Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại

Hà An |

Sự khắc nghiệt của thể thao khiến các VĐV thường khó có thể tìm lại đỉnh cao sự nghiệp sau những chấn thương dai dẳng. Không nhiều người làm được điều này, và Nadal nằm trong số ít đó.

“Một quyết định vô cùng khó khăn, đặc biệt là tại đây, tại Paris, thành phố quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp của tôi. Tôi đã cố hết sức, đã thử điều trị nhưng bất khả thi. Vài khoảnh khắc tôi không thể di chuyển trên sân. Tôi cố gắng hoàn thành trận đấu vì không thích bỏ cuộc giữa chừng dù cơn đau ngày càng dữ dội”.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 1.

Nadal buồn bã thông báo bỏ cuộc tại Paris Masters

Đó là những lời buồn bã của Rafael Nadal trong buổi họp báo bất thường cách đây vài ngày tại Paris Masters. Trước trận tứ kết, trong khi tất cả đã sẵn sàng, kể cả khán giả và đối thủ Filip Krajinovic, Nadal bất ngờ tuyên bố rút lui do chấn thương đầu gối.

“Thực sự tôi rất buồn phải đưa ra quyết định như vậy. Đây là giải đấu tôi có mối quan hệ tốt với BTC, những người điều hành Roland Garros. Tôi cảm thấy như là nhà vậy. Tôi hy vọng có thể tham dự ATP Finals nhưng không phải bằng mọi giá. Các bạn đều biết đầu gối đã làm phiền tôi trong hơn 10 năm qua”.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 2.

Sự nghiệp Nadal là chuỗi ngày chấn thương…

Cuộc đời và sự nghiệp của Nadal gắn liền với chấn thương. Sẽ là chuyện lạ nếu tay vợt người Tây Ban Nha hoàn toàn lành lặn trong thời gian dài. Sự triền miên diễn ra tới mức hầu như mùa giải nào trôi qua, Rafa cũng bị thương với nhiều mức độ khác nhau. Trong số các vị trí trên cơ thể, đầu gối là nơi Nadal chịu nhiều đau đớn nhất.

Nó có dấu hiệu bất ổn lần đầu tiên vào tháng 10/2005. Nadal khi đó đã vô địch Madrid Masters bằng chiến thắng ấn tượng trước Ivan Ljubicic, song cái giá phải trả là tổn thương gân ở cả hai đầu gối.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 3.

…và trở lại mạnh mẽ

Năm 2007, triệu chứng tương tự tái phát khiến Nadal không có được phong độ cao nhất trong trận chung kết Wimbledon (thua Federer) và bị loại ở vòng 4 US Open (thua David Ferrer). Mặc dù vậy, cái đầu gối chỉ thực sự bắt đầu làm Nadal lo lắng một năm sau khi anh phải bỏ cuộc trước Nikolay Davydenko tại… Paris Masters trước khi thông báo không kịp bình phục cho ATP Finals.

Thất vọng nhất là năm 2009, gân đầu gối được coi là nguyên nhân chính giải thích cho thất bại của Nadal trước Robin Soderling tại Roland Garros. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Nadal để thua trên mặt sân bụi đỏ ở Paris, chấm dứt chuỗi 4 năm liên tiếp lên ngôi tại đây.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 4.

Nadal bỏ cuộc Roland Garros năm ngoái vì chấn thương cổ tay

Thế nhưng tất cả đều không thể bằng nỗi đau năm 2012, mùa giải chứng kiến chấn thương nặng nhất sự nghiệp Nadal. Sau khi phớt lờ sự bất ổn đã có dấu hiệu từ trước tại Australian Open, Miami và Roland Garros sau danh hiệu thứ 7, đầu gối của Nadal đã không thể chịu đựng nổi nữa ở Wimbledon.

Không chỉ là nỗi buồn thất bại muối mặt trước tay vợt vô danh Lukas Rosol ở vòng 2, Nadal phải đón nhận tin dữ khi một phần bánh chè, vị trí trước đầu gối, đã đứt hoàn toàn và buộc Rafa phải nghỉ hết mùa giải.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 5.

Đầu gối là một trong những nơi Nadal hay gặp chấn thương nhất

Ngoài chấn thương nghiêm trọng đó với cái đầu gổi bị giằng xé liên tục với hơn 10 lần phải vào viện, có lẽ trên cơ thể Nadal chưa có chỗ nào mà chưa bị thương cả. Từ lưng, cổ tay, gân khoeo cho đến dạ dày, bàn chân, Nadal ít nhiều đều từng trải qua những lần điều trị.

Thế nhưng những cơn đau, những chấn thương đến mức giày vò như vậy chỉ càng tạo nên một Rafael Nadal mạnh mẽ và kiên cường hơn. Gặp phải nhiều chấn thương nhưng người hâm mộ chưa bao giờ thấy Nadal hết khao khát, ngay ở việc hồi phục.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 6.

Nadal từng nghỉ 8 tháng vì chấn thương đầu gối năm 2012

Để nhanh chóng thi đấu trở lại, Nadal đã chữa đầu gối bằng phương pháp huyết thanh giàu tiểu cầu (PRP). Phương pháp này lấy máu của VĐV xoay trong máy ly tâm, nhằm giúp tái tạo tiểu cầu hiệu quả hơn, rồi bơm những tế bào này vào vùng tổn thương để tăng tốc độ phục hồi.

Tái xuất mùa giải 2013 sau gần 8 tháng nghỉ dưỡng thương, Nadal khẳng định sức mạnh với 2 chức vô địch tại Roland Garros và US Open, 10 danh hiệu lớn nhỏ khác cùng thành tích 75 trận thắng, qua đó kết thúc năm ở vị trí số 1 thế giới.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 7.

Nadal lập kỳ tích 10 lần vô địch Roland Garros

Tương tự mùa này, sau khi Nadal gặp rắc rối với cổ tay trái khiến anh phải bỏ cuộc giữa chừng tại Roland Garros 2016 (cũng sau một buổi họp báo!), tay vợt 31 tuổi đã trở lại mạnh mẽ đến bất ngờ bằng 6 danh hiệu gồm 2 Grand Slam với kỳ tích 10 lần lên ngôi Roland Garros, đạt thành tích thắng 24/25 trận trên sân đất nện và chắc chắn giữ vững ngôi vương cho đến hết mùa giải năm nay.

Những thông tin mới nhất từ bác sĩ lâu năm của Nadal, Angel Ruiz Cotorro cho biết đầu gối Rafa không gặp phải tổn thương nào nghiêm trọng và có khả năng “Bò tót” vùng Manacor sẽ kịp trở lại dự ATP Finals năm nay.

Chấn thương đầu gối dai dẳng không thể cản Nadal thành vĩ đại - Ảnh 8.

Bất chấp chấn thương gối dai dẳng, Nadal vẫn trở thành 1 trong những tay vợt hàng đầu thế giới

Tuy nhiên với tiền sử chấn thương đầu gối phức tạp, các fan của Nadal có lẽ cũng sẽ thông cảm nếu thần tượng vắng mặt ở London vào tuần sau, vì nhiều mùa giải sau này nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại