(Ảnh minh họa: Sohu)
Anh chăn cừu suýt bị "vợ bỏ"
Trong một tập phát sóng của chương trình "Kiểm định bảo vật" do đài CCTV sản xuất, một chàng trai đến từ khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc đã mang chiếc tách pha lê nhỏ đến nhờ các chuyên gia thẩm định giúp.
Theo như thông lệ, người dẫn chương trình sẽ yêu cầu chủ nhân món bảo vật giới thiệu sơ lược về nguồn gốc bảo vật. Không ngờ, chàng trai nghe xong yêu cầu này lại tỏ ra vô cùng xúc động, anh thật thà chia sẻ rằng vợ anh đã ép tới tham dự chương trình.
Chàng trai đã đổi 200 con cừu của gia đình lấy một chiếc tách pha lê. Ảnh: Sohu
Ở Nội Mông, chàng trai vốn làm nghề chăn thả gia súc, chiếc tách pha lê này là do một người bạn từ Tây Tạng bán lại cho anh. Anh chàng cũng không hiểu biết nhiều về đồ tạo tác pha lê nhưng cảm thấy chiếc tách có vẻ là đồ cổ nên đã "dốc túi" mua.
Do bản thân cũng không có đủ tiền mặt chi trả, chàng trai đã thương lượng với người bạn để đổi 200 con cừu trong trang trại gia đình lấy chiếc tách.
Khi cô vợ phát hiện ra sự việc này, vợ chồng anh đã cãi nhau to. Vợ anh cảm thấy việc đổi 200 con cừu lấy một chiếc cốc nứt là điều quá dại dột, nếu anh không đem trả lại món đồ thì cô sẽ ly hôn anh. Trong cơn tuyệt vọng, anh cũng biết bản thân không dủ khả năng để phân biệt cổ vật thật giả nên tìm đến chương trình, mong được các chuyên gia định giá giúp.
Chuyên gia nhanh chóng định giá để "bảo vệ" hạnh phúc gia đình anh. Ảnh: Sohu
Nghe tới đây, cả trường quay vừa buồn cười, vừa lo lắng cho anh chàng chăn cừu. Một vị chuyên gia nói đùa: "Vậy thì chúng tôi phải kiểm định ngay thôi, đây không đơn thuần là xác thực một di tích văn hóa mà là chuyện hạnh phúc gia đình rồi!"
Chiếc tách pha lê anh mang tới có kích thước nằm vừa trong lòng bàn tay, hai bên tai khắc hình đôi hổ oai dũng.
Các chuyên gia phân tích kỹ món cổ vật rồi khẳng định, chiếc tách này là một món đồ pha lê chính hiệu từ thời Chiến Quốc (476 TCN - 221 TCN). Thoạt nhìn người ta có thể nghĩ nó giống chiếc cốc thủy tinh hiện đại nhưng đây lại là món đồ tạo tác hàng đầu thời cổ đại, những chiếc cốc như thế này có giá trị sưu tầm cao, thị trường cổ vật rất săn đón.
Cổ vật "xuyên không"
Đầu những năm 1990, một người công nhân nhà máy gạch tại tỉnh Hàng Châu cũng tình cờ phát hiện được một chiếc cốc pha lê có hình dáng như cốc uống nước của người hiện đại bên trong ngôi mộ gạch từ thời Chiến Quốc.
Các chuyên gia cho rằng đồ pha lê từng là biểu tượng của địa vị trong thời kỳ Chiến Quốc nên được các quý tộc ưu ái đưa vào tùy táng trong lăng mộ. Chiếc cốc tinh xảo này đã trở thành lời khẳng định cho trình độ tạo tác của những người thợ thủ công cổ đại, cho thấy con người đã biết chế tác pha lê từ rất lâu.
Chiếc cốc pha lê tương tự đang được trưng bày tại Bảo tàng thành phố Hàng Châu. Ảnh: Sohu
Chiếc cốc pha lê năm ấy hiện đang là một trong những báu vật quan trọng nhất trong Bảo tàng thành phố Hàng Châu. So với ly pha lê trong bảo tàng, chiếc tách pha lê của chàng trai trong chương trình "Kiểm định bảo vật" có kích thước nhỏ hơn, độ trong suốt cũng không cao mà hơi ngả vàng.
Thấy gương mặt chàng trai có vẻ lo lắng, chuyên gia lên tiếng trấn án: "Tuy chiếc tách của anh không thể giá trị bằng bảo vật quốc gia tại Bảo tàng thành phố Hàng Châu nhưng cũng là món cổ vật giá trị nhờ hai tai hình hổ độc đáo. Nếu so với 200 con cừu thì anh đã lãi to rồi, lần này chắc chắn sẽ phát tài!"
Tách pha lê của chàng trai có kích thước nhỏ gọn trong lòng bàn tay, màu sắc hơi ngả vàng. Ảnh: Sohu
Nhóm chuyên gia cùng kết luận cổ vật này có mức giá khoảng 350.000 NDT (tương đương 1,3 tỷ đồng).
Nghe tới đây, anh chàng chăn cừu chất phác cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm và nở một nụ cười trên môi. Chắc hẳn kết luận vừa rồi của vị chuyên gia cũng giúp anh cho vợ một lời giải thích hợp lý khi trở về nhà.
Tuy nhiên, dù chàng trai may mắn này đã nhận được một "món hời" khi giấu vợ bán cừu nhưng đối với bất kỳ ai thì việc bàn bạc với gia đình khi đưa ra những quyết định quan trọng vẫn là điều nên làm để tránh những rạn nứt về sau.
Bài viết tham khảo từ Sohu