Nhiều gia đình gặp phải cảnh tượng tương tự: Vừa thấy con vào nhà, cha mẹ đã vội vàng giục con ngồi vào bàn làm bài tập. Khi con ngồi xuống, phụ huynh lại chăm chăm giám sát, như thể đang theo dõi một "tù nhân" làm bài. Ban đầu, cha mẹ định đồng hành để hỗ trợ, nhưng rồi con lại viện cớ uống nước, đi vệ sinh, hoặc không tìm thấy bút, làm cho bố mẹ nổi nóng.
Thực ra, cha mẹ đồng hành cùng con là điều tốt, nhưng việc luôn chú ý sát sao khiến trẻ cảm thấy căng thẳng. Những bài vốn con làm được thì lại mắc lỗi, bài tập vốn chỉ cần 30 phút lại kéo dài đến tận 2 giờ vì suy nghĩ của trẻ bị chậm lại. Nguyên nhân chính khiến điều này xảy ra là vì cha mẹ đã rơi vào ba sai lầm sau đây:
Sai lầm 1: Không kìm chế được việc la mắng, quát tháo
Khi gặp bài toán đơn giản mà đã dạy con năm, sáu lần vẫn sai, nhiều cha mẹ không kìm được cơn giận, dễ dàng nổi nóng. Những cha mẹ có tính khí ôn hòa thì chỉ phàn nàn, đập tay lên bàn, nhưng những người nóng nảy có thể sẽ tát con một cái. Trong khi cha mẹ có thể xả được cơn bực, thì liệu có ai nghĩ đến cảm xúc của con? Sự tức giận này từ cha mẹ khiến trẻ trở nên lo lắng, sợ hãi, dẫn đến việc suy nghĩ bị rối, không nhớ được kiến thức đã học. Lâu dần, trẻ sẽ tự cho rằng mình là "đứa trẻ ngốc nghếch," mất đi sự tự tin và dần dần sẽ ngày càng kháng cự với việc làm bài tập.
Sai lầm 2: Quá chú tâm vào lỗi sai của con khi làm bài
Nhiều phụ huynh hay nhìn chằm chằm vào từng bước con làm bài, ngay khi thấy nét chữ cẩu thả hay bài bị sai là vội vàng sửa hộ, rồi lại trách móc: “Chẳng chịu tập trung gì cả,” “Lại sai rồi, lúc nào cũng phải sửa mãi”. Khi cha mẹ làm vậy, trẻ sẽ thấy căng thẳng và khó có được hứng thú học tập, dẫn đến việc tư duy trở nên chậm chạp, sợ viết sai, khiến tốc độ làm bài bị giảm đi rõ rệt.
Sai lầm 3: Liên tục thúc giục, càu nhàu
Khi thấy con làm bài chậm, cha mẹ thường đứng bên cạnh thúc giục, càu nhàu. Tuy nhiên, hậu quả của việc này lại là làm tăng thêm thói chậm trễ của trẻ. Càng thúc giục, trẻ càng lề mề, đến mức không tự giác khi làm bài.
Trên thực tế, việc cha mẹ giám sát quá chặt có thể là nguyên nhân khiến trẻ làm bài chậm và thiếu hiệu quả. Thay đổi cách thức đồng hành sẽ giúp con chủ động và hiệu quả hơn trong việc làm bài. Vậy cha mẹ nên làm gì để hỗ trợ tốt hơn?
Ở tiểu học rèn thói quen, cấp lớn hơn tập trung vào phương pháp
Khi trẻ còn học lớp nhỏ, cha mẹ nên chờ con làm xong bài rồi mới chỉ ra lỗi sai. Đừng chỉ rõ con sai chỗ nào ngay lập tức, mà hãy gợi ý để con tự suy nghĩ. Nếu cha mẹ làm thay quá nhiều, trẻ sẽ không tự suy nghĩ và dễ mắc lỗi lặp lại. Ở cấp nhỏ, điều quan trọng là rèn cho con thói quen làm bài cẩn thận.
Khi trẻ học cấp lớn hơn, thời gian và kiến thức phức tạp hơn, cha mẹ khó có thể giải quyết hết mọi bài. Lúc này, con cần có phương pháp học tốt, giúp xử lý công việc hiệu quả hơn.
Tạo không gian thoải mái cho con học
Khi cha mẹ ngồi bên cạnh trong tâm trạng lo lắng, con sẽ cảm thấy áp lực. Thay vào đó, hãy thử ngồi đọc sách hoặc làm việc trên máy tính cạnh con, tạo cảm giác học tập cùng nhau. Con sẽ học được từ sự tập trung của cha mẹ, và làm bài sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn thay vì phải đối diện với sự thúc giục.
Giúp con nâng cao năng lực học tập
Cha mẹ thường nói đi nói lại nhưng trẻ vẫn không hiểu, có thể phương pháp giảng dạy chưa phù hợp. Thay vì chỉ cho con cách giải một bài, hãy dạy con phương pháp giải đề hiệu quả, tìm những bài tập tương tự để con thực hành, rồi mới giải lại bài cũ. Khi con nhận ra mình có thể tự làm được, con sẽ cảm thấy tự tin hơn và dần hình thành thói quen học tập chủ động.