Có một giấc mơ được nuôi dưỡng trong tất cả chúng ta, ở độ tuổi nào, trong hoàn cảnh sống nào. Giấc mơ ấy có thể gọi tên bằng một từ duy nhất: Thay đổi. Thay đổi bối cảnh quen thuộc. Thay đổi công việc lâu ngày đã trở nên buồn tẻ. Và thay đổi chính mình.
Nhưng, luôn tồn tại khoảng cách giữa giấc mơ và hiện thực của mỗi cá nhân. Nỗ lực mà chúng ta thực hiện để thu hẹp khoảng cách ấy có thể là các chuyến du lịch, tìm kiếm kết nối bên ngoài phạm vi thân quen, thực hiện vài thử nghiệm nho nhỏ trong giới hạn nhất định. Rất hiếm ai trong chúng ta có đủ can đảm chọn lựa, đủ kiên gan để đi đến tận cùng, biến ước mơ kia trở thành hiện thực, dù chúng ta đều biết, chắc chắn có một món quà chờ mình cuối cuộc hành trình. Một trong những món quà tuyệt nhất, là tìm thấy lại chính mình, đánh thức đam mê ngỡ đã lãng quên.
Năm 2008, danh hài Jim Carrey có một phim hài lãng mạn khá hay: Yes Man. Jim vào vai anh chàng Carl luôn nói “không” với mọi sự: Không chấp nhận bất kì hồ sơ nào tại nơi làm việc, từ chối tất cả lời mời của bạn bè, chẳng thèm giao thiệp với người mới đến… Cuộc sống anh ta được an toàn, nhưng tẻ nhạt, vì chẳng có gì mới mẻ.
Bao nhiêu người trong chúng ta giống Carl, một “No man”, sử dụng 365 ngày sống mỗi năm theo cách của một ngày duy nhất?
Dĩ nhiên, nửa sau của Yes Man là thế giới thuộc về điện ảnh. Một ngày nọ, Carl vướng phải một giao kèo buộc anh phải nói “Có” với tất cả mọi việc. Nhờ đó, anh ta có thêm nhiều trải nghiệm khác lạ, học hỏi ngôn ngữ mới, học chơi cả đàn ghita, cứu mạng một gã chán đời, thậm chí gặp gỡ tình yêu đích thực… Bạn hẳn sẽ thở dài bởi “Đời thật nào suôn sẻ thế!” Bạn có lí. Nhưng ý tưởng Yes Man đề xuất thì không hề hư cấu xa vời. Nó nói về một chân lí giản đơn nhưng mạnh mẽ, về cách mỗi người chúng ta sử dụng và điều khiển cuộc đời mình, thông qua những khoảnh khắc của lựa chọn.
Cuộc đời mỗi cá nhân vốn dĩ là một chuỗi nguyên nhân và hệ quả, nơi ta thực hiện hàng ngàn lựa chọn mỗi ngày và chấp nhận mọi điều xảy đến. Mỗi lựa chọn đều dẫn đến một hoặc nhiều lựa chọn khác nhau, rồi chúng lại dẫn đến nhiều hơn nữa. Sáng nay ta sẽ thức dậy tập thể dục hay ngủ nướng thêm chút nữa? Ta chọn chiếc áo nào, cặp kính nào, đôi giày nào cho hình ảnh của ta hôm nay? Ta sẽ gặp gỡ ai, nói chuyện gì, sẽ về nhà ngay khi tan trường tan sở, hay ghé đến khu giải trí mới khai trương? Hãy tưởng tượng ta luôn đứng trên mạng nhện chằng chịt của những kết quả vô hình cho mỗi điều ta chọn, để một lần nữa xác tín: Cuộc đời ta được dệt nên từ từng quyết định của bản thân. “Bàn tay số phận” chỉ là cách gọi khác, khi ta đã lãng quên hoặc cố ý bỏ qua những quyết định từ chính mình, ở một thời khắc nào đó giữa dòng chảy bộn bề.
Chúng ta thường chỉ ý thức về sự lựa chọn thực sự khi phải đưa ra quyết định. Đơn giản vì những lựa chọn này mang đến các tác động cụ thể, có thể đo đếm, và thường gắn liền với trách nhiệm. Quyết định quan trọng đầu tiên của ta là gì? Có phải là chọn trường đại học? Hoặc giống như Bill Gates và Mark Zuckerberg, là bỏ trường đại học. Còn sau đó, giữa công việc kiếm sống và theo đuổi niềm đam mê, ta lựa chọn ra sao? Ta chấp nhận làm công việc nhàm chán nhưng mang đến thu nhập ổn định, hay theo đuổi thứ ta yêu thích trong nỗi túng thiếu? Rồi những lựa chọn cho phép cảm tính vượt lên lý tính, chẳng hạn việc chọn người yêu và sau đó là bạn đời, ta sẽ lấy người bảo đảm cho ta con đường bình yên hay đi theo tiếng gọi của xúc cảm mạo hiểm “thà một một phút huy hoàng...”?
Các hình thái lựa chọn là vô vàn, mức độ quan trọng có thể hơn kém trong từng loại quyết định, nhưng bản chất thì chỉ có một, như bộ phim của Jim Carrey đã chỉ ra: Ta chỉ được phép nói Có, hoặc Không.
Thế kỉ 21, thế kỉ của Internet và smartphone, của giao tiếp không giới hạn. Ta có thể mua vé bay đến bất kỳ nơi đâu. Lướt tay trên bàn phím ta có thể kết nối, trò chuyện, lôi kéo sự chú ý của bất kỳ ai, từ ngôi sao giải trí hàng đầu đến đứa bạn thân lạc nhau từ hồi tiểu học. Thế nhưng đây cũng là thời đại của một khái niệm chưa từng có trong lịch sử: Hikikomori. Xuất phát từ Nhật Bản, vương quốc của công nghệ, thuật ngữ này chỉ những người trẻ tự nhốt mình trong nhà, không giao tiếp xã hội, không dám bước ra ngoài thế giới. Thế kỉ 21 cũng là thế kỉ mà thuật ngữ “Comfort zone” hay “Vùng an toàn” trở nên phổ biến. Nó gắn liền với những người chỉ dám di chuyển và hoạt động trong không gian quen thuộc. Sự dễ chịu được đề cao hơn hết thảy. Sự dễ chịu ở đây được hiểu là cuộc sống mà các thử thách đã được loại trừ, mối hiểm nguy đã được giảm thiểu, sự cạnh tranh đã được giữ bên ngoài tường rào. Một cách cụ thể, với từng cá nhân, “vùng an toàn” chính là công việc nhàm tẻ nhưng ổn định, các mối quan hệ ít ỏi nhưng yên lành, những ngày lặp đi lặp lại giống hệt nhau, và cách ta tránh né những lựa chọn có thể làm tổn thương không gian đó.
Nhưng, phần đông chúng ta không nhận thức được mình đang đứng ở “vùng an toàn”. Và trong phần đông ấy, một con số không nhỏ đạt đến “cảnh giới” chỉ hạnh phúc khi ở trong bầu khí quyển càng ít đổi thay càng tốt. Nhìn từ góc rộng, đất nước chúng ta đã gánh chịu những cuộc chiến triền miên, đi qua nhiều thời kì đói khát và biến động. Thực tế này hình thành nên quan niệm xuyên suốt mang tính thế hệ: Để sống, trước hết phải đạt mức no đủ, an tâm. Những “định mức đời người” được quy thành mẫu số, để các bậc phụ huynh áp chung cho mọi con em: Công việc ổn định là tiêu chí đầu tiên. Kế tiếp sẽ là thăng quan tiến chức. Rồi thì an cư để lạc nghiệp. Vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng hay công thành danh toại là viễn ảnh tất cả đều hướng đến. Những tiêu chí ấy hình thành “vùng an toàn” chung cho cả xã hội. Những điều vốn dĩ phổ biến trong giới trẻ toàn cầu như tự lập, gap year, khởi nghiệp, theo đuổi đam mê... với người trẻ Việt ít nhiều vẫn là các ý niệm xa lạ, thách thức, không dành cho tất cả. Đơn giản, bởi, nếu thực hiện một trong những điều đó, ta phải lựa chọn, phải chấp nhận bóc đi sự bằng phẳng trên đường.
Sự phát triển của công nghệ và các phương tiện truyền thông cũng tác động không nhỏ. Mở báo chí, truyền hình, vào mạng xã hội, mỗi ngày ta lại đối diện một thế giới tối tăm. Dường như hiểm nguy rình rập khắp nơi: Giao thông hỗn loạn, tai nạn thảm khốc liên miên. Thực phẩm mất vệ sinh, độc hại. Môi trường ô nhiễm, từ nước đến không khí. Kinh tế bấp bênh, chỉ có đi xuống không lên. Con người lừa lọc, tàn nhẫn, hãm hại lẫn nhau… Ta tự động cài đặt cơ chế phòng vệ: Hãy ở trong nhà, hãy chọn thực phẩm sạch, hãy giữ chặt công việc đang có, đừng tin tưởng bất kì ai. Đây cũng là điều ta tự lan truyền trên mạng để “giúp đỡ” nhau, bất kể các thống kê cho thấy tiêu chuẩn sống ngày càng cải thiện và tuổi thọ con người ngày càng cao. Ta đã bỏ qua sự thật rằng, các phương tiện truyền thông chỉ phán ánh điều người ta muốn đọc, muốn nghe, thỏa mãn thói hiếu kì, ưa thích giật gân, hơn là cung cấp cho ta toàn bộ bức tranh hiện thực.
Những nỗi sợ vô hình trên cung cấp đủ lý lẽ để ta biện minh trước các câu hỏi: Vì sao tôi phải lựa chọn mạo hiểm? Có gì xấu nếu tôi mong cầu sự an toàn, thoải mái, dễ chịu? Tại sao tôi phải rời bỏ ngôi nhà yên ấm của mình để chịu khó, chịu khổ? Có gì chắc chắn khi mạo hiểm, tôi sẽ được nhiều hơn mất? Nếu tương lai là bất định, vì sao tôi không thể hài lòng với hiện tại ổn định đang có? Bạn đúng. Không ai sống thay bạn để lãnh nhận hậu quả. Không ai đủ tư cách bảo bạn phải làm gì với cuộc đời mình. Không ai có quyền phán xét lựa chọn của bạn là đúng hay sai.
Nhưng, nếu cần lý do để cổ vũ ta và những người quanh ta dám bước ra khỏi vùng an toàn, thì luôn có nhiều hơn một lý do.
Chẳng ai trên đời trẻ mãi, nên đừng phí hoài giấc mơ. Những người trẻ của xã hội hôm nay, lứa 8x và 9x khác biệt với các thế hệ đi trước chính bởi họ nhìn ra sự bất ổn và vô lý trong các “mẫu số” phổ thông, những giá trị tưởng chừng như bất biến.
Để chống cự bầu không khí cũ kỹ tù đọng của những thập niên đóng cửa, ta cựa quậy tìm đường bước ra thế giới, ta nỗ lực học hỏi và hành động khác đi, ta gia nhập vào những cộng đồng nghề nghiệp trước kia chưa từng được biết đến, ta đặt ra các tiêu chuẩn và phong cách sống mới mẻ, thậm chí đi ngược lại nếp nghĩ truyền thống. Nhưng, phải chăng, khi trạng thái hứng khởi của tuổi trẻ dịu xuống, khi các mục tiêu ban đầu đã đạt được, vô hình trung ta lại bước vào “vùng an toàn”, tất nhiên trong hình thức mới, hợp thời và lôi cuốn: Những cộng đồng chia sẻ sở thích chung cả ngoài đời thực lẫn mạng xã hội. Những công việc thời thượng mang lại tiền bạc giúp ta có được “finest things in life” – các vật dụng tiện nghi thỏa mãn sở thích cá nhân, các trải nghiệm dịch vụ sang trọng xa xỉ. Bởi tốn nhiều công khó để chạm đến, nên “vùng an toàn” thời hiện đại thật êm ả, quyến rũ, thực sự khó nhận diện cũng như quá khó để rời bỏ. Nhưng vì thế, sự thất vọng và buồn chán trong ta càng bắt rễ sâu, âm ỉ, khó chỉ ra đích xác nguyên nhân bởi có quá nhiều nguyên nhân. Và cũng chính vì thế, khát vọng thay đổi càng trở nên hối thúc. Vấn đề đặt ra ở đây: Tìm động lực từ đâu để thay đổi?
Hăm hở bước đi trong hành trình trưởng thành, phần lớn chúng ta chấp nhận thỏa hiệp, gửi lại giấc mơ tuổi trẻ nhiệt thành ở một khúc quanh nào đó. Đam mê từng có và sự nghiệp đang có hiếm khi trùng khít với nhau. Lâu ngày, chúng ta dần lãng quên kế hoạch thời đôi mươi. Giấc mơ sống động giờ đã trở nên xa vời, vùi chôn dưới vô số trách nhiệm, thói quen của nhịp sống thường nhật. Một ngày như mọi ngày, ta vẫn giành được những gì ta muốn, nhưng niềm vui sống trong ta đã nhạt đi. Các trục trặc hiện hình, vụn vặt nhưng ghì níu: Ta không thể chịu đựng nổi đám đông kẹt xe trên đường mỗi sáng. Cớ gì lại có một ông sếp hắc ám đến thế ở văn phòng. Vì sao series truyền hình quen thuộc mùa này bỗng dưng dở tệ. Tại sao phòng gym chiều nay quá sức ồn ào. Vì lẽ gì một kẻ lạ xông vào Facebook của ta, để lại bình luận sặc mùi khiêu khích... Thật dễ dàng đổ lỗi cho chung quanh những vấn đề ta gặp phải. Cũng dễ thôi nếu giải quyết vấn đề một cách nửa vời, chọn sự thỏa hiệp với các phiền toái, hay tìm cách “xa rời đám đông điên loạn”. Nhưng, để thực sự vượt thoát, bước ra khỏi trạng thái nguội lạnh, trơ lì và trì trệ, ta chỉ có thể dựa vào chính mình, bằng cách buộc mình hành động.
Ở Việt Nam, số lượng Hikikomori có lẽ còn khiêm tốn, nhưng những người trẻ thu mình trong “comfort zone” thì chắc chắn đang ngày một nhiều lên. Hãy thử nhớ xem lần cuối cùng ta làm một điều mạo hiểm là khi nào? Lần cuối cùng ta làm điều gì đó mà không chắc chắn về kết quả, hay mặc kệ kết quả? Đã bao lâu rồi ta không ném mình vào chuyến du lịch bụi? Trong hai năm trở lại đây, trong đầu ta có nảy ra ý định học một môn thể thao hay nhạc cụ mới? Và hiện tại, ta có yêu ai đó hết mình, đắm say? Nếu trong 10 giây, ta chỉ lắc đầu, ta có thể đang ở trong chiếc kén ngọt ngào vô hình.
Thời gian không chờ ai cả. Ta không trẻ mãi để mong cầu một cơ may biến chuyển rơi xuống từ trời. Tự ta phải thay đổi. Để can đảm thay đổi, ta cần đến sự trợ lực của giấc mơ được thức tỉnh, sức mạnh quay về từ niềm đam mê.
Hãy tìm chiếc bật lửa. Bằng động tác nhẹ nhàng, ta thắp lên trong lòng tay mình một ngọn lửa, ấm áp, sống động. Ta bỗng nhận ra rằng, điều ta cần cũng giống như thứ vật chất đang tỏa nhiệt lượng kia. Một đốm sáng, một niềm hy vọng dẫn lối. Như những homo sapiens nhiều triệu năm trước, ta bước ra khỏi bóng đêm, bắt đầu bước đi mới, tập lại cách nhìn thế giới với nguồn sáng bé nhỏ.
Và cũng như tổ tiên của chúng ta, ta phải bước qua nỗi hãi sợ. Nỗi hãi sợ khi rời khỏi vùng dễ chịu an toàn. Nỗi hãi sợ khi không biết được điều gì chờ ta phía trước.
Trái tim ta run rẩy vì sợ hãi và lo âu, nhưng ta vẫn bước tiếp. Ta đang hành động đúng. Theo hành trình đổi thay, nỗi sợ sẽ được thay thế bằng nguồn cảm hứng. Sách vở từng trao cho ta những mơ mộng về thế giới bên ngoài. Thế nhưng chỉ khi bước ra ngoài kia, ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, tìm lại ý nghĩa trong những hoạt động của con người, ta mới thực sự sống.
Trong hành trình tìm lại đam mê và chính mình, ta phải chấp nhận mạo hiểm và không có gì đảm bảo, thậm chí đối diện mất mát. Tuy nhiên, ngay cả khi chung quanh đánh giá ta là kẻ nổi loạn, điên rồ, hay cả thua cuộc, thì thứ ta nhận được luôn giá trị, lớn hơn cả những gì trước đó ta hình dung.
Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong giới trẻ hiện nay (xin không nêu tên) từng mất vài năm vật lộn với cuộc sống buồn tẻ của bản thân. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đi làm cho công ty, thu nhập ổn định, có người yêu cạnh bên, sống trong căn hộ ngay trung tâm Sài Gòn. Mọi thứ thực sự dễ chịu, nhìn từ bên ngoài. Tuy nhiên, bất ổn bắt đầu xuất hiện. Trong thời gian dưỡng bệnh sau một trận ốm, chia tay người yêu, chịu đựng chứng trầm cảm, anh nhìn lại cuộc sống mình đang có và sẽ có. Anh nhận ra, thứ lớn nhất đã mất đi không phải tình yêu hay sức khỏe, mà là niềm ham sống. Thêm gần một năm nữa để suy nghĩ, tìm kiếm xem bản thân thực muốn gì và có thể làm gì. Giữa những ngày vật vờ bức bối, anh có một lựa chọn ngỡ như tình cờ: Lên đường.
Sau những chuyến phượt khắp các tỉnh thành trong nước, bản đồ hành trình của anh bắt đầu mở rộng. Từ những nước Đông Nam Á lân cận, anh đi xa hơn, đến Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal... Ngay cả ở các nước này, anh cũng chọn đi tới những vùng đất hiếm người đặt chân đến. Không kể siết trắc trở, gian khó và cả nguy hiểm anh đã trải qua. Nhưng, hơn tất cả, từ ý định ngẫu nhiên “đi chỉ để mà đi” ban đầu, anh đã nhận ra những gì thực tâm khao khát: Khám phá con người trong không gian văn hóa mà họ hiện diện. Từ những bức ảnh dọc đường như bao khách du lịch, anh quyết định ghi lại hành trình bằng những bộ ảnh. Từ niềm kinh ngạc, hứng thú và ước muốn chia sẻ những điều thu hái trong các chuyến đi, anh trở thành người chụp ảnh chuyên nghiệp. Những bộ ảnh của anh lan truyền. Ảnh của anh in thành sách. Những nhà tài trợ tìm đến, mời anh tham gia các chuyến hành trình. Giờ đây, khó định danh anh bằng một từ duy nhất. Bởi anh là nhiếp ảnh gia. Anh là người viết. Và anh là một traveller, người du hành chuyên nghiệp. Công việc anh làm là đam mê của anh. Mối bận tâm kiếm sống lùi sau cảm hứng sáng tạo của anh. Anh không tuyên ngôn. Nhưng những gì anh làm truyền cảm hứng rất mạnh cho người trẻ. Bởi, anh đã phiêu lưu đúng nghĩa, trên những nẻo đường, và trong cách sử dụng tuổi trẻ. Bằng một khoảnh khắc dấn thân, anh đã nhấc lên một chữ cái bé nhỏ, biến change thành chance. Lúc này đây, anh vẫn trên đường, sống hết mình, bởi anh mới 32.
Vì không thể biết điều gì đang chờ mình phía trước, để thay đổi, ta cần lòng can đảm. Đặt chân lên mặt trăng, Neil Armstrong chấp nhận nguy cơ cực cao sự cố phi thuyền. Đến mức bài diễn văn Tổng thống Mỹ Richard Nixon chuẩn bị khi ấy có tựa Thảm họa Mặt Trăng, chứ không phải những lời chúc tụng… Người mang đến sự thay đổi không hẳn là người giỏi nhất, nhưng luôn là người dũng cảm nhất.
Trong mọi lĩnh vực, từ giải trí, kinh doanh đến khoa học, công nghệ, những câu chuyện thành công lớn đều có bước ngoặt là những quyết định liều lĩnh. Điều ta học hỏi được, nếu không phải là sự liều lĩnh, thì phải là tinh thần mạnh mẽ dám đi theo tiếng gọi trái tim, từ bỏ an toàn, chấp nhận thử thách.
Trong hành trình theo đuổi đam mê và kiếm tìm bản ngã, ta nhận ra đừng kỳ vọng tìm kiếm “ổn định” trên hành tinh này. Bản thân trái đất cũng chỉ là chuyến tàu cô độc trôi qua đại dương vũ trụ. Sinh ra trên đời, mỗi chúng ta đã là một hành khách, một nhà thám hiểm. Ta có thể lựa chọn yên ổn tạm thời trong khoang tàu riêng. Nhưng vấn đề chỉ là bao lâu, cho đến khi các sự cố trong đời xảy đến. Không phải mỗi lựa chọn “Có” đều dẫn đến hạnh phúc. Ta cần biết từ chối đúng lúc, và bắt lấy cơ hội khi nó hiện ra. Điều này phụ thuộc kinh nghiệm và trải nghiệm. Nhưng kinh nghiệm và trải nghiệm cũng chỉ đến từ việc dám thử và dám sai. Ta có thể lựa chọn hành động hoặc đứng im, được rèn giũa hay bị rỉ sét, đó là điều phải nghĩ đến khi thức dậy ban mai.
Một trong những điều hoặc đáng sợ mà lại khiến cuộc sống thú vị, là ta không thể biết trước tương lai. Nhưng, ta biết rõ khát vọng của chính mình. “Buzzer beat” là một thuật ngữ trong bóng rổ, chỉ cú ném ghi điểm khi thời gian trận đấu đã hết. Ta luôn có cơ hội thay đổi cục diện trận đấu, chuyển bại thành thắng bằng một buzzer beat. Chỉ cần ta không từ bỏ con đường đã chọn, đến giây cuối cùng.