Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) là công ty thành viên 100% vốn của Công ty California Waste Solution (CWS), có trụ sở tại California, Hoa Kỳ. Công ty được thành lập nhằm cung cấp dịch vụ xử lý chất thải cho Việt Nam.
Theo giới thiệu trên website chính thức, những dịch vụ mà công ty cung cấp bao gồm - nhưng không hạn chế - sở hữu, phát triển (bao gồm tư vấn kỹ thuật, thiết kế và xây dựng) và tiến hành xử lý chất thải rắn cũng như vận hành các nhà máy xử lý.
Các cơ sở xử lý chất thải rắn bao gồm bãi chôn lấp kiểu mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh, nhà máy tái chế (phân loại) (MRF’s), khu vực làm phân compost, trạm trung chuyển và dịch vụ thu gom chất thải rắn.
VWS theo đuổi một chiến lược chuyên biệt nhằm cung cấp cho thị trường Việt Nam một giải pháp tổng thể từ đầu đến cuối, qua đó khách hàng sẽ không còn phải lo nghĩ về lượng chất thải rắn này nữa.
Người sáng lập VWS là ông David Dương, việt kiều Mỹ, đồng thời ông cũng là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty California Waste Solutions (CWS), California, Hoa Kỳ.
VWS chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD.
Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước được xây dựng trên khu vực đất mềm ẩm ướt thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trong giai đoạn I của dự án, một Bãi chôn lấp có diện tích khoảng 30,6ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3 đã được xây dựng.
Bãi chôn lấp giai đoạn I được thiết kế với công suất 10.000 tấn rác thải/ngày, hiện đang nhận xử lý 3.000 tấn /ngày cho TP.HCM và 20 tấn/ngày cho Long An.
Bãi rác Đa Phước là một trong 3 "nghi phạm" được Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây. Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và có phương án giải quyết.
Những dấu hỏi về hoạt động của bãi xử lý rác Đa Phước
Quy trình xử lý rác
Trong thỏa thuận với TP.HCM vào năm 2005, California Waste Solutions (CWS) chủ đầu tư 100% vốn vào Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS), nói rõ sẽ đảm bảo vận hành nhà máy theo đúng quy định của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường.
Quy định dành cho công tác xử lý rác tại bãi chôn lấp với kỹ thuật đơn giản và công suất từ 500 tấn/ngày đến 3.000 tấn/ngày ghi rõ các loại vật liệu, dụng cụ, nhân công, máy móc với số lượng rất cụ thể. Trong đó, số hoá chất khử mùi được thống kê như sau: đất, hoá chất diệt ruồi, sumithion 50EL, EM thứ cấp, Bokashi, Permethin, Basudin 40ND, DDVP.
Yêu cầu kỹ thuật của quy định này là độ dày lớp rác sau khi đầm nén để phủ đất từ 2,5m đến 3m. Độ dày lớp đất phủ trên rác từ 0,5 đến 0,7m.
“Theo hợp đồng xử lý chất thải đã ký với Sở TN&MT ngày 28/2/2006, Công ty VWS tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau đó tiến hành phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được đưa đi chôn lấp.
Tuy nhiên, trong thực tế, Công ty VWS không thực hiện phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic vì TP chưa cung cấp được chất thải đã phân loại tại nguồn. Do đó, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận, Công ty VWS thực hiện chôn lấp toàn bộ”, kết luận của Thanh tra TP.HCM đầu năm 2016 khẳng định.
Đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, rác chuyển đến Đa Phước đã được chất thành núi.
Nhiều đoạn chân rìa trong bãi rác Đa Phước có những tấm bạt đã thủng, hở lượng lớn rác thải. Ảnh: Tiến Tuấn/ Zing News
Từng bị cảnh cáo vì dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh
Đầu năm 2015 VWS bị cảnh cáo vì đề nghị được nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày và xử lý toàn bộ chất thải rắn của Thành phố trong khi theo Giấy chứng nhận điều chỉnh Giấy phép đầu tư số 2535/GCNĐC1/41/1 do UBND TP.HCM cấp cho VWS ngày 13/1/2014 mục tiêu và phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp này được quy định là một bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, công suất 2.500-3.000 tấn/ngày.
“Việc VWS đề nghị được nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày và xử lý toàn bộ chất thải rắn của Thành phố sẽ dẫn đến độc quyền trong lĩnh vực xử lý chất thải trên địa bàn TP.HCM, ảnh hưởng đến quyền được cạnh tranh của các doanh nghiệp khác.
Còn trường hợp VWS được thực hiện chính thức chủ chương chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thêm 2.000 tấn/ngày từ Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp, huyện Củ Chi về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước sẽ được xử lý lượng rác là 5.000 tấn/ngày, trong tổng số 6.700 tấn/ngày (khoảng 75%) lượng rác của Thành phố cũng là dấu hiệu VWS vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh”, văn bản của nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà thời điểm đó nêu rõ.
Giá xử lý rác luôn cao hơn đơn vị khác
Ngoài ra, về giá xử lý rác, Công ty VWS đã không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tasic chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn/ngày theo quy định của Giấy phép đầu tư số 2535/GP ngày 28/12/2005. Thay vào đó, VWS đang vận hành bãi chôn lấp rác với công suất 2.500-3.000 tấn/ngày.
Và mặc dù không xây nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác, nhưng VWS vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho các doanh nghiệp khác cũng thực hiện chôn lấp.
Năm 2007, giá xử lý rác ngân sách TP.HCM chi trả cho VWS là 16,4 USD/tấn, tăng lên 19,009 USD/tấn năm 2013, đến cuối 2014 là 20,166 USD/tấn và năm 2016 là 21,1 USD/tấn.
Nhà đầu tư tiết lộ công ty bị cạnh tranh không lành mạnh
Trong khi dư luận đang cho rằng VWS đang được ưu ái vì quy hoạch rác đổ về nhiều hơn và giá thành xử lý rác cao hơn, nhà đầu tư công ty này vẫn phàn nàn việc "một thế lực nào đó" đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Hồi tháng 3/2016, trong hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà đầu tư nước ngoài năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”, bà Huỳnh Thị Lan Phương, phó Tổng giám đốc VWS cho biết VWS đã có giấy phép hoạt động 50 năm tại TP.HCM.
Đến thời điểm này có những điều khoản trong hợp đồng thành phố vẫn chưa thực hiện, giống như đang bị một thế lực nào đó cản trở, cạnh tranh không lành mạnh và lo sợ rằng “nếu nói ra sự thật thì sợ không còn đường về Mỹ”.
Nguyên văn lời giãi bày của bà Phương: “Công ty VWS đang xử lý 50% lượng rác thải sinh hoạt của TP.HCM. Vừa qua, VWS được nhận thêm rác để xử lý vì lãnh đạo UBND TP.HCM thấy VWS xử lý tốt.
Tuy nhiên, khi nhận thêm rác thì VWS vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt và không lành mạnh. Chủ tịch UBND TP.HCM tiền nhiệm đã quyết định nhưng việc triển khai thực hiện gần đây không được suôn sẻ, thuận lợi. Nhiều chuyện được xới lên một cách có chủ ý sau khi TP.HCM thay đổi các vị trí lãnh đạo chủ chốt”.
Liệu còn bàn giao được đất sạch về thành phố sau 50 năm sử dụng?
VWS đã có giấy phép hoạt động 50 năm tại TP.HCM với diện tích bãi xử lý rác là 128ha. Công ty cam kết, sau khi hết thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, VWS sẽ bàn giao toàn bộ diện tích đất sạch 128 ha sử dụng của dự án cho thành phố.
Tuy nhiên, VWS chỉ thực hiện chôn lấp rác, với rác thải lẫn lộn mọi thứ chứ không hề tái chế hay sản xuất phân compost như kế hoạch ban đầu, tức là “lượng chất thải rắn sinh hoạt tiếp nhận, Công ty VWS thực hiện chôn lấp toàn bộ”.
Với thời gian phân huỷ các loại rác thải khác nhau, nếu chôn lấp lẫn lộn như hiện tại, việc trả “đất sạch” về cho thành phố sau 50 năm có vẻ như khó có thể thực hiện được.