Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như thế tại kết luận về việc tiếp nhận ô tô do doanh nghiệp (DN) tặng, theo Thông báo số 127 của Văn phòng Chính phủ, được Chinhphu.vn đăng ngày 13-3.
Không nhận xe DN hoạt động trên địa bàn tặng
Thông báo nêu rõ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Chính phủ đã thống nhất, yêu cầu chấm dứt ngay việc các địa phương, cơ quan nhà nước nhận xe biếu, tặng của các DN, đặc biệt là các DN có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đối với việc tặng quà, nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 64/2007 của Thủ tướng.
Để tránh xảy ra tiêu cực, thông qua hình thức nhận quà biếu, tặng từ DN cũng như tránh thất thoát tài sản nhà nước dưới hình thức miễn thuế đối với các xe nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chấm dứt việc tiếp nhận ô tô của DN biếu, tặng.
Việc trang bị ô tô phục vụ cho công tác thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng.
Theo quyết định này, bí thư tỉnh ủy các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND TP, chủ tịch UBND TP, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách của TP Hà Nội, TP.HCM… được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỉ đồng/xe…
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương (như văn phòng tỉnh ủy, văn phòng HĐND, văn phòng UBND, các sở, ban, ngành và các tổ chức tương đương)… được trang bị tối đa hai ô tô/đơn vị với giá tối đa 720 triệu đồng/xe.
Hai chiếc xe Toyota Land Cruiser VX do DN tặng cho Nghệ An vẫn chưa được trả lại. Ảnh: ĐẮC LAM
Tiếp tục làm rõ, có sai phạm sẽ xử nghiêm
Cũng tại kết luận này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát tổng số ô tô dư thừa để điều chuyển cho các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ công tác được giao.
Bộ này cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ việc các bộ, ngành và địa phương tiếp nhận, sử dụng ô tô do các DN tặng.
Trường hợp phát hiện có sai phạm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan và xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-4.
Bên cạnh đó, rà soát tất cả ô tô do cơ quan, nhà nước thanh lý để bảo đảm việc thanh lý xe thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về quản lý, trang bị tài sản công để bổ sung, sửa đổi theo nguyên tắc bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công.
Đồng thời khắc phục được những tồn tại hạn chế từ việc các cơ quan nhà nước nhận tài sản (trong đó bao gồm cả ô tô) do các DN biếu, tặng như phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an rà soát để thu hồi ngay biển số xe đối với những xe các cơ quan nhà nước đã thanh lý; báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng biển số xe.
Bộ này cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về việc đấu giá biển số ô tô. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2017.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Quốc phòng rà soát, thu hồi biển số xe đã cấp cho các DN hoạt động kinh tế, không liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng.
Bộ Tài chính lý giải giá ô tô công thanh lý chỉ hơn 46 triệu đồng/xe
Sau khi Bộ Tài chính đưa ra thông tin ô tô công thanh lý có giá bình quân 46,2 triệu đồng/chiếc tại cuộc họp báo ngày 8-3, nhiều người đặt vấn đề về giá thanh lý xe công. Chiều 13-3, Bộ Tài chính đã phản hồi về vấn đề này.
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết Điều 26 Nghị định số 52/2009 của Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc thanh lý tài sản (trong đó có ô tô công - bán hoặc tiêu hủy) thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh.
Sau khi hoàn thành việc thanh lý, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo về Bộ Tài chính để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Theo các quy định trên đây, Bộ Tài chính chỉ thực hiện trách nhiệm tổng hợp số liệu từ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương.
Về tổ chức thực hiện thanh lý ô tô, Bộ Tài chính cho biết căn cứ báo cáo của các bộ, ngành và các địa phương cập nhật từ ngày 1-1-2016 đến ngày 6-3-2017, Bộ Tài chính đã tổng hợp được 761 ô tô mà các bộ, ngành và địa phương báo cáo đã thanh lý, tổng số tiền thu được là 35,15 tỉ đồng.
Qua rà soát, số liệu tại báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính thấy rằng hiện có 90 xe đã được báo cáo thanh lý nhưng chưa có thông tin báo cáo số tiền thu được về Bộ Tài chính; 17 xe được báo cáo đã thanh lý (trong đó có chín xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, tám xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề), không thu được tiền; 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) với tổng số tiền thu được là 5,4 tỉ đồng.
Vì vậy, theo Bộ Tài chính nếu chia bình quân số xe thanh lý/tiền thu được ra kết quả 46,2 triệu đồng/xe mới chỉ là thông tin ban đầu, chưa phản ánh đầy đủ việc thanh lý tài sản là ô tô công.
• Ngày 3-3, Cà Mau đã trả lại hai ô tô Lexus (3,1 tỉ đồng/xe) cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý.
• Ngày 4-3, Đà Nẵng cũng đã trả xe Toyota Avalon (giá 1,3 tỉ đồng) biển số 43A-299.99 cho DN tặng.
• Riêng Nghệ An vẫn chưa có quyết định trả lại hai chiếc Toyota Land Cruiser VX (giá mỗi chiếc hơn 2,7 tỉ đồng). Hai xe do Công ty Đầu tư và Xây dựng Tuấn Lộc (TP.HCM) và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4, Hà Nội) tặng.