Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM, quản trị viên fanpage Bác sĩ yêu con nít trên mạng xã hội) mới đây đã chia sẻ câu chuyện anh gặp một trường hợp bà mẹ sau sinh bị mất sữa.
Theo đó, bà mẹ này một mình vất vả nuôi con 3 tháng tuổi, còn phải nấu nướng, dọn dẹp chăm cho chồng và ba mẹ chồng. Dù nỗ lực không than vãn một tiếng nhưng chị vẫn mang tiếng không phải con dâu thảo, cãi mẹ chồng khi chăm con theo kiến thức bác sĩ, bỏ qua những chuyện như cho con uống nước khi con 3 tháng tuổi, rơ miệng con bằng mật ong...
Một lần, chị gạt tay ông nội khi ông đút cho cháu miếng cam mà ông đang ăn dở nên chị bị ông mắng hỗn láo. Cộng thêm những chuyện cũ, ba mẹ chồng liền "tố" chị với chồng để rồi chị phải nhận 1 cú tát trời giáng.
Sau chuyện đó, chị buồn khóc nhiều trong 2 ngày rồi phát hiện bản thân đã mất sữa cho con.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang cho biết, trường hợp này bác sĩ cũng chỉ biết khuyên bà mẹ nên tiếp tục cho con ngậm ti để kích thích các xung thần kinh tới não, từ đó não sẽ tiết các hormone kích thích tiết sữa. Nếu bà mẹ ngưng cho con bú thì sẽ mất sữa hoàn toàn.
Ảnh minh họa
Đặc biệt qua trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang khuyên chị em phụ nữ nuôi con nhỏ cần hết sức chú ý để tránh các yếu tố ảnh hưởng việc tiết sữa, thậm chí mất sữa.
Thứ nhất, trong thời gian nuôi con cố gắng thư giãn, không bị rơi vào trạng thái stress.
Cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm trong giai đoạn 1 năm sau sinh, cho nên bất kỳ thay đổi tiêu cực nào trong giai đoạn này đều ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa của mẹ.
Đặc biệt, 1 năm sau sinh là giai đoạn người mẹ dễ rơi vào trạng thái "trầm cảm sau sinh" nhất và luôn cảm thấy bản thân bị cô độc, không được yêu thương và quan tâm. Đây là lúc người chồng phải có trách nhiệm hơn với vợ và con, thay vì khó chịu với vợ vì cái này cái kia.
Thứ hai là uống thật nhiều nước. Vì 80% sữa mẹ là nước nên thiếu nước thì cơ thể mẹ cũng chẳng tạo sữa được.
Có một số mẹo dân gian hay áp dụng uống nước lá này nọ để phụ nữ uống nhiều với hy vọng nhiều sữa.Việc này có hiệu quả thật, nhưng thực tế về cơ bản vẫn là đảm bảo được lượng nước cho mẹ. Cơ thể mẹ khi đủ nước mới có thể tạo được sữa một cách sinh lý nhất.
Thứ ba, không nên kiêng khem thái quá, có thể ăn mọi thứ đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Mẹ nên nhớ mẹ ăn uống đủ chất thì con bú mẹ mới đủ chất được. Ngoài ăn uống, mẹ có thể bổ sung thêm các loại vitamin, sắt, canxi phù hợp giai đoạn cho con bú.
Cơ thể phụ nữ cần hồi phục vì đã mất một lượng máu nhất định trong quá trình sinh sản. Và đặc biệt là cơ thể đang tập cân bằng lại trạng thái sinh lý sau khi mẹ và con trở thành 2 cơ thể độc lập, cho nên chuyện đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân đối cho mẹ là rất quan trọng. Nhiều bà mẹ kiêng khem quá trong giai đoạn cho con bú, toàn phải ăn nhưng món không nuốt nổi, ăn uống kém, stress vì bị ép ăn... rồi lại trở thành mất sữa.
Thứ tư, không nên lo lắng chất lượng sữa của chính mình. Nhiều bà mẹ bị ảnh hưởng bởi những lời của người xung quanh cho rằng sữa nóng khiến con còi cọc.
Bác sĩ khẳng định rằng không có chuyện sữa mẹ nóng, sữa mẹ không tốt, sữa mẹ mất chất... nên con bị bón, con vặn mình. Bé sơ sinh nào cũng có giai đoạn táo bón xen kẽ đi cầu rất nhiều, vặn mình ở trẻ sơ sinh là bình thường.