Luật sửa đổi này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Không kiêm nhiệm chức danh
Thời gian qua đã xảy ra rất nhiều đại án ngân hàng, liên quan tới việc sở hữu chéo giữa các TCTD và doanh nghiệp, trường hợp đại án Ocenbank là một ví dụ điển hình.
Theo khoản 4 điều 34 của Luật các TCTD sửa đổi quy định chức danh Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác..
Trước đó, Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã quy định, thành viên HĐQT, thành viên HĐTV của TCTD không được đồng thời là người quản lý của TCTD khác, trừ trường hợp tổ chức này là công ty con của TCTD đó hoặc là thành viên Ban kiểm soát của TCTD đó.
Ngoài ra, Trưởng Ban kiểm soát của TCTD không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát, người quản lý của TCTD khác…
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng, với quy định mới của Luật, nhiều lãnh đạo ngân hàng sẽ phải lựa chọn từ nhiệm khỏi ngân hàng hoặc doanh nghiệp do mình đứng đầu. Có thể kể đến ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank và Tập đoàn DOJI, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Seabank và Tập đoàn BRG, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB và Tập đoàn T&T, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank và Tập đoàn Geleximco, ông Võ Quốc Thắng Chủ tịch HĐQT KienLong Bank và Tập đoàn Đồng Tâm…
Có ý kiến cho rằng quy định của Luật là quá chặt, sẽ tác động lớn đến thực trạng vừa quản lý, điều hành TCTD và doanh nghiệp khác hiện nay.
Tuy nhiên, với các chức danh kiêm nhiệm, thời gian qua đã phát sinh những hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng và an toàn hệ thống. Quy định của Luật nhằm thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch, phòng chống rủi ro cho cả hoạt động tín dụng và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chặt “vòi bạch tuộc” sân sau
Giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rất sớm về tác hại của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Mặc dù quy định hiện hành yêu cầu các TCTD không được rót vốn cho các doanh nghiệp mà cổ đông lớn đứng tên, nhưng thực tế có không ít các chiêu thức được áp dụng, dưới nhiều hình thức khác nhau: Sở hữu cổ phiếu thông qua các công ty con, đứng tên cá nhân, tổ chức khác… Tuy nhiên với bước tiến mới được tách bạch và không kiêm nhiệm, một lần nữa cho thấy quyết tâm của NHNN trong việc “chặn cửa” sở hữu chéo tại các TCTD và doanh nghiệp hiện nay
TS.Nguyễn Xuân Thành-Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, việc ngân hàng sở hữu chéo với số lượng cổ phần lớn là vi phạm đến nguyên tắc công khai minh bạch dẫn đến khó quản lý dòng vốn, ngân hàng lợi dụng sở hữu để liên kết nhằm thao túng thị trường gây không ít rủi ro với khách hàng. Sở hữu chéo dễ dẫn đến việc ngân hàng này sử dụng tài sản của ngân hàng kia hoặc ngược lại, khi tài sản biến động gây nên dư nợ bất thường, khó phân biệt để quản lý.
Thị trường cũng từng có những trường hợp lãnh đạo ngân hàng kiêm luôn lãnh đạo doanh nghiệp bên ngoài thâu tóm doanh nghiệp khác. Sau đó, ngân hàng tài trợ vốn cho một loạt dự án của doanh nghiệp này. Để đảm bảo đúng quy định, doanh nghiệp sau đó đã chuyển nhượng vốn cho một doanh nghiệp khác.
Có thể nói, quy định mới này không những là tiếng chuông cảnh tỉnh, mà còn có tác dụng răn đe rất lớn, góp phần làm trong sạch và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Khi giảm thiểu các quan hệ tín dụng thân hữu, đồng vốn mới thực sự chảy vào các khu vực cần vốn của nền kinh tế và có thể tạo ra giá trị thật thay vì tạo ra bong bóng tài sản như trước đây…