày, Tiểu Phi luôn cho rằng đó là do mình tiêu hóa tốt hơn người khác mà không ngờ là ung thư (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, khoảng nửa năm trở lại đây, tần suất đại tiện của anh bắt đầu tăng lên. 3 tháng gần nhất trung bình là 3 lần mỗi ngày và không hề theo giờ giấc như trước, cơn buồn vệ sinh đến rất bất ngờ, khó kìm hãm và xảy ra tình trạng buồn đi tiêu ngay sau khi ăn xong.
Lúc này, Tiểu Phi vẫn rất chủ quan và cho rằng do mình tiêu hóa nhanh hơn người khác. Chưa kể, như vậy cũng giúp anh giữ cân nặng ổn định tốt hơn, dù có bệnh cũng chỉ là rối loạn tiêu hóa vì anh còn rất trẻ, lại khỏe mạnh.
Nhưng có một vấn đề khiến Tiểu Phi nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, đó là khi cân nặng của anh “xuống dốc không phanh”. Nhiều người xung quanh phàn nàn rằng Tiểu Phi ngày càng gầy, còn hỏi anh có ăn uống đầy đủ không. Quá bận rộn nên anh cũng không để tâm lắm, đến khi đứng lên cân thì bàng hoàng phát hiện mình sụt tới 10kg chỉ sau hơn 1 tháng dù vẫn ăn uống như bình thường thì liền lập tức tới bệnh viện thăm khám. Kết quả, anh bàng hoàng phát hiện mình bị ung thư ruột - cụ thể hơn là ung thư đại trực tràng.
Bác sĩ nhắc nhở 3 dấu hiệu trong phân cảnh báo ung thư dễ bị bỏ qua
Người khám và điều trị cho Tiểu Phi là Phó Trưởng khoa Tiêu hóa thuộc Bệnh viện Trung ương Chu Châu (thành phố Chu Châu, Hồ Nam, Trung Quốc). Ông cho biết, khi phát hiện, bệnh ung thư đại trực tràng của Tiểu Phi đã ở cuối giai đoạn 3. Một khối u ác tính như súp lơ đã phát triển trong đại tràng sigma và có dấu hiệu di căn sang các hạch bạch huyết xung quanh.Tiên lượng khả năng sống sót ở giai đoạn này nếu điều trị hiệu quả là 53%.
Ông cũng nhấn mạnh, Tiểu Phi là bệnh nhân ung thư đại trực tràng trẻ nhất mà ông từng gặp kể từ khi trở thành bác sĩ. Đồng thời, điều tra bệnh sử chỉ ra rằng vốn có rất nhiều triệu chứng bệnh biểu hiện ra bên ngoài nhưng đều bị Tiểu Phi xem nhẹ mà bỏ qua. Nhân trường hợp của Tiểu Phi, ông cũng muốn nhắc nhở 3 bất thường trong phân đang cố cảnh báo bệnh ung thư đại trực tràng bao gồm:
Có máu trong phân
Máu trong phân hoặc chảy máu ở hậu môn là triệu chứng phổ biến của ung thư đại trực tràng. Nó có thể xuất hiện dưới dạng máu đỏ tươi hoặc phân sẫm màu hơn, giống như hắc ín.
Điều lưu ý là máu trong phân cũng có thể do các tình trạng y tế khác ít nghiêm trọng hơn và phổ biến hơn gây ra, chẳng hạn như vết nứt ở niêm mạc hậu môn hoặc bệnh trĩ. Nên nói với bác sĩ nếu bạn nhận thấy triệu chứng này sớm và đừng đánh đồng nó với bệnh trĩ, rối loạn tiêu hóa thông thường.
Hình dáng phân bất thường
Phân của người bình thường có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, rất mềm và có màu vàng vàng. Nếu phân có hình dạng bất thường, bạn nên hết sức cảnh giác xem đó có phải là ung thư đường ruột hay không. Bởi vì ung thư đường ruột, nhất là ung thư đại trực tràng thường phát triển thành hình tròn trong khoang ruột, gây hẹp lòng ruột. Khi phân đi qua, nó giống như đi qua mặt của một cái máy và bị ép thành dạng dẹt, nhỏ hơn bình thường.
Bên cạnh đó, phân của người bị ung thư đại trực tràng có thể đột nhiên loãng hơn, dính nhớt, máu hoặc dễ bám lại thành bồn cầu và khó xả sạch.
Thay đổi thói quen đại tiện
Thói quen đại tiện của người bình thường rất đều đặn, mỗi ngày thường chỉ một lần và thường vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn. Việc đi tiêu đều đặn không chỉ có lợi cho sức khỏe đường ruột mà còn phản ánh xem ruột có khỏe mạnh hay không.
Ngoài bất thường trong phân, đau bụng và thay đổi nhu động ruột cũng có thể là dấu hiệu ung thư đại trực tràng (Ảnh minh họa)
Nếu bạn nhận thấy có sự thay đổi không giải thích được về tần suất đi vệ sinh, mức độ khẩn cấp, giờ giấc thì nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế và thăm khám thêm. Trong đó, đột nhiên tăng số lần đi tiêu, buồn vệ sinh (có thể kèm đau bụng) ngay sau bữa ăn rất có thể là do ung thư đại trực tràng. Hay tiêu chảy kéo dài trên 5 ngày liên tục hay thường xuyên bị tái đi tái lại trong thời gian ngắn thì nên tầm soát trực tràng và toàn bộ hệ tiêu hóa sớm để điều trị ung thư kịp thời.
Ngoài 3 bất thường ở phân vừa kể trên, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa thuộc Bệnh viện Trung ương Chu Châu còn nhắc nhở rằng ung thư đại trực tràng có thể được phát hiện sớm nhờ nhiều dấu hiệu khác như đau bụng, đầy hơi, mệt mỏi. Khi đau bụng dữ dội, rối loạn tiêu hóa nặng và dai dẳng, chán cân, thiếu máu, suy nhược, sụt cân nhanh… thì bệnh thường đã ở giai đoạn giữa và cuối như trường hợp của Tiểu Phi.