Những ngày gần đây, giới địa ốc xôn xao với cái tên Phan Thị Phương Thảo – bà chủ dự án Happyland có tổng mức đầu tư được cho là lên tới hơn 2 tỷ USD tại Long An, đang lâm vào vòng xoáy nợ nần chồng chất.
Cục thi hành án dân sự Long An cũng đã thông tin trên báo chí, rằng đơn vị này đang tiến hành các thủ tục kê biên tài sản tại dự án Happyland (Bến Lức, Long An) do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông) đầu tư, để thi hành theo bản án. Chủ dự án này cũng đã bị cấm xuất cảnh.
Theo báo cáo của Cục thi hành án dân sự Long An thì Công ty Phú An nợ nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền gần 800 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ VAMC hơn 617 tỷ đồng, trong khi công ty này đã mất thanh khoản, không còn số dư trong tài khoản.
Trước khi dấn thân vào dự án HappyLand, nữ đại gia này có một hành trình đầy khó khăn và gian truân. Thông tin trên tờ Kiến Thức, cho biết nữ doanh nhân này sinh ra trong gia đình khá giả tại Long An nhưng hoàn cảnh thời bấy giờ chị đã phải sớm bôn ba kiếm tiền ở đất Sài Gòn xa lạ khi mới 12 tuổi.
Sau 3 năm làm giúp việc cho dì ruột, năm 16 tuổi chị đã quay về Long An nhằm giúp ba mẹ buôn bán đồ gốm và lo việc đồng áng.
Không lâu sau, nữ doanh nhân này đã lên xe hoa ở tuổi 16, thật éo le chỉ sau vài tháng chồng chị đã vượt biên theo bạn, chị quay về với ba mẹ nhưng vì nhà nghèo quá, chị một lần nữa “bén duyên” với đất Sài Gòn khi bị lừa hết đồ đạc, tiền bạc ở bến xe chợ Lớn, nên nữ doanh nhân này đã phải tìm việc kiếm sống ở Sài Gòn.
Từ đó, nữ đại gia này đã trải qua nhiều năm cơ cực, kiếm sống và làm thuê ở một quán cơm của 2 vợ chồng người Hoa. Sau 2 năm lao động cật lực chị đã tích cóp được 1 chỉ vàng. Có chút vốn liếng cùng kinh nghiệm nhiều năm sống ở đất đô thị, từ đó nữ đại gia này đã bước vào nghiệp kinh doanh từ khi nào mình không hay biết.
Năm 20 tuổi, chị quyết định trở về quê (Long An) mua lúa xay xát thành gạo rồi mang lên Sài Gòn bán. Một thời gian sau, chị lại đổi nghề, mua chiếu thô về thuê thợ in hoa lên rồi mang lên tận Tây Ninh bán buôn.
Kiếm được chút vốn liếng, run rủi thế nào chị tình cờ quen được một người bạn và được chồng người bạn chị giúp đỡ mở quán cơm bình dân ở Vũng Tàu, sau đó có chút vốn chị bước vào kinh doanh buôn buôn bán sắt vụn. Từ đó, nữ doanh nhân này đã đến với nghề buôn bán vật liệu xây dựng.
Nữ doanh nhân Phan Thị Phương Thảo tiếp xúc với đối tác nước ngoài trong một buổi họp báo về lễ khởi công dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội.
Sau nhiều năm buôn bán, bước ngoặt trở thành một nữ doanh nhân có tiếng khi bà Thảo thành lập Công Ty Cổ Phần Xây dựng Thương Mại dịch vụ Khang Thông (Công ty CP Tập đoàn Khang Thông sau này) hồi năm 2004, với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cát, san lấp mặt bằng, thi công hạ tầng khu công nghiệp.
Trước những cơ hội lớn từ nền kinh tế tăng trưởng cao trong những năm Việt Nam gia nhập WTO, Khang Thông đã nhanh chóng lớn mạnh và mở rộng kinh doanh sang chủ đầu tư một số dự án BĐS lớn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, và các tỉnh miền Trung, đồng thời sở hữu hơn 15 công ty thành viên.
Đặc biệt là năm 2011, khi thị trường bất động sản là miếng bánh màu mỡ của nhiều doanh nghiệp thời bấy giờ, Khang Thông của bà chủ Phan Thị Phương Thảo đã khởi công xây dựng một siêu dự án phức hợp giải trí có số vốn đầu tư đăng ký lên tới trên 2 tỷ USD ngay trên quê nhà bà (Bến Lức, Long An).
Nói về chuyện làm dự án Happyland, vị nữ đại gia này đã từng chia sẻ trên báo Tầm Nhìn rằng trong chuyến đi Mỹ để mời Disneyland đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ dường như chưa có khái niệm về Việt Nam nên sẽ phải mất 5 năm nghiên cứu.
Vì thế, bà đã quyết định mời những nhà thiết kế, thi công…lớn trên thế giới tham gia vào dự án này. Bởi theo bà Thảo thì bà có quỹ đất lớn, vị trí và phong cảnh đẹp nên đã quyết định “đánh lớn” vào Happyland.
Doanh nhân Phan Thị Phương Thảo (giữa) từng được xem là người đem các tỷ phú đến Việt Nam.
Tuy nhiên, con đường trở thành “xứ sở hạnh phúc”, tổ hợp giải trí lớn nhất Đông Nam Á ngày càng trở nên mờ mịt với doanh nhân Phan Thị Phương Thảo bởi bà đã thất bại trong việc kêu gọi vốn.
Quy mô quá lớn, một mình Khang Thông không thể làm nổi, vì thế năm 2012 tập đoàn này cho biết cho biết dự án này đã thu hút hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực muốn tham gia đầu tư và quảng bá dự án, trong đó có cả ông Joseph Walter Jackson - cha của cố ca sĩ Michael Jackson.
Thế nhưng, hồi cuối năm thì chính ông Joseph Walter Jackson đã tuyên bố không tham gia vào dự án này.
Từ đó, Happyland trở nên bết bát, chậm tiến độ nhiều năm và lâm vào vòng xoáy nợ nần như ngày nay.
Tuy vậy, mới đây đã có thông tin một đại gia đến từ Hồng Kông là Công ty TNHH Summerfield quan tâm và mong muốn đầu tư vào dự án Happyland. Vị chủ tịch tập đoàn này là ông Francois Da Pan Shih, cho biết ông đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về dự án Happyland và cảm thấy rất thích thú với dự án này.