Lời kêu gọi của cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2020
Chanathip Songkrasin, cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2014, 2016 và 2020, bày tỏ quan điểm nền bóng đá khu vực cần cải thiện so với mặt bằng chung thế giới. Anh kêu gọi các cầu thủ Đông Nam Á mở rộng tầm nhìn của bản thân.
"Tại giải đấu này (AFF Cup 2020), bạn thấy nhiều cá nhân tốt. Rõ ràng là họ có thể tạo ra một bước tiến mới nhưng họ cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn là giải quốc nội", Chanathip chia sẻ.
Chanathip Songkrasin đã chơi bóng 5 năm tại Nhật Bản, không cầu thủ Đông Nam Á nào trụ vững tại đây lâu đến thế
Anh bình luận: "Tôi biết rằng một số cầu thủ có mức lương tốt nên họ có thể từ chối học một ngôn ngữ hay văn hoá mới ở một quốc gia khác. Nhưng, tôi cảm thấy rằng nếu có thêm nhiều cầu thủ có thể đến các giải đấu hàng đầu châu Á như Nhật Bản thì điều đó sẽ rất tốt cho khu vực của chúng ta. Nó sẽ giúp chúng tôi cạnh tranh được với những người giỏi nhất châu Á.
Thái Lan là đội thuộc top đầu ở khu vực nhưng ở cấp độ châu Á, chúng tôi vẫn đang gặp khó khăn. Nếu chúng ta muốn phát triển bóng đá khu vực thì cần nhiều cầu thủ ra nước ngoài hơn. Điều ấy là rõ ràng.
Nếu bạn muốn trở thành một cầu thủ giỏi hơn, bạn cần phải đối đầu với những cầu thủ giỏi hơn mình".
HLV Mano Polking, người vừa giúp tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2020, có chung nhận định như Chanathip: "Tôi luôn ủng hộ quyết định thi đấu ở giải nước ngoài tốt hơn giải quốc nội. Tôi muốn xem liệu họ có thể chịu đựng được cường độ và chất lượng của các cầu thủ khác ở đó hay không. Chanathip đã làm được điều đó".
Động lực, đam mê, kiên nhẫn
Chanathip Songkrasin rời Thái Lan đến Nhật Bản khoác áo Consadole Sapporo năm 2017 khi 24 tuổi. Đến nay, anh vẫn trụ vững ở đội hình 1 của CLB thuộc J.League 1. Anh trở thành cầu thủ Đông Nam Á gây ấn tượng nhất khi thi đấu ở Nhật Bản, nơi có giải đấu hàng đầu châu Á.
Thành công phải đánh đổi bằng hy sinh. Những ngày đầu ở Nhật Bản, Chanathip nhớ gia đình ở Thái Lan và gọi điện về cho người mẹ 60 tuổi hàng ngày.
"Năm đầu tiên rất vất vả. Chất lượng bóng đá ở Nhật Bản cao hơn nhiều so với những gì tôi từng trải qua. Nó nhanh hơn, kỹ thuật hơn và tôi phải mất vài tháng để thích nghi. Những gì tôi có là niềm đam mê, động lực và quan trọng nhất là sự kiên nhẫn", tiền vệ sinh năm 1993 nói.
"Đôi khi, cầu thủ đến thi đấu ở giải đấu ngoài khu vực Đông Nam Á. Họ thử chơi trong một tháng và vì không có thời gian thi đấu hoặc không thể thích nghi nên họ lại trở về. Thật sự không dễ dàng nhưng bạn cần phải kiên nhẫn".
Bóng đá Việt Nam luôn ngóng chờ một cầu thủ xuất ngoại và thành công như Chanathip. Quang Hải, Hoàng Đức được gọi tên nhưng chưa ai đáp lời (Ảnh: FAT)
Màn trình diễn ở Nhật Bản chưa giúp Chanathip thu về những danh hiệu nhưng anh khẳng định bản thân vẫn khao khát rất nhiều.
Chanathip nói: "Là một cầu thủ chuyên nghiệp, danh hiệu rất quan trọng nhưng điều này phụ thuộc vào những cơ hội mà tôi nhận được trong tương lai. Hiện tại, tôi không hề hối tiếc về việc không đến châu Âu chơi bóng.
Tôi muốn tiếp tục thi đấu ở Nhật Bản cho đến khi họ không cần tôi nữa. Không ai có thể lấy đi hạnh phúc của tôi khi tôi vẫn còn đang chơi bóng".
Hành trình thành công của Chanathip ở nước ngoài là ví dụ hay về sự kiên trì và nhẫn nại. Anh sinh ra ở Nakhon Pathom, một tỉnh nhỏ nằm cách thủ đô Bangkok 57km, nơi nổi tiếng với những vườn cây ăn trái.
Nhiều lời gièm pha đã đến với Chanathip. Họ cho rằng anh không thể thành công trong bóng đá vì thiếu thể chất cần thiết cho việc thi đấu. Thực tế thì chứng minh điều ngược lại.
"Đã có nhiều người chỉ trích về vóc dáng và chiều cao của tôi nhưng tôi chỉ im lặng và tập trung vào việc trả lời họ bằng màn trình diễn trên sân", Chanathip nhắc lại.
"Nhiều người đã đánh giá thấp tôi nhưng tôi đã đánh lừa họ trên sân".