Hành động đáng trân trọng của bầu Đức, của Hữu Thắng
Sau thất bại 0-3 trước U22 Thái Lan, mạng xã hội bắt đầu "nhai lại" những đường dẫn cũ, với tuyên bố của Bầu Đức "Không vô địch SEA Games, hãy gọi tôi là Đức nổ". Tất nhiên, cũng có người khai quật cả lời tuyên bố của chính ông chủ phố núi cách đây mấy năm, khi giới thiệu lứa Công Phượng "đây là thế hệ vô địch SEA Games và sẽ tham dự World Cup".
Bây giờ, ông Đức đã rút khỏi VFF. Đó là một hành động đáng trân trọng của một người đàn ông. Dù yêu mến hay ghét bỏ ông Đức đi nữa, dẹp một bên thứ cảm tính vị kỷ ấy đi, ta phải thừa nhận rằng "số người đã nói là làm; số người dám từ bỏ một cái ghế để gánh trách nhiệm về mình ở xã hội ta bây giờ quá hiếm". Ông Đức đã hành xử đáng nể như thế.
Dĩ nhiên, sẽ vẫn có người đưa ra thuyết âm mưu rằng ông Đức cũng ngán VFF lắm rồi và muốn rút nhưng không có cớ rút. Nhận định tình hình bóng đá nam SEA Games, ông tuyên bố một cú hoành tráng trước đó để khi rút là rút trong danh dự, với tư thế ngẩng cao đầu.
Âm mưu thì âm mưu. Âm mưu của ai nghĩ ra thì người ấy giữ. Trước tiên, phải cảm ơn và ghi nhận ông Đức cái đã. Có ai dám làm được như ông?
Ai dám làm và làm được như bầu Đức?
Hữu Thắng cũng nói lời chia tay ĐTQG, mà nói đúng hơn là Hữu Thắng chia tay trước khi Bầu Đức tuyên bố rút VFF. Không làm được thì rút, ấy cũng là cái lẽ thường của người quân tử. Đầy người trong chúng ta chẳng làm được gì nhưng vẫn ngậm miệng nhận lương đấy thôi.
Và chính vì nhiều cái miệng ngậm tăm ấy nên xã hội này bức xúc ở đâu cũng sẵn, từ giáo dục tới y tế, từ văn nghệ tới thể thao.
Nhưng chuyện Hữu Thắng từ chức thì cũng chẳng nên đề cao quá mức bởi trong bóng đá, cái môn chơi mà hiệu quả nó thể hiện chình ình trên sân trước mắt cả triệu người, chuyện HLV từ chức là chuyện cơm bữa.
Dấn thân vào cái nghề phơi mình ra công chúng ấy, chẳng có ai mặt dầy đến mức thua mãi, thất bại hoài mà vẫn cố cắm rễ vào cái ghế lẽ ra không nên thuộc về mình nữa.
HLV Hữu Thắng đã xin từ chức (Ảnh D.A).
Nhưng khi bầu Đức kêu gọi một số cá nhân khác (không đích danh nhưng chắc nhiều người nhột) cũng nên rút khỏi VFF đi thì lại là chuyện khác.
Nếu hưởng ứng kêu gọi của ông, bóng đá Việt Nam sẽ sang một trang khác, chưa chắc đã sáng sủa hơn, nhưng ít ra còn có một biến động mang tính tiền lệ. Song, tập quán chung của xã hội này chưa chắc đã cho phép tiền lệ ấy xảy ra. Ối người trong VFF sẽ nghĩ rằng "chắc Ba Đức chừa mình ra".
Đến tin đồn Công Phượng tính chuyện giải nghệ...
Tất cả những chuyện ấy không đáng lưu tâm bằng chuyện có tin đồn Công Phượng lên facebook đặt ra câu hỏi "hay là giã từ sân cỏ?". Công Phượng cảm thấy có lỗi với người hâm mộ; Công Phượng cảm thấy còn nợ dai dẳng người hâm mộ một món nợ để đời? Và nếu thực sự có chuyện chàng trai chưa đầy 22 tuổi kia nghĩ đến chuyện không chơi bóng đá nữa thì sao?
Nếu Công Phượng không đá bóng nữa thì sao? (Ảnh: D.A).
Ở châu Âu bây giờ, xu hướng mới của các CLB là mua những cầu thủ dưới 24 tuổi, bởi họ có khả năng giữ giá hoặc thậm chí tăng giá trong tương lai. Vậy mà tại Việt Nam, một cầu thủ tài năng lại nghĩ đến giải nghệ ở tuổi 22 (vẫn là giả định nếu tin đồn kia không thất thiệt).
Đấy sẽ không phải kiểu hờn dỗi như Messi từng tuyên bố giải nghệ Argentina bởi Công Phượng ở vị thế khác, tâm thế khác. Đây là một dằn vặt thì đúng hơn.
Nếu đúng vậy, giải nghệ thì Công Phượng làm gì? Chắc cậu chưa nghĩ tới câu hỏi ấy và chúng ta cũng chưa nghĩ tới câu hỏi ấy. Bầu Đức cũng chưa chắc đã hỗ trợ cho cậu một cửa hàng gỗ như từng làm với Hữu Đang hay những danh thủ HAGL xưa. Thời ấy xa rồi, qua rồi và lạc hậu rồi.
Nếu không chơi bóng chuyên nghiệp, Công Phượng sẽ phải bắt đầu lại tất cả từ tuổi 22, không một nghề chuyên môn nào khác trong tay để kiếm sống.
Tất nhiên, mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình và Công Phượng, ở tư cách người đàn ông trưởng thành, phải chịu trách nhiệm khi tự cậu lựa chọn bóng đá ngày nào. Nhưng điều đó cũng không thể xoá nhòa trách nhiệm của những người lớn, mà Bầu Đức là một điển hình.
U22 Việt Nam vừa yếu tinh thần vừa yếu thể lực trước U22 Thái Lan (Ảnh: D.A).
Bầu Đức tự hào về lò đào tạo của mình, với công nghệ Arsenal, nhưng khi nhìn U22 Việt Nam, với 6/11 cầu thủ là con cưng của ông, chơi tụt hơi sau 60 phút thi đấu thì chúng ta phải đặt lại dấu hỏi về công nghệ đó.
Tại sao nó không thể tạo ra những cầu thủ có thể lực đủ để chơi chuyên nghiệp trong khi ước mơ của ông chủ là xuất khẩu cầu thủ sang những thị trường đòi hỏi khắc nghiệt hơn.
Đừng đổ lỗi tại thể chất người Việt. Thể chất người Việt có thua thiệt đi nữa thì cũng không phải là không thể cải thiện nền tảng thể lực, nhất là khi những cầu thủ được vào lò công nghệ hàng đầu từ tuổi lên mười. Mà đọ sức với Indo, Thái chứ có phải với người phương Tây đâu. Thế mà cứ sau phút 60 là những đôi chân đã bắt đầu rệu rã.
Lứa Công Phượng có tin tưởng bầu Đức không? Chắc chắn là tin tưởng tuyệt đối, với hi vọng bầu Đức không chỉ giúp họ đổi đời đơn thuần mà còn có thể đi xa hơn nữa khỏi tấm bản đồ bóng đá hình chữ S.
Họ muốn thấy mình thực tế trong giấc mơ tuổi thơ, qua sóng truyền hình, với những Beckham, Rooney, Henry, Ronaldinho… Họ muốn được chơi bóng để vươn tầm thế giới, như chính bầu Đức và ông Lê Hùng Dũng từng nói về giấc mơ World Cup trong tầm tay.
Trên mình Công Phượng có xăm hình phượng hoàng lửa vùng lên từ đám tro tàn. Phượng hoàng cháy lên để hồi sinh, hay con phượng hoàng này tắm tro của con phượng hoàng kia để sống một đời lâu dài, dũng mãnh, trên tầm cao, là một ẩn dụ trong văn hoá Tây Phương.
Vậy thì chủ nhân của hình xăm con phượng hoàng lửa kia chắc chắn không thể nghĩ đến chuyện vùi luôn sự nghiệp và giấc mơ dang dở của mình vào đống tro tàn.
Hãy ngẩng đầu lên mà tiến về phía trước, Công Phượng ạ (Ảnh: D.A).
"Trèo lên đỉnh núi Thiên Thai/ Thấy chim loan phượng ăn xoài bể Đông". Đó là một câu trong Lý Thiên Thai, dân ca quan họ Bắc Ninh, mà sau này Nguyễn Phan Hách lấy cái tứ ấy để đưa vào bài thơ của mình. Bài thơ đó, Nguyễn Trọng Tạo phổ thành ca khúc nổi tiếng Làng quan họ quê tôi với câu hát ít người hiểu thấu "Những năm bom Mỹ thả, loan phượng vẫn ăn xoài".
Khó khăn đến mấy, con chim phượng vẫn phải ở tầm cao của mình. Công Phượng ạ, em đừng buồn nữa. Lỗi chẳng phải của mình em. Đá hỏng 1 quả phạt đền là chuyện siêu sao nào cũng dính phải. Và em có đá tốt quả phạt đền đó, chúng ta cũng chẳng đổi thay được gì.
Em dám chịu trách nhiệm bằng lời tạ lỗi người hâm mộ là đủ. Lúc này là lúc của người có trách nhiệm lớn hơn, của những anh, những chú, những bác, những người từng vỗ tay tung hô em đấy nhưng bây giờ ngậm tăm chả nói gì.
Công Phượng ôm mặt tiếc nuối sau khi đá hỏng penalty trước U22 Thái Lan
May mắn thay, những đồn đoán chuyện Công Phượng treo giày kia chỉ là tin thất thiệt. Nhưng hẳn Phượng cũng đang trong một tâm trạng rất chán nản, có thể nói là chán nản nhất trong sự nghiệp của mình.
Những lời chia tay mới được tung ra thôi, chúng ta đã nhận diện xong diện mạo bóng đá Việt Nam rồi. Mà một trong những diện mạo rõ nét nhất chính là chuyện để đám trẻ phải chịu trách nhiệm thay cả người lớn.
Nên nhớ, ngay cả những tung hô quá mức, đánh bóng quá mức, tạo ra ảo tưởng quá mức cho đám trẻ cũng là lỗi của người lớn chứ không phải do tự chúng tạo ra cho mình.
Trong điển tích thánh kinh của người Do Thái, con phượng hoàng là loài chim thú duy nhất không đi theo Adam khi ông bị trục xuất khỏi vườn địa đàng. Và Bầu Đức, Hữu Thắng hay bất kỳ quan chức bóng đá nào cũng chẳng xứng tầm Adam của bóng đá Việt Nam.
Thế thì những chim phượng U22 ơi, các em việc gì phải bận tâm đến chuyện mình có nên theo chân Adam hay không trong cuộc di dời của họ khỏi địa đàng bóng đá???