Có lẽ, nhiều người trong chúng ta từng nghe đến "tin đồn" được lan truyền trong giới ca sĩ opera. Đó là giọng hát cao vút cực khỏe của ca sĩ có khả năng nghiền nát ly champagne thành từng mảnh - cảnh tượng được trình chiếu rất nhiều trong bộ phim ca nhạc.
Tuy nhiên, trên thực tế, chưa từng có tài liệu nào ghi nhận hiện tượng này thực sự xảy ra. Thứ duy nhất tồn tại là một tin đồn về danh ca opera Enrico Caruso - người được cho là đủ khả năng làm vỡ nát một ly rượu chỉ nhờ giọng hát của mình.
Vậy rốt cục, đây chỉ là tin đồn hay có cơ sở khoa học?
Sự thực là ai cũng có thể... hét vỡ thuỷ tinh, chẳng cần đến ca sĩ
Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn có thể xảy ra, dựa trên hiện tượng cộng hưởng. Khi âm thanh va chạm đến vật thể, nó sẽ tác động đến các phân tử bên trong, khiến chúng rung lên.
Có điều, các dạng vật liệu sẽ có kết cấu khác nhau, vì thế mà chúng có một tần số cộng hưởng riêng. Và nếu như bạn chọn được một sóng âm có tần số trùng với tần số cộng hưởng của vật thể, nó sẽ rung mạnh và nhanh hơn rất nhiều.
Nói như vậy có nghĩa rằng bạn chỉ cần chọn âm thanh trùng tần số của thuỷ tinh, bạn hoàn toàn có thể làm vỡ ly nước mà chẳng cần phải là một ca sĩ opera chuyên nghiệp.
Theo như Dara O Briain, chuyên gia thuộc chương trình khoa học Science Club của Mỹ, đầu tiên bạn cần xác định tần số cộng hưởng của cái ly dựa trên âm thanh phát ra khi bạn gõ vào nó. T
iếp theo, bạn chỉ cần mô phỏng lại âm thanh đó - hát hay hét gì cũng được, với âm lượng khoảng 100db - tương đương với âm thanh của một chiếc máy hút bụi.
Để giúp bạn tưởng tượng rõ hơn, hãy xem ngay video dưới đây.
Không cần phải là ca sĩ vẫn làm bể ly bằng giọng được!
Bạn thấy đó, âm thanh tạo ra không cần khủng khiếp như những ca sĩ opera hàng đầu, bạn vẫn có thể... hét vỡ một ly nước. Tuy nhiên, nếu đó là một chiếc cốc không chân, bạn sẽ không làm được như vậy đâu.
Nguyên do là vì các loại ly uống rượu có hình dạng khá đặc biệt: hẹp ở trên, phình to ra ở giữa. Do đó, bạn có thể cầm ly mà không ảnh hưởng đến rung động cộng hưởng của ly.
Ngoài ra, ly càng đắt tiền càng dễ vỡ, vì chúng thường được làm từ pha lê - thứ nguyên liệu cực dễ vỡ, cùng thiết kế mỏng hơn ly bình thường. Những ly rượu cổ cũng dễ vỡ hơn, vì chúng thường có vết nứt vỡ siêu nhỏ trong phân tử do tác động của thời gian.
Nguồn: BBC