Trong suốt thời kỳ Thế chiến thứ II, giới sĩ quan Đức quốc xã không ngừng truy lùng và triệt hạ những mạng lưới phản kháng và những gián điệp của phe đồng minh hỗ trợ mạng lưới này.
Tuy nhiên, có một đặc vụ nước ngoài khiến "Đệ tam đế chế" đau đầu hơn bất kỳ tình báo nào ở pháp, đó là một phụ nữ có nhiệm vụ phá ngục, phá hoại ngầm và tiết lộ những đợt di chuyển binh sĩ Đức quốc xã. Người phụ nữ này mang tên Virginia Hall, song Đức quốc xã chỉ biết đến với biệt danh "chân gỗ".
Đức Quốc xã đã lệnh cho toàn bộ lực lượng gián điệp hai mang của mình thu thập bất kỳ thông tin gì về người phụ nữ bí ẩn này và thủ tiêu ngay lập tức nếu tìm ra bà.
Tuy nhiên, Gestapo - Cơ quan Cảnh sát mật của Đức Quốc xã và trùm mật thám Klaus Barbie (biệt danh là "đồ tể" Lyon) không bao giờ có thể tìm ra được tên và quốc tịch thật của bà. Điều này đã khiến Barbie phát điên: "Tao sẽ đánh đổi bất kỳ thứ gì để túm được con mụ Canada chân gỗ!".
Tất nhiên, có vô vàn những điều mà Đức Quốc xã không bao giờ biết được về nữ đặc vụ gan lì này. Một sự thật duy nhất mà họ biết được là tiếng chân gỗ giả đi lộc cộc. Đó là hậu quả của một vụ tai nạn săn bắn dẫn đến việc phải cắt bỏ chân trái từ đầu gối trở xuống. Thay thế là một chân giả bằng gỗ nặng hơn 3kg gượng gạo mà Hall đặt cho biệt danh đáng yêu là "Cuthbert".
Con đường trở thành điệp viên
"Học sinh xuất sắc nhất lớp". Đó là những gì mà bạn bè niên thiếu nhớ lại về Virginia Hall. Nhiệt huyết, sắc sảo và vui tính, nữ sinh sinh ngày 6-4-1906 này theo học tại Roland Park Country, chịu trách nhiệm ấn bản tờ báo đội của trường và là đội trưởng bộ môn khúc côn cầu. Tiếp đó, Hall theo học tại Barnard và Radcliffe, hai trong số các trường nghệ thuật tự do danh tiếng nhất nước Mỹ.
Có lợi thế xuất thân trong một gia đình giàu có ở Baltimore, bang Maryland (Mỹ), Hall tiếp tục theo học tại các nước châu Âu như ở Paris và Vienna.
Ngoài chứng chỉ về kinh tế và luật quốc tế, quá trình học tập ở nước ngoài đem lại cho Hall khả năng ngoại ngữ thành thục về tiếng Pháp, Italia, Đức và một chút tiếng Nga. Có khiếu về ngoại ngữ và thích phiêu lưu, Hall có niềm đam mê mãnh liệt được làm nhân viên ngoại giao.
Sau khi tốt nghiệp, Hall nộp đơn xin làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, song bị sốc khi đọc thư từ chối: "Không phụ nữ, không có chuyện đó xảy ra", Judith Pearson, tác giả cuốn tiểu sử về Hall chia sẻ.
Không chịu từ bỏ, Hall quyết định đi bằng "cửa sau", tác giả Pearson kể lại. Hall tìm cách kiếm được một "chân" thư ký tại Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw và sau đó là Lãnh sự quán Mỹ ở Smyrna (Izmir), Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính trong chuyến dã ngoại săn bắn với những người bạn Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1933 mà Hall ngã bổ nhào vào hàng rào dây thép gai và vô tình làm khẩu súng ngắn cướp cò bắn vào chân. Bị hoại thương chân trái, Hall buộc phải cắt bỏ chân trái từ đầu gối.
Tai nạn này đã bóp nghẹt hy vọng của Hall trở thành nhân viên phái đoàn ngoại giao Mỹ như cô nỗ lực lâu nay do Bộ Ngoại giao có quy định khắt khe về tuyển dụng người khuyết tật. Khi phục hồi sức khỏe trở về nhà ở Maryland, Hall tiếp tục nộp đơn ứng tuyển song bị từ chối, nhưng lần này không phải vì là phụ nữ mà vì bị mất một chân.
Không chịu từ bỏ, Hall học cách đi trên chân giả Cuthbert của mình. Năm 1939, Hall từ chức thư ký với hy vọng có được tương lai tốt đẹp hơn, sau đó, trở lại Pháp ngay trước đêm Đức Quốc xã xâm chiếm Pháp vào tháng 5-1940.
Với tư cách là một thường dân, Hall xin lái xe cứu thương cho quân đội Pháp. Tuy nhiên, Hall nhanh chóng phải rời đến London khi Pháp thất thủ. Tại một bữa tiệc cocktail ở London, "Hall đã chửi đổng Hitler", Pearson kể lại. Một người lạ mặt đến gần, trao cho Hall một danh thiếp và nói: "Nếu cô thực sự quan tâm việc chặn đứng Hitler, hãy đến gặp tôi".
Người phụ nữ đó không phải ai khác ngoài Vera Atkins, một siêu đặc vụ người Anh sau này là nguồn cảm hứng của tác giả Ian Fleming cho vai diễn mang tên Miss Moneypenny trong loạt phim James Bond. Atkins ấn tượng với Hall nhờ vốn hiểu biết trực tiếp về nước Pháp, khả năng đa ngôn ngữ, tính kiên cường và bình tĩnh đến lạnh lùng.
Hall ngồi trong một nhà kho, sử dụng bộ đài radio để truyền thông tin về London - Theo History.com
Atkins là người tuyển mộ đặc vụ cho một đội quân bí mật có tên gọi Special Operations Executive (SOE) do Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill thành lập nhằm thực hiện các hoạt động phá hoại ngầm, lật đổ chính quyền các thế lực thù địch bên ngoài nước Anh với sự trợ giúp của các mạng lưới phản kháng. Từ đây, cuộc đời Hall sang trang, trở thành một trong những đặc vụ huyền thoại nhất trong Thế chiến II.
Điệp viên dưới vỏ bọc hoàn hảo
Tháng 8-1941, Hall bí mật đến Pháp với vai trò là phóng viên tờ New York Post, trở thành nữ đặc vụ dân sự đầu tiên của SOE ở Pháp với nhiều bí danh khác nhau, trong đó có bí danh là "Germaine". Hall thiết lập một trụ sở bí mật ở miền Nam nước Pháp và gửi thông tin tình báo về chính phủ Vichy và phong trào phản kháng ngầm về cho cấp chỉ huy ở Anh.
Được bảo vệ danh tính bằng hồ sơ giả mạo, Hall hoạt động với một cái tên giả và viết bài cho các báo với tư cách là một phóng viên người Mỹ của tờ New York Post.
Hall nhanh chóng hoàn thiện và vận dụng những nghiệp vụ đặc biệt, không chỉ truyền tin về Anh qua tín hiệu radio về sự di chuyển của quân đội Đức quốc xã và các tiền đồn quân sự, mà còn thiết lập một mạng lưới điệp viên phản kháng trung thành ở trung tâm nước Pháp, có biệt danh là HECKLER.
Nếu như hoạt động của giới tình báo những năm 1940 thiếu thốn sự trang bị công nghệ tinh xảo thì bù lại, họ lại phát huy hết khả năng sáng tạo và thông minh của mình.
Đài BBC (của Anh) chèn thông điệp mã hóa vào các bản tin phát thanh thời sự đêm khuya. Hall sẽ gửi các "tin bài" về cho biên tập viên của mình ở New York. Các "tin bài" này của Hall được chèn những nội dung mã hóa cho chỉ huy SOE của mình ở London.
"Ở Lyon, Hall sẽ đặt một chậu hoa phong lữ trên cửa sổ của mình mỗi khi cần chuyển thông tin cho một người nhận tin", Pearson tâm sự, người đã nói chuyện với một số cựu chiến hữu của Hall ở Pháp.
"Và thông tin cần chuyển đi này là một bức thông điệp đặt sau một viên gạch hờ trên tường. Hoặc người nhận tin có thể đến một quán cà phê nào đó, và nếu có một thông điệp, thì người pha chế rượu sẽ đưa cho người nhận tin này một ly rượu được gắn thứ gì đó ở đáy ly".
Chứng minh thư mang bí danh “Marcelle Montagne” ở Pháp – Theo Allthatsinteresting.co
Tại Pháp, Hall trở nên "nổi tiếng" đối với giới lãnh đạo Đức Quốc xã đến mức mà Gestapo đặt biệt hiệu cho Hall là "gián điệp nguy hiểm nhất trong mọi gián điệp đồng minh".
Klaus Barbie, trùm mật vụ Gestapo bắt đầu chiến dịch lùng sục và tiêu diệt Hall. Gestapo phát đi các tờ rơi truy nã "chân gỗ" mà họ gọi là mối đe dọa hủy diệt Đệ tam đế chế. Barbie có thể bắt được nhiều điệp viên HECKLER song không thể bắt được Hall.
"Bà ấy ở trong nguy cơ rình rập trước mắt về khả năng bị tóm ở mọi lúc khi đang ở Pháp. Bà ấy hoàn toàn hiểu được hậu quả nếu bị quân Đức tóm", chia sẻ của Peter Earnest, Giám đốc Bảo tàng tình báo quốc tế ở Washington và từng có 35 năm phục vụ CIA.
Để đảm bảo an toàn, không còn cách nào khác là tạm gác lại sứ mệnh, Hall quyết định rời Pháp, sang Tây Ban Nha. Nhưng đó lại là cả một chặng đường dài đầy chông gai hơn 80km với tuyết băng giá và chân gỗ của mình. Hall phải dùng chân còn lại làm điểm tựa để kéo lê mình và chân gỗ vượt qua tuyết để vượt qua dãy núi Pyrenees ở phía nam nước Pháp để vào Tây Ban Nha.
Tại một điểm trên chặng đường vượt núi Pyrenees, Hall gửi thông điệp về London, thông báo mình đã an toàn nhưng "Cuthbert đang gây khó khăn".
Trụ sở SOE đã không nhận ra Cuthbert là biệt danh mà Hall đặt cho chân giả của mình nên nhầm Cuthbert với một người cung cấp tin tức nào đó, đã trả lời trong một thông điệp hết sức nguy hại: "Nếu Cuthbert đang gây khó cho cô, hãy loại anh ta".
Khi chỉ vừa bước chân an toàn vào lãnh địa Tây Ban Nha, Hall bất ngờ bị bắt giữ tại nhà ga xe lửa vì vượt biên trái phép. Bà bị giam giữ 6 tuần trước khi được đồng đội hỗ trợ giải thoát.
Hall ở lại Madrid 4 tháng làm việc dưới vỏ bọc là phóng viên thường trú cho tờ Chicago Times trước khi yêu cầu trụ sở SOE chuyển đổi vị trí. "Tôi nghĩ là mình có thể giúp ích gì ở Tây Ban Nha song tôi đang không thực hiện nhiệm vụ nào. Tôi đang sống thoải mái nhưng lãng phí thời gian", tác giả Elizabeth P. McIntosh trích đoạn trong cuốn "Sisterhood of Spies" viết về Hall.
Do SOE của Anh từ chối đưa cô trở lại Pháp khi hoạt động của Hall đã bị lộ, mùa Xuân năm 1944, Hall đã gia nhập Cơ quan Công tác Chiến lược Mỹ (OSS), tiền nhiệm của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Hall tìm cách trở lại hoạt động ở Pháp, lúc ấy đang bị Đức Quốc xã chiếm giữ hoàn toàn.
Năm 1944, nhiều tháng trước ngày 6-6-1944 hay còn gọi là D-day, lực lượng Đồng minh phương Tây đổ bộ vào bờ biển Normandie, một vùng của Pháp bị Đức chiếm đóng, Hall đã được phép trở lại Pháp bằng tàu phóng lôi cao tốc.
Lúc này, Hall mang bí danh là Marcelle Montagne, trong "lốt" một bần nông chính hiệu với nhiệm vụ chính là điều hành trạm truyền tin radio ở vùng Haute-Loire, trung tâm Pháp. Để tránh nghi ngờ, Hall nhuộm tóc xám, đi lê chân để giấu tiếng kêu chân gỗ, và thậm chí chỉnh sửa lại răng để trông giống với phong cách Pháp.
Hall dọc ngang khắp nước Pháp tổ chức thực hiện các hoạt động phá hoại ngầm nhằm vào quân đội Đức, nhanh chóng kết nối liên lạc với lực lượng kháng chiến của Pháp, hỗ trợ trong việc vạch ra các kế hoạch phá hoại ngầm mở đường cho cuộc đổ bộ của quân đồng minh.
Hall một lần nữa chạm trán với Gestapo song bà đã làm mọi việc có thể để bảo vệ bản thân cũng như các đầu mối liên lạc của mình. Bất chấp nguy hiểm kề cái chết và cơn đau kéo dài của cái chân gỗ, Hall vẫn kiên quyết giữ vững sứ mệnh của mình.
Trong một báo cáo của OSS, đội đặc vụ của Hall đã hoàn thành nhiệm vụ làm trật bánh các con tàu chở hàng, phá hủy 4 cây cầu, tiêu diệt 150 tên Đức Quốc xã và bắt sống 500 tên khác.
Báo cáo cuối cùng OSS đưa ra khoảng tháng 9-1944 khi trụ sở chấm dứt vai trò của Hall vì lực lượng Đồng minh (kể từ khi đổ bộ vào Normandy) bắt đầu lấy lại lãnh thổ từ Đức Quốc xã. Những ngày phi thường của Hall với sứ mệnh tình báo thời chiến khép lại từ đó.
"Tình báo của tình báo"
Trở về Mỹ, Hall tiếp tục làm việc cho CIA cho đến khi nghỉ hưu ở tuổi 60.
Tuy nhiên, Hall thường né tránh những lời tán dương, ca tụng và sự chú ý của công chúng. Thời Chính quyền Mỹ Harry S. Truman muốn trao tặng phần thưởng của riêng tổng thống cho Hall song bà từ chối khi không muốn lộ diện quá nhiều về bản thân trong bối cảnh vẫn còn những thế lực thù địch bên ngoài.
Thậm chí một số thành viên gia đình thân cận nhất của bà còn không biết hết được những hoạt động đầy nguy hiểm thời ở Chính phủ Vichy (tên gọi của Chính phủ Pháp) được dựng lên thời chiến. Pearson nói rằng Hall là một "tình báo của tình báo" cho đến phút cuối cùng. Qua đời năm 1982, nhưng có những hoạt động của nữ tình báo này vẫn mãi là "ẩn số".
"Tôi cầm cuốn hồi ký của Tướng William Donovan (người đứng đầu OSS thời Chiến tranh Thế giới thứ II) từ những năm 1950, trong đó có đoạn kể rằng ông ấy nói với Virginia Hall:
"Giờ cô có thể kể được rồi". Song cô ấy vẫn không nói gì. Đó là cách mà Hall đã sống", tác giả Pearson chia sẻ.
Để ghi nhận công lao và thành tích của Hall, Mỹ phong tặng Hall Huân chương Bảo quốc Thập tự, một trong những danh hiệu cao quý nhất mà quân đội Mỹ dành cho những thành tích gan dạ và can đảm trong cuộc chiến. Hall cũng là người phụ nữ duy nhất nhận được huân chương trong Thế chiến II.
CIA đã treo bức tranh sơn dầu về nữ tình báo này trong thời gian hoạt động ở miền Nam nước Pháp năm 1944 trong số bộ sưu tập nghệ thuật trưng bày ở trụ sở. Gần đây, CIA cũng đặt tên một cơ sở huấn luyện của mình theo tên bà, với tên gọi "Trung tâm Huấn luyện chiến đấu Virginia Hall".