img
Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 1.

Như mọi năm, cứ đến mùng 2 Tết là gia đình tôi sẽ rời khỏi Hà Nội, chọn một điểm du lịch nào đó để nghỉ ngơi suốt kì nghỉ Tết. Nhưng riêng năm nay, biết anh Phan Văn Khải nằm viện ở Singapore đã hơn một tháng, bệnh phổi của anh diễn biến xấu đi nhiều, tôi đề nghị cả gia đình đổi địa điểm sang Singapore để đến thăm anh.

Ở Singapore, anh Sáu Khải được điều trị ở Bệnh viện Elizabeth, một bệnh viện lớn và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Ngày mùng 3 Tết tôi vào thăm, anh không nói được gì, bác sĩ phải cắm ống thở để giúp anh hô hấp dễ hơn, nhưng thấy tôi đến, anh vẫn nhận ra. Anh mở mắt ra hiệu và nắm nhẹ tay tôi. Trưa mùng 5 tôi bay về Hà Nội, thì tối hôm đó,anh cũng được đưa về nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy - Sài Gòn.

Tôi và anh Sáu Khải đều có chung một nhược điểm, là cả hai có thói quen hút thuốc rất nhiều. Hai năm trước, Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương đưa đoàn cán bộ cấp cao sang một bệnh viện của Đài Loan để khám chữa bệnh, anh Khải đã được các bác sĩ Đài Loan cảnh báo về tình trạng phổi có nhiều dấu hiệu xấu.

Buổi tối ở Đài Loan, tôi qua phòng anh ngồi uống trà, thấy anh đốt thuốc liên tục, tôi khuyên:

- Phổi anh giờ không tốt, anh phải bớt hút thuốc đi.

Anh cười:

-Mày cũng hút nhiều thế mà còn khuyên tao.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 2.

Lần gần nhất, cách đây 3 tháng, tôi ghé qua thăm anh ở Củ Chi, cùng ăn với anh bữa cơm, thấy anh vẫn hút thuốc nhiều như thế, sức khoẻ ngày càng yếu đi…

Năm 1999, tôi được bổ nhiệm chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Lúc đó anh Sáu Khải đã là Thủ tướng. Nhưng chúng tôi đã có nhiều năm quen biết nhau khi mà anh làm Phó Thủ tướng, còn tôi là Phó Chủ nhiệm Văn phòng. Quen anh ngần đó năm, giúp việc cho anh cho đến ngày anh từ nhiệm, như những gì tôi được chứng kiến, thì vào thời điểm đó của đất nước, có lẽ không ai phù hợp với vị trí Thủ tướng Chính phủ hơn anh.

Anh Sáu Khải là người hiểu rất rõ kinh tế vĩ mô. Anh Khải từng học về kinh tế ở Liên Xô. Đã từng kinh qua những kinh nghiệm về tài chính - ngân hàng. Anh là người đã từng làm thị trưởng một thành phố lớn nhất của đất nước; đã từng làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

Nói một cách khác, anh là người đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ và trong một thời gian rất dài - cho cương vị Thủ tướng trong thời kỳ đó - một thời kỳ mà kinh tế Việt Nam vừa mới chập chững những bước đầu của nền kinh tế thị trường nhưng đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế 1997-1998 đang lan rộng khắp châu Á. Và với cương vị Thủ tướng Chính phủ, anh Phan Văn Khải đã làm rất nhiều việc để đưa đất nước vượt qua khủng khoảng và phát triển tương đối nhanh

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 3.

Có nhiều chuyện mà các chuyên gia kinh tế trong nước có thể nói về thành tựu và những nỗ lực của anh Sáu Khải. Nhưng tôi chỉ xin kể một chuyện mà có lẽ ít người biết. Đó là năm 1998, anh Phan Văn Khải đi thăm chính thức Trung Quốc. Đoàn chúng tôi ở khu nhà khách Trung Nam Hải.

Theo dự kiến thì buổi sáng hôm sau, anh Sáu Khải sẽ có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nhưng rất bất ngờ, chiều hôm đó anh gọi tôi sang yêu cầu:

- Giao ơi , mày sắp xếp cho tao gặp ông Chu Dung Cơ ngay tối hôm nay!

Tôi quá ngạc nhiên:

- Anh ơi, mai là mình hội đàm chính thức rồi. Tiền lệ ngoại giao không có chuyện gặp nhau trước thế này đâu.

Nhưng anh vẫn khăng khăng lệnh cho tôi tìm cách sắp xếp cuộc gặp đó.

Không còn cách nào khác, tôi liên hệ qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán ta. Phía Trung Quốc hỏi lý do, tôi chỉ nói:

-Thủ tướng tôi yêu cầu như thế, nếu Trung Quốc thu  xếp được thì Thủ tướng tôi rất mừng, chứ tôi cũng không được biết nội dung.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 4.

Nửa tiếng sau,  phía Trung Quốc thông qua Sứ quán trả lời đồng ý. Và đúng một tiếng rưỡi sau, đích thân Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã đến thăm Thủ tướng Phan Văn Khải ở chính khu biệt thự mà anh đang ở.

Khi gặp nhau, Thủ tướng Phan Văn Khải nói với Thủ tướng Chu Dung Cơ:

- Đồng chí cũng biết là toàn Châu Á đang khủng hoảng tài chính. Việt Nam cũng khó khăn về chuyện xuất khẩu, đầu tư nước ngoài kém, thị trường thu hẹp. Tôi hỏi đồng chí, nếu đồng chí ở địa vị của tôi ở Việt Nam thì đồng chí sẽ giải quyết thế nào? Tuy ngày mai chúng ta mới chính thức hội đàm, nhưng vì chuyện này không tiện hỏi trên bàn ngoại giao, nên tôi muốn gặp riêng đồng chí như thế này.

Ai làm ngoại giao chắc đều hiểu đây là một cuộc gặp rất đặc biệt, và câu hỏi của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là câu hỏi rất hiếm gặp trong ngoại giao. Chính tôi, người phụ trách công tác đối ngoại của VPCP cũng bất ngờ. Nhưng Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ cũng trả lời một cách rất chân tình:

-Đồng chí, tôi và đồng chí đều mang trong đầu một mớ Plekhanov (Plekhanov là trường Đại học Kinh tế quốc dân của Liên Xô cũ - nơi Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng theo học).  Chúng ta đều từng làm về tài chính ngân hàng. Chúng ta đều từng làm thị trưởng của những thành phố lớn nhất nước. Chúng ta đều phụ trách Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Chúng ta đều từng là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế trong một thời gian dài, rồi bây giờ cùng trở thành Thủ tướng. Tôi với đồng chí không hề khác nhau về bối cảnh. Nên nếu đồng chí  muốn ở tôi một lời tư vấn, thì tôi chỉ có 4 chữ thôi : "kích thích nội nhu" (nghĩa là kích thích các nhu cầu nội địa).

Sau đó hai Thủ tướng còn trò chuyện với nhau rất lâu về việc làm thế nào để kích thích nội nhu. Sau khi về nước,Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ triệu tập họp Chính phủ đột xuất trong suốt hai ngày và đi đến một quyết định là phát hành trái phiếu chính phủ, đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong nước bằng chính nguồn lực nội tại. Đó là một trong những biện pháp đúng đắn mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm để giúp Việt Nam đi qua thời kỳ cả Châu Á ngập trong khủng hoảng.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 5.
Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 6.

Câu chuyện gặp Thủ tướng Chu Dung Cơ để lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt về cách ứng xử của anh Sáu Khải.  Đúng như tính cách Nam Bộ của mình, anh Khải không phải là người quá chú trọng về lễ giáo, không phải là người câu nệ và tuân theo những nguyên tắc cứng nhắc.

Với anh, quan trọng là  đạt được mục đích thông qua con đường ngắn nhất, với những người mà anh cho rằng đáng tin cậy. Nhờ thế, năm đó ở Trung Nam Hải, tôi đã chứng kiến một cuộc gặp ngoài dự kiến, rất thú vị, rất đặc biệt của hai người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Năm 2005, anh Sáu Khải đi thăm nước Mỹ. Đó là lần đầu tiên một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thống nhất sang thăm chính thức Hoa Kỳ, cũng là thời điểm mà quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ chưa hoàn toàn nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của một số cán bộ.

Sau cuộc gặp, nhiều trí thức trong nước có ý "chê" Thủ tướng vì trong bài phát biểu dài 40 phút tại Nhà Trắng, anh Sáu Khải nhiều lần phải nhìn vào tờ giấy mà anh mang theo. Bản thân tôi là người chuẩn bị không biết bao nhiêu bài phát biểu cho Thủ tướng, tôi biết trí nhớ anh tốt đến mức nào, nên tôi rất băn khoăn.

Buổi tối sau cuộc gặp chính thức, tôi hỏi anh:

-Sao anh lại phải cầm tờ giấy đó? Anh dư sức tự phát biểu mà.

Nhưng anh chỉ nói một câu ngắn gọn:

-Tao cầm là vì "đối nội", mày!

Tôi nghĩ mọi người đều hiểu câu ngụ ý của anh Sáu Khải. Xin nhắc lại là hồi đó chưa có sự nhất trí tuyệt đối về quan điểm trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, và đó cũng là điều dễ hiểu nếu xét hoàn cảnh lịch sử: Hai nước đã đối địch quá lâu.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 8.

Trong mắt tôi, anh Sáu Khải là một trong những lãnh đạo miền Nam ít tính cục bộ địa phương nhất, cũng là người rất xuề xoà, gần gũi trong giao tiếp. Anh Khải ra Bắc từ hồi tập kết, từng tham gia cả cải cách ruộng đất và phong trào sửa sai. Anh đã chứng kiến con em miền Nam được bao bọc thế nào ở miền Bắc; cũng rất thấm thía sự hi sinh tuyệt đối mà nhân dân miền Bắc dành cho miền Nam, nên trong suốt những năm đương nhiệm, không bao giờ anh có tư duy phân biệt vùng miền. Mỗi lần đi công tác qua những vùng anh từng "ba cùng" thời cải cách ruộng đất, bao giờ anh cũng yêu cầu chúng tôi tìm bằng được những gia đình từng cưu mang mình để đến thăm hỏi, cảm ơn...

Trừ những lúc trong công việc, còn thường thì anh Sáu Khải giữ lối xưng hô mày - tao đúng kiểu Nam bộ. Anh đặc biệt thích nghe kể chuyện phiếm. Những lúc ngồi trên máy bay đi công tác, không có công việc cần xử lý, anh thường bảo: "Giao, mày kể chuyện tiếu lâm nghe coi". Nghe xong, anh cười sảng khoái. Anh "tao tao, mày mày" với anh em , không hề có khoảng cách giữa Thủ tướng và nhân viên.

Là người nắm giữ quyền lực cao nhất trong Chính phủ, nhưng anh Sáu Khải rất biết lắng nghe cấp dưới của mình.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 9.

Tôi nhớ cuối năm 1999-2000, Chính phủ đã họp và nhất trí ban hành Nghị định bắt toàn dân phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Nghị định chưa ra thì có một số báo, trong đó có những tờ báo rất lớn đã cho đăng một số bài phản biện ý là chúng ta ra khỏi nhà sẽ thấy hàng ngàn nồi cơm điện trên đường phố . Dư luận còn lan truyền một nghi vấn rằng dường như Chính phủ có một xưởng sản xuất mũ bảo hiểm.

Lúc đó vì bực bội với việc đưa tin của một số báo, tôi có gọi một cô phóng viên một báo lớn lên phân tích:

-Ừ thì cứ cho là Chính phủ có một nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm mà mỗi năm có thể thu về mấy trăm tỉ lợi nhuận đi (thực tế thì làm gì có). Nhưng nếu giả sử một năm số người bị chấn thương sọ não, bị thần kinh là cả vạn người do không đội mũ bảo hiểm, thì tiêu tốn của xã hội và gia đình sẽ mất bao nhiêu? Sẽ là hàng chục ngàn tỷ. Thế thì so với mấy trăm tỷ lợi nhuận đó, chị thấy cái nào lợi hơn? Thế thì tôi hỏi chị đây là chính sách nhân đạo hay là một chính sách đi ngược lại lợi ích của dân.

Cô phóng viên kia vỡ ra hiểu và nhận sai.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 10.

Tuy nhiên tôi cũng đã suy ngẫm về thời điểm, khi mà nhân dân cũng như dư luận xã hội chưa thể hiểu về nghị định này. Tôi lên gặp Thủ tướng, đề nghị hoãn nghị định đó. Anh giận lắm:

-Đã "Nghị" thì phải "Định" chứ? Sao lại hoãn!

Tôi thưa:

-Thưa anh, nó hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, hợp tình, hợp quy. Riêng một cái không hợp, là chưa hợp thời. Dân chúng chưa hiểu, và mình ra lúc này có thể sẽ phản tác dụng. Nên nếu anh đồng ý, cho phép VPCP làm công văn đặt lại vấn đề hỏi ý kiến lại các thành viên Chính phủ một lần nữa, bàn về việc hoãn nghị định đó một thời gian.

Cuối cùng anh Sáu Khải đồng ý, nghị định được hoãn lại đến mấy năm sau. Và như tất cả chúng ta đều thấy, đến giờ  thì người Việt Nam đã hiểu được lợi ích của việc đội một cái mũ bảo hiểm ra đường.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 11.

Tôi có một nguyên tắc là không bao giờ gần gũi quá với cấp trên của mình. Khi anh Sáu Khải còn đương chức, tôi không bao giờ đến nhà riêng của anh nếu anh không gọi đến để báo cáo công việc; thăm hỏi, chúc tết, quà cáp tôi càng tránh, vừa để tránh những lời dị nghị, vừa để giữ sự tự trọng của bản thân. Sau này, khi anh về hưu, tôi mới thường xuyên đến thăm anh ở Củ Chi mỗi khi có dịp vào Sài Gòn.

Nhưng dù là thời chúng tôi còn làm việc hay khi cả hai đã về hưu, tôi đều cảm nhận là anh Sáu Khải rất hiểu và thương cán bộ cấp dưới, trong đó có tôi.

Tôi tự thấy tôi là Bộ trưởng có nhiều "phá cách". Tính tôi hơi phóng khoáng xét theo tiêu chuẩn của một chính trị gia. Tôi có nhiều sở thích cá nhân như ngồi nhâm nhi một ly rượu vang cùng bạn bè…Anh Sáu Khải biết tất cả những tính cách đó của tôi, và anh tôn trọng chứ không ép tôi vào khuôn khổ giống như người khác. Vì anh hiểu, dù khác biệt, nhưng tôi đủ thông minh, đủ trung thành và biết làm việc.

Thời làm Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ, có một thời điểm tôi phải hứng chịu rất nhiều thị phi khi có nghi vấn tôi liên quan đến đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng trong vụ PMU18. Tôi bị báo chí và dư luận công kích. Để làm rõ việc này, cả Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chuyên án Bộ Công an cũng vào cuộc.

Nhưng anh Sáu Khải chưa một lần nào chất vấn tôi về chuyện đó hay tỏ ý nghi ngờ tôi. Anh vẫn giao việc cho tôi như ngày thường, vẫn thân tình với tôi trong cư xử. Vẫn xưng mày - tao những lúc chỉ có hai anh em.

Nhiều người ngạc nhiên về chuyện đó, nhưng riêng tôi thì biết lý do vì sao. Đó là câu chuyện tôi chưa bao giờ tiết lộ…

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 12.

Trước khi vụ PMU 18 xảy ra khá lâu, từng có một nữ doanh nhân rất giàu có và cũng có quen biết với anh Sáu Khải đã đến tận nhà tôi, nhờ tôi can thiệp vào một vụ đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam, một thương vụ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của bà. Bà mang theo một món quà lớn, nhưng tôi từ chối. Mọi chuyện cứ im lặng qua đi...

Đến tận 6-7 tháng sau, anh Khải mới nói với tôi: "Này Giao, bà ấy kể cho tao nghe về vụ đó. Bà ấy khen mày lắm. Tao nghe cũng thấy vui lây". Sau này kể cả khi đã về hưu, thi thoảng anh Sáu Khải vẫn nhắc lại câu chuyện đó, và tôi vừa cảm động, vừa tự hào, vì đã giữ được lòng tin của Thủ tướng trong suốt thời gian giúp việc cho anh ở Văn phòng Chính phủ. Có lẽ, niềm tin và sự thấu hiểu giữa chúng tôi đã được xây dựng từ chính những câu chuyện như thế. Thật ra tôi không giấu giếm rằng, với sự quen biết của tôi khi đó, thì tôi có thể gặp Bộ trưởng Bộ Công an, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, hay các cố vấn cấp cao như Nguyên TBT Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, để trình bày, giải thích cho mình. Nhưng tôi cũng rất tự tin vào bản thân mình, nên suốt cả thời điểm xảy ra vụ án PMU 18, tôi chỉ nói một lời với Ban Chuyên án: "Cứ điều tra, nhưng nhất định phải làm rõ trước Đại hội Đảng, vì tôi là đại biểu của Đại hội Đảng".

Không lâu sau đó, tôi được chứng minh là vô can trong vụ án Bùi Tiến Dũng. Tôi vẫn tiếp tục làm việc cho Thủ tướng. Năm 2006, anh Phan Văn Khải xin từ nhiệm sớm trước một năm. Tôi ở lại làm việc ở VPCP , giúp việc thêm một năm cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rồi mới về hưu.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 13.

Tôi không bao giờ hỏi anh Sáu Khải lý do vì sao anh về hưu sớm, dù rất bất ngờ về quyết định đó. Có điều tôi chắc chắn rằng, nếu đã quyết định như vậy, thì một người như anh đương nhiên phải có lý do chính đáng, mà đó chắc chắn không phải là lý do sức khoẻ.

Về hưu, anh Sáu Khải quay trở lại Sài Gòn. Anh có căn nhà ở đường Tú Xương, nhưng anh dành phần lớn thời gian của cuộc đời hưu trí của mình ở trang trại ngoài Củ Chi. Có lần sau khi về hưu, tôi vào thăm anh ở Củ Chi, anh động viên tôi viết hồi ký.

Chân dung đặc biệt của “anh Sáu Khải” qua chuyện chưa kể của ông Đoàn Mạnh Giao - Ảnh 14.

Tôi nói: 

- Rất nhiều người khuyên em, vì em biết nhiều chuyện hay. Nhưng em sẽ không viết. Có điều nếu em viết, em sẽ viết một trường đoạn rất dài về anh. Trước đây, chúng ta luôn nói về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng nhiều người chưa thực sự hiểu rõ nội hàm của nó. Nhưng trong mắt em, chính phong trào xoá đói giảm nghèo mà anh làm, xuất phát từ những đốm lửa nhỏ ở Tp.HCM chính là cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang mơ ước xây dựng được. (Phong trào xoá đói giảm nghèo dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã đạt được nhiều thành công. Việt Nam được LHQ tuyên dương như một trong những nước đạt thành tựu thiên niên kỷ về công tác xóa đói giảm nghèo - pv).

Khi nghĩ đến anh Sáu Khải, tôi lại nhớ tới ba tôi. Ba tôi (cố Bộ trưởng Đoàn Trọng Truyến) làm việc dưới thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi còn nhớ buổi tối hôm Bác Hồ mất, cả nước chưa ai biết tin, tôi về nhà thăm ba, thấy ông đang ngồi khóc. Ông bảo Bác mất rồi con...

Sau này nhiều lúc thứ 7 về nhà ăn cơm, ba tôi hay xúc động khi nhắc về Bác Hồ. Ông hay nói đi nói lại một câu: "Con à, Bác mất rồi, nhưng chúng ta vẫn còn hy vọng, vì đất nước ta còn có ông Ba (ông Lê Duẩn), còn có ông Tô (ông Phạm Văn Đồng), còn có ông Thận (ông Trường Chinh), còn có ông Văn (ông Võ Nguyên Giáp)"...

Ba tôi vô cùng tôn kính lãnh tụ của mình. Nhưng tôi cũng hiểu, những lãnh tụ đó đã sống rất xứng đáng với sự tôn kính của toàn dân, trong đó có ba tôi. Hình ảnh đó đi theo tôi suốt cuộc đời.

Với tôi, anh Sáu Khải là một trong số ít những lãnh đạo bây giờ còn kế thừa được những phẩm chất lãnh tụ của thế hệ đó: Một người thực sự yêu dân tộc này, thương nhân dân này, cống hiến cho đất nước này với tất cả những gì mình có; là người lãnh đạo khiến cho những người dân và thuộc cấp như tôi đều kính trọng và cảm động.

Đoàn Mạnh Giao (Tô Lan Hương ghi)
Vinh Phú Hồ
Getty Images
Theo Trí Thức Trẻ17/03/2018