Cha “thiên vị” bán căn nhà hơn 10 tỷ cho anh cả với giá 350.000 đồng, 2 em "tay trắng" liền kiện đòi quyền thừa kế tài sản: Tòa án ra phán quyết bất ngờ

Ánh Lê |

Dù được cha mẹ để lại nhà cho mình, người đàn ông Trung Quốc vẫn không được thừa kế trọn vẹn căn nhà vì 1 lý do.

Món quà của người cha

Vợ chồng ông Lý ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, có 3 người con. Tuy có gia cảnh khó khăn nhưng cả 3 đều học hành rất tốt. Đặc biệt, con trai cả của ông Lý còn thi đỗ vào trường đại học trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, vì gia đình không đủ khả năng chi trả tiền học phí cho cả 3 nên người con cả hiểu chuyện đã quyết định nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ và nuôi các em.

Sau nhiều năm, dưới sự hỗ trợ của anh trai, con trai thứ 2 và con gái út của ông Lý cũng tốt nghiệp đại học và tìm được công việc lương cao. Lúc này, người con cả sau nhiều năm ở xứ người cũng trở về quê nhà, mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ để ổn định cuộc sống cũng như đảm nhận trách nhiệm chăm sóc cha mẹ.


Thấy đứa con thông minh và học giỏi nhất lại có cuộc sống khó khăn nhất, vợ chồng ông Lý rất xót xa. Vì vậy, họ quyết định sau này sẽ giao lại tài sản duy nhất là căn nhà trị giá 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng) đang ở cho con trai cả để bù đắp.

Để tránh mâu thuẫn trong gia đình, sau khi vợ qua đời, ông Lý đã bán căn nhà đang ở cho con cả với giá 100 NDT (hơn 350.000 đồng) và làm thủ tục chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi con trai thứ và con gái út biết chuyện, họ cho rằng người cha thiên vị nên rất không vui. Con trai thứ cho rằng sau khi mẹ qua đời, căn nhà là tài sản thừa kế chung của người cha và 3 anh chị em trong nhà. Do đó, nếu người cha muốn bù đắp cho sự hy sinh của anh trai thì chỉ nên dùng tài sản riêng của ông chứ không được dùng tài sản chung này.

Cuối cùng, vì không hài lòng về hành động của cha cũng như không tìm được tiếng nói chung trong gia đình, con trai thứ và con gái út đã quyết định đưa cha và anh cả ra tòa để đòi lại phần thừa kế hợp lý.

Tòa án vào cuộc phân xử

Xem xét tình tiết của vụ việc, tòa án địa phương cho rằng ngôi nhà - tài sản thừa kế được nhắc đến do vợ chồng ông Lý mua trong thời kỳ hôn nhân nên được coi là tài sản chung của hai vợ chồng. Với tài sản chung này, khi người vợ hoặc chồng mất đi mà không để lại di chúc thì nó sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Nói cách khác, sau khi vợ qua đời, ông Lý sở hữu một nửa căn nhà. Nửa còn lại được chia theo di chúc hoặc theo luật thừa kế. Trong trường hợp này, ông Lý khai rằng trước khi qua đời, vợ chồng ông đã bàn bạc và thống nhất việc giao lại căn nhà cho con trai cả. Việc này tương đương với việc người vợ để lại di chúc miệng. 

Cha “thiên vị” bán căn nhà hơn 10 tỷ cho anh cả với giá 350.000 đồng, 2 em "tay trắng" liền kiện đòi quyền thừa kế tài sản: Tòa án ra phán quyết bất ngờ - Ảnh 2.

Tuy nhiên, theo pháp luật Trung Quốc, di chúc miệng chỉ có hiệu lực khi ngoài vợ chồng ông Lý còn có thêm một hoặc nhiều người khác chứng kiến. Ông Lý là người thừa kế hợp pháp tài sản của vợ nên không thể làm người chứng kiến. Vì vậy, tòa cho rằng di chúc miệng của vợ ông Lý không có giá trị pháp lý nên nửa căn nhà còn lại phải được chia theo quy định của pháp luật. Theo đó đến cuối cùng, tòa án ra phán quyết nửa ngôi nhà còn lại sẽ được chia thành 4 phần, ông Lý và 3 người con sẽ đều được hưởng phần tài sản thừa kế này.

Có thể thấy, mặc dù vợ chồng ông Lý muốn cho con trai cả ngôi nhà nhưng do không đủ điều kiện pháp lý nên hành động này không được pháp luật bảo vệ. 

Vụ kiện này sau khi được chia sẻ đã khiến dư luận địa phương xôn xao. Đa số dân cư mạng đều cảm thấy tiếc cho người anh cả. Rõ ràng, người anh này đã từ bỏ nhiều cơ hội để giúp đỡ các em của mình. Thế nhưng giờ đây, khi những người em đã có cuộc sống tốt hơn lại không cảm thấy biết ơn mà còn tranh giành tài sản với người anh của mình. 

(Theo 163.com)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại