Chàng trai 11 năm 'cõng sách', 'xây' 600 thư viện cho trẻ vùng cao: “Là một phần của cuộc sống, chỉ cần còn sức vẫn sẽ tiếp tục làm!”

Minh Nguyệt |

Vào ngày cuối tuần, anh Tú Anh và những người bạn của mình trong nhóm "Chủ nhật yêu thương" lại tập trung ở căn nhà trọ rộng khoảng 90m2 ở Thủ Đức để phân loại, đóng gói sách rồi gửi đi khắp nơi. Anh và những người bạn của mình vẫn đang tiếp tục cố gắng thực hiện mục tiêu lập 1001 thư viện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.

Quyết định "cõng sách" lên với trẻ em vùng cao

Tính đến nay đã là 11 năm hành trình bền bỉ mang sách đến với trẻ em ở vùng sâu vùng xa của anh Nguyễn Tú Anh (SN 1985, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cùng nhóm "Chủ Nhật Yêu Thương". Tú Anh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Yên Bái. Khi anh còn nhỏ, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Thu nhập của gia đình bấp bênh, có khi cơm ăn không đủ bữa, nhưng bố mẹ anh luôn dành dụm từng đồng, cố gắng nuôi ba người con ăn học.

Ngày đêm miệt mài với đèn sách, năm 2007, anh đỗ vào Đại học Kinh tế TP HCM. Mang theo bao ước mơ, hoài bão, anh xách chiếc ba lô với ít quần áo vào Nam nhập học. Khoảng thời gian học Đại học, anh vừa đi học, vừa đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống.

Năm 2011, tốt nghiệp Đại học, Tú Anh có dịp lên thăm các bạn nhỏ ở vùng cao. Chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn của những em nhỏ vùng cao, nhìn lại nỗi "đói cơm", thiếu sách ngày còn bé của mình, Tú Anh quyết định phải làm điều gì đó.

Chàng trai 11 năm cõng sách, xây 600 thư viện cho trẻ vùng cao: “Là một phần của cuộc sống, chỉ cần còn sức vẫn sẽ tiếp tục làm!”  - Ảnh 1.

Anh Tú Anh (áo xanh) cùng các thành viên trong "Chủ nhật yêu thương" đang phân loại sách.

Anh chia sẻ: "Khi lên chơi với các bạn nhỏ trên vùng cao, mình thấy cuộc sống của các bạn nhỏ ở đây còn rất nhiều khó khăn. Mình mong muốn các bạn nhỏ có tương lai tươi sáng và thật giàu tri thức. Với mong muốn này, mình nghĩ đến những quyển sách. Những quyển sách mang nguồn tri thức rất lớn, làm giàu cho tâm hồn nên mình quyết định sẽ mang những quyển sách lên vùng cao. Như vậy, các bé sẽ được đọc sách nhiều hơn, yêu hơn cái chữ, yêu hơn việc học."

Hành trình đưa sách lên vùng cao của Tú Anh bắt đầu từ đây. Lúc đầu, một mình anh đi kêu gọi bạn bè quyên góp sách, thiếu loại sách nào, anh bỏ tiền túi ra mua thêm. Sau khi thu gom, phân loại, anh chở sách vùng sâu, vùng xa để tặng các bạn nhỏ.

"Khi có một mình, mình đi xe máy, chở theo sách lên vùng cao tặng các bạn. Mình tặng sách cho các bạn nhỏ mình gặp ở dọc đường. Sau đó, mình thấy làm như vậy chưa đủ, chưa đến nơi tới chốn, mình cần đưa ra những mục tiêu cụ thể, cách làm hiệu quả hơn. Và lập được 1001 thư viện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa chính là mục tiêu mà mình đặt ra", anh Tú Anh nói.

11 năm, hơn 1 triệu quyển sách, 600 thư viện cho trẻ em vùng cao

Sau một khoảng thời gian hoạt động, việc làm này của anh được nhiều người biết đến. Từ đây, anh có thêm nhiều người bạn đồng hành trên hành trình tạo nên 1001 thư viện sách trên khắp các bản xa. Anh và những người bạn đặt tên cho nhóm của mình là "Chủ nhật yêu thương".

Mỗi sáng ngày cuối tuần, Chủ Nhật yêu thương lại tập hợp tại căn nhà trò của Tú Anh, rộng khoảng 90m2 ở TP.Thủ Đức để tiếp nhận sách, phân loại, đóng gói, gửi sách đi nhiều nơi. Đều đặn cứ như vậy trong suốt 11 năm nay. Tính đến nay, "Chủ nhật yêu thương" đã có hàng nghìn thành viên trên khắp cả nước.

Anh chia sẻ: "Mình cứ làm rồi mọi người thấy vậy, cũng góp công, góp sức, góp thời gian đồng hành với mình. Mọi người ở "Chủ nhật yêu thương" sống với nhau như những người trong gia đình. Việc làm của chúng mình có ý nghĩa nên ngày càng có nhiều người tham gia hơn".

Chàng trai 11 năm cõng sách, xây 600 thư viện cho trẻ vùng cao: “Là một phần của cuộc sống, chỉ cần còn sức vẫn sẽ tiếp tục làm!”  - Ảnh 2.

"Chúng sẽ tập trung vào ngày thứ bảy, chủ nhật, tập trung đóng sách và soạn sách. Ai có thời gian thì tới phụ giúp, soạn sách, đóng sách, chọn lựa sách, đóng thành từng cấp học tiểu học, cấp 2 hay thư viện gia đình. Tiếp theo sẽ chuyển sách theo đường bưu điện hoặc theo xe tới nhiều nơi ở vùng cao. Những nơi chúng mình đi tới được tận nơi được thì ngoài mang, nhóm mình mang thiết bị giáo dục như máy chiếu, máy in, đàn organ để tặng các trường học", anh Tú Anh nói thêm.

Trên hành trình đưa sách lên vùng cao của Tú Anh và những người bạn gặp phải không ít những khó khăn. Khó khăn lớn nhất là về nguồn sách. "Chúng mình cần rất nhiều sách. Từ đầu năm đến giờ chúng mình mới chuyển đi được khoảng 100 nghìn quyển sách. Mục tiêu năm nay là 1 triệu quyển, mới đạt 10% so với mục tiêu đề ra. Số lượng sách bị thiếu nhiều nên chúng mình đều phải nỗ lực. Chúng mình kêu gọi mọi người quyên góp sách, rồi chúng mình mua thêm cả sách mới, sách cũ. Cố gắng làm sao để có nhiều sách nhất có thể", anh Tú Anh nói.

Chàng trai 11 năm cõng sách, xây 600 thư viện cho trẻ vùng cao: “Là một phần của cuộc sống, chỉ cần còn sức vẫn sẽ tiếp tục làm!”  - Ảnh 3.

Mới đầu, sách được anh Tú Anh và nhóm chuyển lên vùng cao không nhận được nhiều sự đón nhận. "Những cuốn sách chúng mình mang lên, bà con không hào hứng đón nhận lắm. Nhưng chúng mình cũng chuẩn bị trước tinh thần rồi", anh kể.

Trước những khó khăn như vậy, chưa bao giờ anh Tú Anh và những người bạn của mình nản chí. Nhìn các bạn nhỏ cầm những cuốn sách trên tay, đọc rất say mê, cẩn thận lật từng trang giấy, anh như được tiếp thêm động lực để làm nhiều điều hơn nữa.

"Những quyển sách thật sự hấp dẫn tụi nhỏ. Tụi nhỏ cầm quyển sách đọc hăng say lắm. Chúng mình mang theo cả sữa, một ít đồ ăn để mời các bé, nhưng vì mải đọc, nhiều bé còn quên cả sữa", anh Tú Anh chia sẻ.

Chàng trai 11 năm cõng sách, xây 600 thư viện cho trẻ vùng cao: “Là một phần của cuộc sống, chỉ cần còn sức vẫn sẽ tiếp tục làm!”  - Ảnh 4.

Anh Tú Anh cho biết, chi phí cho việc mua sách, vận chuyển sách sẽ do nhóm tự chi trả. "Chủ nhật yêu thương" có riêng một khoản tiền quỹ để mua sách do mọi người trong nhóm tự đóng góp. "Chúng mình có quỹ sách của nhóm, ai muốn góp như thế nào thì sẽ góp vào đó. Số tiền đó chúng mình đi mua sách cũ, sách mới và trả phí vận chuyển. Tất cả các chi phí chúng mình trả hết toàn bộ. Còn các thầy cô giáo, thư viện cộng đồng, thư viện gia đình chỉ có nhận sách, không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào cả", anh nói thêm.

Trong 11 năm qua, "Chủ nhật yêu thương" đã đưa khoảng hơn 1 triệu quyển sách đến với các trẻ em ở vùng cao, góp phần tạo nên 600 thư viện. Ngoài ra, nhóm còn có nhiều hoạt động để thúc đẩy văn hóa đọc của các bạn nhỏ vùng cao.

"Cõng sách" lên vùng cao như một phần của cuộc sống

Anh Tú Anh mong muốn một điều rằng, nơi nào ở vùng sâu, vùng xa đều sẽ có thư viện, có đủ sách cho các bạn nhỏ đọc. "1001 thư viện lần thứ nhất, rồi sẽ đến 1001 thư viện lần thứ 2... Mỗi năm chúng mình cố gắng đi kêu gọi quyên góp sách, tự mua thêm để đem được 1 triệu cuốn sách đến với khắp các bản làng ở vùng cao", anh nói.

Chia sẻ về lý do đặt ra con số 1001 thư viện làm mục tiêu, anh Tú Anh cho biết, với anh, 1001 là con số cổ tích, sẽ giúp anh và những người bạn ở "Chủ nhật yêu thương" hiện thực hóa giấc mơ bất cứ bản làng nào ở vùng sâu, vùng xa cũng sẽ có thư viện.

Việc mỗi ngày chủ nhật, cùng mọi người thu gom, đóng gói sách rồi chuyển đi khắp nơi như là một phần cuộc sống của anh Tú Anh. "1 tuần có 7 ngày, mình dành ra 1 ngày chủ nhật cho cộng đồng và 6 ngày còn lại mình lo cho cuộc sống cá nhân, cuộc sống gia đình. 11 năm nay đã như vậy rồi. Đó là một phần cuộc sống của mình, như một niềm đam mê, một niềm vui. Chủ nhật người ta thích đi cafe, đi gặp bạn bè, nghĩ dưỡng còn với mình thì vào ngày chủ nhật, mình muốn làm điều gì đó cho các bạn nhỏ vùng cao. Đưa tới các em những quyển sách, đơn giản như vậy thôi, không có gì to tác cả", anh nói thêm.

Anh Tú Anh chưa từng tính đến việc khi nào mình sẽ dừng lại, chỉ cần còn sức, anh vẫn tiếp tục làm, tiếp tục "cõng" sách lên vùng cao. Anh tâm sự: "Nếu tới một thời điểm nào đó thấy các bé đủ đầy rồi, không còn khó khăn nữa, các bạn vùng cao có đủ sách để đọc, không còn bị thiếu thốn về sách nữa thì mình sẽ dừng lại. Lúc đấy điều mình mong muốn nhất là chỉ đi rong chơi với tụi nhỏ, không phải mang theo bất cứ cái gì cả, nếu còn phải mang theo cái gì thì chứng tỏ các em vẫn còn thiếu thốn, vẫn còn khó khăn".

Ảnh: NVCC & Chủ nhật yêu thương

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại