Là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, chị Linh Phan đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu".
Hiện tại, chị cũng là người sáng lập dự án Raised Happy với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà.
Luôn quan sát cách ứng xử của những người xung quanh, chị Linh vì thế rất tôn trọng những cảm xúc cũng như suy nghĩ của con mình.
Từ đó, chị cũng muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình tới những bậc phụ huynh khác bởi những đứa trẻ hạnh phúc cũng giúp bố mẹ hạnh phúc.
"5 năm trước, một lần ăn sáng ở khách sạn trung tâm Oslo đã cho mình cơ hội chứng kiến một chuyện khiến mình nhớ mãi.
Một em bé khoảng 4-5 tuổi bê đĩa bánh mì từ khu buffet về bàn ăn nhưng bị vấp ngã và rơi cả đĩa cả bánh xuống sàn.
Cậu bé không có hề hấn gì nhưng đứng như phỗng, một lúc sau thì hơi mếu. Lúc này, ông bố đi lại bên cạnh, quỳ xuống, ôm con rồi xoa đầu một lúc lâu cho tới khi cậu bé bình tĩnh và hết khóc.
Lúc đó là khoảng 9h sáng, là giờ ăn sáng đông nhất và tất nhiên, có nhiều người đánh mắt qua nhìn 2 bố con.
Hồi đó cũng ở Nauy chưa tới 2 năm, nên sự việc đó khiến mình khá kinh ngạc. Bởi vì nó không giống như cách mình vẫn từng nhìn thấy trước đó.
Làm sao để một đứa trẻ không tự xấu hổ hay trách móc mình vì mình đã làm hỏng một thứ gì đó?
Tại sao không có ai mắng nhiếc, đay nghiến hay quát lớn "Hậu đậu"/ "Về bàn đi, khóc lóc cái gì?"/ "Sao có mỗi việc đơn giản thế mà con không làm được"/ "Đổ hết đồ ăn rồi, con suy nghĩ về việc mình làm đi"...
Tại sao không có ai rít lên, gầm gừ, nhăn nhó. Và cũng không có ai cố gắng giả vờ như không có chuyện gì xảy ra để tránh ánh mắt soi mói phán xét của những người xung quanh?
Chỉ đơn giản là đứa bé đang sợ hãi, buồn bã và bố cậu tới để an ủi, hỗ trợ, giúp con bình tĩnh lại.
Mình đã chứng kiến điều đó từ rất lâu trước khi mình thực sự học và nghiên cứu sâu hơn về 'gentle parenting' hay lý thuyết về sự gắn bó, về sự ôn hòa nhẹ nhàng trong cách tiếp cận con cái.
Sau này, khi quan sát phụ huynh và các thầy cô giáo khác ở Nauy, mình mới thấy đó là một hành động rất phổ biến.
Không có gì lạ khi họ ngồi xuống ngang hàng với con mình để nói chuyện, dù là ở vỉa hè, trong quán ăn, khu vui chơi...
Không có gì lạ khi họ ôm và vỗ về những đứa trẻ, nhìn vào mắt chúng khi nói. Tất cả chỉ để một đứa trẻ có cảm giác rằng: cảm giác của chúng là quan trọng, chúng đang được lắng nghe và an toàn.
Cách đây 2 ngày, khi Ốc xị mặt ra vì phải chia tay mẹ ở trường học. Thầy giáo đã tới ngồi xuống, ôm con và vỗ lưng rất lâu.
Đó không phải là lần đầu tiên các thầy cô của con làm như thế. Và đó cũng không phải người thầy đầu tiên làm như thế.
Nhưng khi chứng kiến, bất kể lần nào, mình cũng đều thấy có niềm vui và xúc động nhảy nhót quanh tim mình.
Tối qua trước khi ngủ, mình nói với con "Ốc này, đợt tới nếu mình chuyển nhà đi, con không còn học ở trường hiện tại nữa, con đừng buồn nhé". Bạn ấy trả lời "Không, con phải buồn chứ".
Mình mới giật mình. Đúng vậy, sao mình lại nói con đừng có buồn nhỉ. Buồn đâu phải là một cảm xúc xấu. Và làm cha mẹ đâu phải là chỉ ở bên con hay chấp nhận khi con là đứa trẻ vui vẻ?
Làm cha mẹ, phải giống như hình ảnh ông bố đã gắn chặt trong trí nhớ mình nhiều năm qua, là CHẤP NHẬN MỌI CẢM XÚC CỦA CON MÌNH.
Đôi khi chúng ta không để tâm vào những gì mình nói hay mình làm, vì hoặc là nghĩ rằng việc đó không quan trọng, không gây ảnh hưởng gì đâu.
Hoặc là vì chúng ta cũng đã từng được đối xử như vậy trong quá khứ và chúng ta làm nó như một thói quen.
Hãy hiểu rằng, làm cha mẹ có nghĩa là ở bên con, với tư cách một người đồng hành, hỗ trợ, đồng cảm, hướng dẫn. Kể cả trong những tình huống khó khăn nhất, và khi con trải qua những cảm xúc lớn lao nhất.
Không phải với tư cách một người ra lệnh, áp đặt, trách móc và khiến đứa trẻ ngầm hiểu rằng chúng sẽ chỉ được yêu nếu chúng ngoan ngoãn, vâng lời răm rắp hay vui vẻ."