1. Đừng quên hỗ trợ con cái trong cuộc sống
Dù nuôi dạy con tự lâp nhưng là cha mẹ, chúng ta cũng nên hỗ trợ con khi cần, sự hỗ trợ có thể là về tinh thần, cũng có thể là về tài chính và sự hỗ trợ cần phải công bằng với cả con trai và con gái.
Có những gia đình, khi con trai cần tiền mua nhà thì hỗ trợ hết mình, thậm chí còn bán tài sản để dồn tiền cho con nhưng đến khi con gái cần giúp thì lại ngó lơ. Điều này sẽ khiến con cái tủi thân, ganh tị vì bị phân biệt đối xử. Tình cảm của các thành viên trong gia đình cũng vì thế mà sứt mẻ.
2. Đừng cướp quyền kiểm soát cuộc sống của con
Con cái là cá thể riêng biệt, có quyền được tự quyết định cuộc đời mình. Khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể quyết định thay con, nhưng khi con trưởng thành, cha mẹ cần lùi về sau, có thể hỗ trợ, tư vấn. Đây là một quá trình tất yếu. Nếu cha mẹ can thiệp quá nhiều vào quá trình này, con không chỉ mất đi sự tự lập, trở nên nhút nhát, thiếu quyết đoán mà mối quan hệ cha mẹ - con cái còn bất hoà sâu sắc.
Đừng vì sợ con sai, sợ con vấp ngã mà giành hết quyền quyết định của con, kiểm soát cuộc sống của con từng ly từng tí. Con có thể sai, có thể phải chịu trách nhiệm vì hành động của mình nhưng thông qua việc tự quyết định, con bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, biết phân tích đúng sai, biết nhận định, dự đoán rủi ro, biết cân nhắc thành bại,... Đây đều là những điều sẽ giúp ích cho con rất nhiều trong công việc, cuộc sống riêng tư sau này.
3. Đừng gây tổn thương cho con cái
Trên thực tế, nguyên tắc đầu tiên trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là không gây tổn thương nhau. Tại sao một số đứa con sau khi trưởng thành lại quyết tâm đến thành phố khác sinh sống, làm việc, dù vất vả đến mấy cũng nhất quyết không chịu về nhà?
Bởi vì có thể con đang bảo vệ chính mình, không muốn tiếp tục bị gia đình tổn thương nữa. Nhiều cha mẹ có thể trách mắng con vô tâm, bất hiếu nhưng thực chất, điều gì cũng có nguyên do cả. Sự xa lánh của con cái có thể từ những hành vi quá đáng thường ngày của cha mẹ.
Đó có thể là những lời nói mắng mỏ, chê bai, so sánh con với "con nhà người ta", sự phủ nhận nỗ lực của con,... Những lời nói mà cha mẹ cho rằng chỉ đang "dạy dỗ" hay "nói cho con sáng mắt ra" giống như xát muối vào trái tim con và vô tình đẩy con ra xa cha mẹ.