Trong đó, ông Alain Xavier Cany hiện là Trưởng đại diện, Chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson Limited Việt Nam. Ông sẽ đại diện Platinum Victory Pte. (thuộc Jardine Cycle and Carriage Ltd.), là cổ đông lớn mới tham gia VNM với tỷ lệ sở hữu là 10,03%.
Ông Alain Xavier Cany sinh năm 1949, quốc tịch Pháp, được Đại hội cổ đông bầu bổ sung vào HĐQT VNM với tỷ lệ thông qua là 99,06%.
Thành viên HĐQT mới được bầu còn lại là ông Nguyễn Chí Thành, Phó TGĐ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), thay cho ông Nguyễn Hồng Hiển. Tại Đại hội vừa qua, ông Nguyễn Hồng Hiển vắng mặt được VNM thông báo là ông “vắng mặt có lý do”.
Ông Nguyễn Chí Thành sinh ngày 29/5/1972, có bằng Thạc sĩ của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Nhật Bản và bằng Cử nhân của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông từng công tác tại Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tham gia tái cơ cấu nợ nước ngoài và xây dựng chính sách ngoại hối.
Ông Thành được bổ nhiệm làm Phó TGĐ kiêm người đại diện theo pháp luật của SCIC từ tháng 9/2017. Ông được Đại hội cổ đông bầu bổ sung vào HĐQT VNM với tỷ lệ thông qua là 80,74%.
Đại hội cổ đông thường niên của VNM cũng đã thông qua nội dung nâng số lượng thành viên HĐQT từ 9 lên 11. Với việc bổ sung thêm hai thành viên, HĐQT VNM gồm:
Bà Lê Thị Băng Tâm (Chủ tịch HĐQT); Bà Mai Kiều Liên (Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc); Ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch Coteccons, Thành viên HĐQT); Ông Michael Chye Hin Fah (Thành viên HĐQT); Bà Đặng Thị Thu Hà (Thành viên HĐQT); (Ông Đỗ Lê Hùng (Thành viên HĐQT); Ông Lê Thành Liêm (Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Tài chính kiêm Kế toán trưởng; Ông Lee Meng Tat (Thành viên HĐQT); Ông Alain Xavier Cany (Thành viên HĐQT); và ông Nguyễn Chí Thành (Thành viên HĐQT).
Số lượng thành viên HĐQT của VNM nhiều khả năng vẫn sẽ chốt ở con số 11 cho dù SCIC tiếp tục bán đấu giá cổ phần VNM trong năm. Hai cổ đông hiệ tại là F&N và gần đây là Jardine C&C đều muốn trở thành cổ đông lớn nên có thể sẽ mua vào các lô lớn cổ phiếu VNM.
Cũng tại Đại hội, lãnh đạo công ty cho biết ước tính kết quả kinh doanh quý 1 kém khả quan một chút.
Doanh thu trong nước kém do thời tiết lạnh kéo dài, trong khi đó doanh thu xuất khẩu (phụ thuộc lớn vào nhu cầu từ thị trường Iraq) cũng giảm.
Trong quý 1 năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của VNM đạt mức cao kỷ lục là 2.935 tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ nhờ doanh thu tăng mạnh 16,4% so với cùng kỳ và tỷ lệ chi phí bán hàng thấp kỷ lục, là 19,1%.
Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu thuần đạt 55.500 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% và lợi nhuận sau thuế đạt 10.752 tỷ đồng, tăng trưởng 4,6%.
Cổ tức tiền mặt cho năm 2017 là 5.000 đồng/cổ phần, tương đương 5% mệnh giá. Trong đó VNM đã trả 3.500 đồng vào tháng 8 và tháng 12/2017, còn lại 1.500 đồng sẽ được chi trả vào tháng 6/2018.
Có một số dấu hiệu cho thấy VNM đang theo đuổi một chiến lược M&A khi mới đây công ty đã mua 65% cổ phần Đường Khánh Hòa. Với dòng tiền mặt tự do là khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ là 0,02 lần và kế hoạch đầu tư hàng năm trong 4 năm tới chỉ là 3.400 tỷ đồng, VNM có nhiều tiền để chi cho hoạt động M&A.