Bạn nói gì khi nói về mua sắm online? Nhanh, dễ dàng và "bao tiện" đúng không? Điều đó chính xác... là những gì các nhà bán lẻ muốn chúng ta nghĩ về họ!
Cũng giống như các cửa hàng truyền thống, bất kì website bán hàng online nào cũng muốn khách hàng truy cập nhiều hơn, mua hàng nhiều hơn. Và họ không hề ngồi chờ điều đó xảy ra mà chủ động can thiệp bằng những mẹo dưới đây - đơn giản nhưng hiệu quả bất ngờ!
Bạn đã lỡ sa chân vào bao nhiêu "cái bẫy" rồi?
1. Các website chăm sóc bạn như khách quý?
Bằng cách tung ra những ưu đãi trong mơ, các trang web thường khiến người dùng vui vẻ đăng ký chương trình thành viên. Một khảo sát từ PriceWaterhouse Coopers cho biết 91% người mua hàng online là thành viên thân thiết của 1 trang web nào đó.
Dĩ nhiên, bạn sẽ hưởng lợi từ việc này. Nhưng khi đã là thành viên, bạn cũng bỏ ra nhiều thời gian lẫn tiền bạc hơn cho web mua sắm đó.
Khi trang web càng tung ra nhiều sự chăm sóc như giảm giá sâu, khuyến mại đặc biệt, tặng ưu đãi vào ngày sinh nhật... sẽ khiến ta cảm giác được đối xử đặc biệt, đầy tính cá nhân.
Và bạn sẽ ra sức tận dụng "quyền lợi" đó mặc kệ túi tiền đang gào khóc!
2. Một lời "nhắc nhở" nhẹ khi bạn bỏ hàng vào giỏ mà chưa thanh toán?
Nếu bạn đã cho sản phẩm vào giỏ hàng mà chưa thanh toán, các trang web sẽ nhắc nhở bằng cách hiện quảng cáo hay thông báo trong tài khoản mua sắm cá nhân.
Thậm chí nếu bạn đã đăng ký thành viên, họ có thể còn gửi coupon giảm giá về email để giúp bạn chốt luôn đơn hàng.
Với "chiêu" này, rất nhiều người đã chuyển từ đắn đo sang hành động. Vì sao à?
Đơn giản là vì trước đó bạn đã có ý định mua hàng rồi, giờ bạn chỉ cần thêm động lực như một cú giảm giá nhẹ nữa thôi!
3. Những sản phẩm hiển thị đầu tiên là đồ cần "đẩy" đi nhanh
Nhưng không phải lúc nào món đồ hiển thị đầu tiên trong danh sách cũng là những món phổ biến nhất. Đó có thể là những món đồ nhà bán lẻ cần đẩy đi cho nhanh.
Họ biết rằng khách hàng online bận rộn, dễ chán nản và tin tưởng vào sự đề xuất của trang web.
Vậy nên những món đồ hiển thị ngay trang đầu tiên có cơ hội được mua cao hơn nhiều, thật đúng ý nhà bán lẻ.
4. Cố mua thêm để được giao hàng miễn phí
Trang web nào cũng đặt ra 1 ngưỡng để khách được giao hàng miễn phí. Dưới mức đó, bạn phải trả tiền ship. Mà theo thống kê, đa số khách hàng thường cố mua thêm đồ (dù không thực sự cần thiết) chỉ để được miễn phí vận chuyển.
5. Các bước thanh toán cực kỳ dễ dàng, thuận lợi
Khi đăng ký thành viên và cung cấp thông tin từ trước, việc thanh toán chỉ còn cách bạn 1 cú nhấp chuột.
Nhà bán lẻ lại rất thích điều đó, vì khách hàng sẽ dễ dàng đặt hàng lại hơn (với những món cần mua định kỳ như văn phòng phẩm, thực phẩm...). Mặt khác, đặt hàng càng nhanh lại càng hạn chế nguy cơ bạn cân nhắc lại và không muốn mua nữa.
6. Và lí do của việc thay đổi giá xoành xoạch là...
Đây gọi là chiến lược "định giá năng động" (dynamic pricing). Theo đó, đôi khi mức giá được nhà bán lẻ thay đổi tùy theo người mua, thời điểm và thiết bị bạn đang truy cập.
Bằng cách theo dõi lịch sử duyệt web, họ biết hành vi mua sắm của bạn ra sao. Từ đó, họ sẽ đưa ra mức giá phù hợp nhất mà lại có thể tùy chỉnh linh hoạt.
Ví dụ như chiếc lò vi sóng bạn xem buổi sáng ở công ty có thể có mức giá khá cao, nhưng ban đêm, khi bạn xem lại bằng máy tính bàn ở nhà thì giá lại "nhỏ xinh" hơn nhiều!
Ngoài ra còn có 1 "chiêu" khác, được gọi là "chiến lược neo giá". Theo đó, sẽ có những món đồ đắt 1 cách khó hiểu mà ít ai dám mua. Vai trò của chúng chỉ là... để so sánh, khiến bạn "dễ dãi" với các món đồ có giá hợp lí hơn mà thôi.
7. "Hay là cứ mua trước đã, không thích thì đổi trả..."
Ý nghĩ này nghe có quen thuộc không? Nhưng đúng là chính sách đổi trả của cửa hàng online thường rất phóng khoáng.
Đó là vì 2 mục đích sau:
- Thứ nhất, bạn dễ phân tâm vào điều khoản đổi trả mà quên lãng đi các món hàng chen chúc trong giỏ kia kìa.
- Thứ nhì, nếu bạn dành nhiều thời gian nghiên cứu điều khoản, bạn sẽ không muốn đổi trả làm gì nữa, vì dù có đơn giản thì cũng tốn thêm công sức. Trong khi bạn mua hàng online vì tính tiện lợi cơ mà.
Ở khía cạnh người mua hàng, bạn đừng quên là điều khoản đổi trả không chỉ phục vụ khách hàng mà còn giúp website bán đắt hàng hơn nữa.
Tạm kết
Một khi đã chìm đắm trong việc mua sắm online thì khó mà có thể "cai nghiện" được. Bởi chỉ cần chiếc điện thoại có nối mạng thì dù ở đâu, khi nào, với ai bạn cũng có thể mua sắm.
Chắc ai đó sẽ cần ra đảo mới hết nghiện mua hàng online
Nhưng tỉnh táo lại đi, nếu bạn muốn tiết kiệm thì hãy lên danh sách những món cần mua và hoàn thành vừa đủ chúng. Những món đồ khác - dù đắt hay rẻ - cũng góp phần làm bạn "cháy túi" lúc nào không hay đấy!
Nguồn: Business Insider