Chân tướng "đáng giật mình" của siêu cẩu 1.000 tấn đang dọn dẹp “thảm hoạ” Baltimore: Vũ khí bí mật của CIA, ra đời để góp phần trục vớt xác tàu ngầm Liên Xô

Linh Anh |

Không chỉ là chiếc cần cẩu nổi lớn nhất bờ đông nước Mỹ, Chesapeake 1000 - cỗ máy nâng khổng lồ đang dọn dẹp hiện trường vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore – còn sở hữu một lịch sử khiến nhiều người kinh ngạc.

Chân tướng

Chesapeake 1000 hiện là chiếc cần cẩu chủ lực tham gia nỗ lực dọn dẹp hiện trường vụ sập cầu mà Thống đốc bang Maryland Wes Moore mô tả là “thảm hoạ kinh tế” khi nó chặn hoàn toàn lối ra vào cảng Baltimore. Với sức nâng lên tới 1.000 tấn, chiếc cần cẩu sẽ nhấc những khối thép khổng lồ khỏi mặt nước để đưa chúng lên sà lan chuyên chở tới nơi tập kết.

Thế nhưng, Chesapeake 1000 không chỉ đơn giản chỉ là một chiếc cần cẩu khổng lồ. Nó từng là vũ khí bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ra đời trong chiến tranh lạnh để thực hiện một nhiệm vụ tối mật.

Ý tưởng chế tạo chiếc cần cẩu khổng lồ được ra đời năm 1968 sau khi tình báo Mỹ phát hiện xác một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân của Liên Xô đắm ngoài khơi Hawaii. Đó là một con tàu nặng khoảng 1.750 tấn, chìm ở độ sâu 5.000m ở khu vực cách Hawaii khoảng 3.000 km về phía tây bắc.

Với tầm quan trọng của bí mật quân sự ẩn trong xác tàu ngầm Liên xô, CIA đã triển khai dự án Azorian để thu hồi chiếc tàu của đối phương. Cần cẩu khi đó có tên Sun 800 với sức nâng vào khoảng 800 tấn.

Để tránh thu hút sự chú ý của Liên Xô, CIA đã nhờ một tỷ phú có tên Howard Hughes lập dự án để che đậy. Các bộ phận của cần cẩu được sản xuất tại Minnesota và Texas trước khi lắp ghép ở Pennsylavania. Chiếc cần cẩu là chìa khoá để xây dựng tàu thám hiểm Hughes Glomar Explorer, với những thiết bị chuyên dụng khổng lồ có nhiệm vụ đưa con tàu ngầm Liên Xô trở lại từ đáy biển.

Tuy nhiên, chiếc Hughes Glomar Explorer đã không thể trục vớt tàu ngầm Liên Xô một cách nguyên vẹn. Tàu ngầm Liên Xô bị vỡ vụn trong quá trình trục vớt. Sau 2 tháng với những khoản chi phí khổng lồ, chỉ 1/3 xác tàu cùng 6 thi thể thuỷ thủ Liên Xô được đưa khỏi đáy biển. Không rõ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa có lọt vào tay người Mỹ hay không.

Thế nhưng, việc rò rỉ thông tin đã khiến xứ mệnh Hughes Glomar Explorer không bao giờ được tiếp diễn. Phía Liên Xô cũng tăng cường giám sát con tàu trên Thái Bình Dương, điều khiến Nhà Trắng huỷ bỏ kế hoạch trục vớt những phần còn lại của tàu ngầm Liên Xô.

Xứ mệnh chấm dứt, tàu Hughes Glomar Explorer sau đó được chuyển đổi công năng thành tàu thăm dò dầu khí. Siêu cẩu Sun 800 cũng được bán lại cho công ty có tên Donjon Marine, nơi nó được cải tiến để có thể nâng được 1.000 tấn. Cần cẩu cũng được đổi tên thành Chesapeake 1000 như hiện nay.

Chiếc cần cẩu khổng lồ đã nhiều lần chứng minh được khả năng của mình. Giờ đây, nó lại được huy động để giải quyết hậu quả vụ tàu container đâm sập cây cầu ở Baltimore, chặn lối vào một trong những cảng quan trọng của Mỹ. Đây là cảng quan trọng nhất với ngành công nghiệp ô tô và máy móc nông nghiệp.

Người ta ước tính đống đổ nát của vụ sập cầu có thể lên tới 4-5.000 tấn. Chính vì thế, lực lượng cứu hộ phải tính toán để cắt thân cầu thành các phần trước khi Chesapeake 1000 có thể nhấc chúng lên và đưa đi nơi khác.

Nửa thế kỷ sau khi ra đời, Chesapeake 1000 đang tiếp tục đảm trách một nhiệm vụ quan trọng mà thống đốc Maryland mô tả là “không chỉ là vấn đề kinh tế của bang Maryland mà là cả nước Mỹ”.

Nguồn: Washington Post

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại