Theo Đông y, lá lốt có vị cay tính ấm có tác dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống); kháng viêm, chỉ thống (giảm đau). Còn thịt lợn, thịt nạc lợn (trư nhục) có vị ngọt, mặn, tính bình, vào kinh tỳ, vị, thận. Có tác dụng tư âm nhuận táo. Hai vị thuốc này kết hợp với nhau có vai trò bổ chính khu tà, ôn ấm cơ thể, nâng cao chính khí loại trừ tật bệnh.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu món ăn bài thuốc phòng trị đau nhức xương khớp từ chả lá lốt đơn giản, dễ làm để độc giả tham khảo:
Nguyên liệu: Thịt lợn vai 300g, lá lốt 20 - 30 lá, hành, hạt tiêu, gia vị dủ dùng.
Cách chế biến:
Thịt rửa sạch xay nhuyễn, lá lốt cắt cuống rửa sạch để ráo lấy một phần thái chỉ. Đem thịt, lá lốt (thái chỉ) ướp cùng hành, tiêu, gia vị đủ dùng. Trải úp từng lá lên một mặt phẳng (có thể dùng mặt thớt), xúc phần thịt xay vào giữa, cuộn tròn lại.
Cho dầu vào chảo, để lửa nhỏ cho tới khi dầu nóng. Cho chả vào rán nhỏ lửa cho tới chín vàng đều xếp vào đĩa đem ra ăn nóng với bún hoặc với cơm. Có thể ăn hằng ngày. Bài thuốc có tác dụng tư bổ can thận, ôn trung, tán hàn, thông kinh hoạt lạc, kháng viêm, hạ khí, chỉ thống (giảm đau).
Thích dụng cho những người mắc chứng tê bại chân tay, sưng đau các khớp hạn chế vận động do phong thấp kể cả gút. Ngoài ra còn có hiệu quả với các chứng bệnh như: yêu cước thống (đau lưng), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), trị nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu, cảm lạnh, sợ lạnh, lạnh tứ chi, huyết áp thấp, hay đổ mồ hôi chân…
Hiện nay nhân dân một số vùng nước ta cũng như vùng Hải Nam, Vân Nam (Trung Quốc) và Malaysia dùng độc vị lá lốt (50 -100g/ngày) luộc ăn hằng ngày hoặc hơ nóng lá lốt để chườm đắp trị viêm khớp cấp, mạn tính đặc biệt là gút. Ngoài ra người ta còn chế ra các chế phẩm khác nhau như nước ngâm chân, cao, cồn thuốc để phòng trị các bệnh: mụn nhọt, đau đầu, đau răng, viêm phế quản, lở loét, viêm miệng và dùng làm thuốc ra mồ hôi...
Xem thêm thông tin sức khỏe do Lương y Chu Văn Tiến tư vấn