Chậm chân, IL-112V Nga để "vuột" khách hàng thân thiết KQ Việt Nam vào tay Airbus C-295

Bình Nguyên |

Cũng như KQ Việt Nam, Nga sốt ruột tìm kiếm dòng máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ để thay thế đội bay An-26 đã già cỗi của mình. Tiến độ phát triển máy bay IL-112V quá chậm.

Tiến độ chậm

Hôm 13/01/2018, Công ty cổ phần sản xuất máy bay Voronezh (tên viết tắt VASO, một thành viên của UAC - Liên hợp Chế tạo máy bay Thống nhất Nga) cho biết họ đang tiến hành sản xuất thêm 2 chiếc máy bay vận tải quân sự IL-112V để phục vụ cho công tác thử nghiệm.

Được biết, chiếc IL-112V mẫu đầu tiên (số hiệu nhà máy 01-01) dùng để bay thử cũng như chiếc thứ 2 (số hiệu nhà máy 01-02) dùng để thử nghiệm tĩnh.

Trong thông cáo báo chí mới nhất của mình, VASO cũng đính kèm các bức ảnh cho thấy chiếc IL-112V mẫu đầu tiên (01-01) đã gần như được hoàn thành, còn chiếc thứ 2 (01-02) phục vụ thủ nghiệm tĩnh cũng đã thấy rõ hình hài nằm ngay phía sau đó.

Theo thông tin không chính thức, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mẫu 01-01 đã được lên kế hoạch vào quý 2/2018.

Trước đó, vào tháng 8/2016, mô hình tỷ lệ 1:5, sải cánh 5,3m với trọng lượng 300kg của IL-112V đã được Viện khí thủy động lực học Trung ương (TsAGI) tiến hành thử nghiệm trong đường hầm gió cận âm ở tốc độ gió lên đến 650 km/h.

Dựa trên kết quả thử nghiệm, các chuyên gia của TsAGI đánh giá và điều chỉnh thiết kế nhằm tối ưu hóa tính năng kỹ - chiến thuật của dòng máy bay này.

Chậm chân, IL-112V Nga để vuột khách hàng thân thiết KQ Việt Nam vào tay Airbus C-295 - Ảnh 1.

Chiếc IL-112V mẫu đầu tiên dùng để bay thử cũng như chiếc thứ 2 dùng để thử nghiệm tĩnh đang được hoàn thiện.

Để vuột khách hàng thân thiết Việt Nam vào tay C-295 của Airbus

Máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ Il-112V được thiết kế cho các nhiệm vụ như vận chuyển vũ khí, binh lính, hàng hóa thông thường và nhẽ ra, theo kế hoạch ban đầu thì nó đã phải được bay thử từ năm 2011 để sau đó sản xuất chừng 70 chiếc để thay thế các máy bay An-24 và An-26 đang ở cuối vòng đời của không quân vận tải Nga.

Tuy nhiên mọi việc không hề suôn sẻ. Vào tháng 11/2011, Bộ Quốc phòng Nga quyết định đình chỉ dự án chế tạo IL-112 và thay vào đó là đặt mua 7 chiếc Antonov An-140T.

Phải mãi tới năm 2013, Bộ trưởng BQP Nga Shoigu mới quyết định khởi động lại dự án này. Tháng 8/2013, ông Viktor Livanov - Tổng công trình sư của Ilyushin xác nhận Dự án IL-112 đang được đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chế tạo.

năm 2015, UAC dự kiến nửa đầu năm 2017, những chiếc IL-112 sản xuất loạt đầu tiên sẽ được xuất xưởng nhưng đến nay (2018) thì nguyên mẫu còn chưa hoàn thiện chứ đừng nói đến bay thử.

Như vậy là, IL-112 đã chậm mất 7 năm quý giá và để vuột mất một số khách hàng, trong đó có Không quân Việt Nam.

Ngay từ đầu những năm 2010, trước tình hình đội bay An-26 - xương sống của không quân vận tải Việt Nam đang ngày càng già cỗi, nhu cầu tìm kiếm dòng máy bay để thay thế ngày càng bức thiết, nếu IL-112V xuất hiện đúng thời điểm, có lẽ nó sẽ được Không quân Việt Nam cân nhắc đặt mua.

Bởi lẽ, Không quân Việt Nam vốn đã rất quen thuộc với các dòng máy bay Nga, trong đó có máy bay vận tải mà điển hình là đội bay An-26 được đánh giá là hoạt động khá tin cậy, ổn định, vận hành dễ dàng. Nếu chuyển loại lên IL-112V chắc chắn không gặp vấn đề gì lớn và giá thành máy bay Nga thường là "mềm" hơn so với cùng loại của phương Tây.

Nhưng đáng tiếc, IL-112V đã quá chậm chân, Không quân Việt Nam chẳng thể chờ lâu hơn, trong khi trên thị trường lại có quá nhiều lựa chọn. Cuối cùng máy bay vận tải quân sự hạng nhẹ C-295 của Tập đoàn Airbus đã được "chấm" khi Việt Nam ký hợp đồng đặt mua 3 chiếc vào năm 2013 và tiếp nhận đủ vào năm 2015.

Chậm chân, IL-112V Nga để vuột khách hàng thân thiết KQ Việt Nam vào tay Airbus C-295 - Ảnh 2.

Máy bay vận tải quân sự C-295 của Không quân Việt Nam. Ảnh: Báo PK-KQ.

Tại thời điểm đó, C-295 là lựa chọn hoàn hảo cho dù giá thành không rẻ (SIPRI ước tính khoảng trên 30 triệu USD/chiếc) vì nó được Không quân nhiều nước đánh giá cao với hơn 100 chiếc đã được đặt mua.

Cùng kích thước với An-26 nhưng C-295 sở hữu tính năng kỹ - chiến thuật vượt trội hoàn toàn, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn và khí thải của ICAO, có tầm bay xa, tốc độ hành trình nhanh hơn, sức tải cao gần gấp đôi An-26, và nhất là khả năng cất, hạ cánh trên đường băng xấu lại ngắn, hẹp.

Đồng thời, C-295 lại được sử dụng làm khung thân cho nhiều loại vũ khí trang bị khác để trở thành những phiên bản như máy bay tuần tra săn ngầm, máy bay tiếp dầu trên không, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không.

Và trong tương lai, khi điều kiện cho phép, có thể Không quân Việt Nam sẽ mua sắm những loại máy bay này, nếu dùng chung khung thân C-295 thì sẽ rất thuận tiện cho công tác huấn luyện, vận hành, bảo dưỡng, sữa chữa.

Hơn nữa, các hãng hàng không dân dụng Việt Nam sử dụng một số lượng lớn máy bay dân dụng do Airbus sản xuất và đều đánh giá cao các sản phẩm của nhà chế tạo máy bay hàng đầu thế giới này giúp Không quân Việt Nam tự tin hơn khi lựa chọn C-295 cũng như C-212.

Được biết, sau các hợp đồng 3 chiếc C-295 và 3 chiếc C-212 đầu tiên, Việt Nam lại tiếp tục tin tưởng Airbus khi đặt hàng thêm loạt máy bay mới.

Máy bay vận tải quân sự C-295M

Theo công bố của Ilyushin, IL-112V được trang bị 2 động cơ tua bin cánh quạt Klimov TV7-117SM có công suất cực đại 2.800 mã lực, chiều dài 24,5 m; chiều cao 8,89 m; sải cánh 27,6 m, trọng tải 5 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 21.000 kg, dung tích bình nhiên liệu 7.200 lít, tầm bay 2.400 km với 5 tấn hàng hóa trong khoang, độ cao hoạt động 7.600 m.

Il-112V yêu cầu đường băng dài 1.200 m, có khả năng tiếp cận hạ cánh ở những sân bay loại 2 theo phân loại của ICAO và hạ cánh thủ công tại những sân bay có trang thiết bị dẫn đường nghèo nàn, hoặc không có trang thiết bị vô tuyến.

Vận tải cơ Il-112V sẽ được lắp ráp hoàn chỉnh tại nhà máy sản xuất máy bay nằm ở thành phố Voronezh, cách thủ đô Moscow khoảng 400 km về phía Nam, các thành phần khác sẽ đến từ Aviakompozit, Aviastar-SP, Aviaagregat và CAPO-Composite.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại