Chân dung CEO Asanzo - doanh nghiệp bị tố là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam

Pha Lê |

Cuối năm 2013, nhận thấy những thương hiệu tivi nổi tiếng chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, ông Phạm Văn Tam quyết định thành lập Asanzo.

Mấy ngày gần đây, thông tin cáo buộc sản phẩm của Tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng Việt. Từ một doanh nghiệp "vô danh tiểu tốt", Asanzo đã vươn lên top 3 thị trường điện tử Việt Nam. Có được điều này là nhờ công lao của ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo.

Ông Tam sinh năm 1980 tại Quảng Ninh. Sau khi học xong THPT, ông đã bươn trải khắp nơi kiếm tiền mà không đi học đại học. Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ít ai biết rằng ông Tam đã trải qua nhiều công việc như chụp ảnh, bưng phở, áp tải hàng, buôn linh kiện...

"Thời niên thiếu tôi có thể không học cao. Với tôi, kinh nghiệm trường đời là người thầy duy nhất" - ông Tam từng bộc bạch.

Trước đây, ông chủ Asanzo đi buôn và thấy việc kiếm tiền rất dễ, khá nhàn hạ. Tuy nhiên, trong đầu ông luôn nung nấu ý định xây dựng một thương hiệu để tạo ra giá trị để người khá nhìn vào thấy trân trọng, chứ không nhìn bằng con mắt đối với 1 kẻ đi buôn.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, ông Tam nhấn mạnh: "Lúc đó, tôi đang làm việc với một tập đoàn của Trung Quốc kinh doanh tại Việt Nam. Tôi chơi thân với mấy anh giám đốc người Việt ở bên đó.

Nhìn cách họ xây dựng thương hiệu, tôi thấy rằng không mang lại nhiều lợi nhuận như đi buôn, nhưng tạo ra giá trị, đi đâu cũng được cửa hàng trân trọng, khác một người đi buôn.

Người tiêu dùng, các cửa hàng biết tới thương hiệu, nhưng một người đi bỏ buôn linh kiện cho các công ty đó thì chả ai biết tới, không ai trân trọng. Trải qua thời gian tiếp xúc với cách làm của các tập đoàn, tôi thấy trân trọng họ.

Họ tạo ra giá trị thật sự cho bản thân, cho cả nhân viên. Khi đó, tôi nghĩ rằng, tại sao mình đã đạt tới mức độ đủ tiền để làm việc đó mà không ai trân trọng mình bằng một người đến từ tập đoàn. Ngoài ra, đi buôn còn nhiều bấp bênh chứ không được bền vững như xây dựng tập đoàn".

Chân dung CEO Asanzo - doanh nghiệp bị tố là hàng Trung Quốc đội lốt xuất xứ Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo

Tuy nhiên, việc kinh doanh không hề đơn giản và "dễ ăn". Khi lập doanh nghiệp đầu tiên, ông đã dốc toàn bộ vốn vào khởi nghiệp và thất bại Doanh nghiệp đóng cửa sau 1 năm. Không nản lòng, ông tiếp tục dốc sức lập doanh nghiệp thứ 2. Và đứa con của ông cũng "chết yểu" do không đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cuối năm 2013, nhận thấy những thương hiệu tivi nổi tiếng chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp, ông quyết định thành lập Asanzo – thương hiệu Tivi dành riêng cho người Việt. Asanzo đã tập trung sản xuất các loại tivi có kích thước tầm trung từ 21, 24 – 32 inch, tập trung vào phân khúc khách hàng ở nông thôn.

Bàn về cái tên của doanh nghiệp, ông Tam cho biết, đây chỉ là cái tên đặt ngẫu nhiên, ngoài ra, ông cũng nhấn thêm chút yếu tố nước ngoài vào để làm "mồi nhử" cho những người sính ngoại.

"Nhà tôi trước đây sống ở Móng Cái, giáp biên giới Trung Quốc. Tên Tam của tôi xuất phát từ tiếng Trung Quốc, đọc là "san" và mọi người thường gọi là "A San" (A Tam). Khi vào Sài Gòn, người ta hay nói là làm ăn "vô mánh", nên tôi lấy tôi lấy từ "vô" (phát âm giống "zo") và ghép thành Asanzo.

Trước đó, tôi đã nghĩ tới nhiều cái tên. Nhưng tôi đặt tên này bởi vì theo tập quán của người Việt, khi lấy tên thuần Việt quá cho một sản phẩm điện tử, chưa chắc anh đã thắng. Với tâm lý sính ngoại của người Việt, bắt buộc phải lấy cái tên có chút yếu tố nước ngoài", ông chia sẻ.

Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần.

Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty cán mốc hơn 2.500 tỷ đồng. Năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017.

Với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu lên 10.000 tỷ đồng trong năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại