Người ta thường nói: "Một người mẹ có thể nuôi mười đứa con, mười đứa con chẳng nuôi được một mình mẹ".
Đây là câu nói chứa đựng sự thật phũ phàng về chữ "hiếu" trong lòng không ít người hiện nay. Báo hiếu cha mẹ đã vất vả nuôi mình khôn lớn khó thế sao?
Câu chuyện của ông Trương ở Trung Quốc dưới đây một lần nữa khiến chúng ta phải suy ngẫm và nhìn nhận lại về việc chăm sóc và báo hiếu với cha mẹ.
Ông Trương có 3 người con, hai con trai và một con gái. Vợ ông sớm qua đời vì tai nạn xe nên một mình ông phải chăm sóc và nuôi nấng ba người con. Ông làm công nhân ở công trình xây dựng, lương không cao vì thế việc nuôi ba đứa con khôn lớn thật sự rất khó khăn.
Cũng may con gái ông Trương rất hiểu chuyện, biết được nỗi vất vả của cha mình, đã sớm nghỉ học để phụ giúp ông kiếm tiền, cũng nhờ thế ông Trương không cảm thấy quá mệt mỏi.
Sau này khi các con đều trưởng thành và lập gia đình, người con gái được gả vào một gia đình nghèo ở làng bên, còn hai người con trai với sự giúp đỡ của ông Trương đã mua được căn nhà trên thành phố, cuộc sống khá tốt đẹp.
Nhìn các con đã trưởng thành và yên bề gia thất, ông Trương cuối cùng cũng cảm thấy thảnh thơi và hạnh phúc. Tuy nhiên, những ngày vui đó không được bao lâu thì ông Trương đổ bệnh nặng, ông bị liệt phần thân dưới và chỉ có thể nằm ở trên giường.
Ông Trương một thân một mình lại bị bệnh như vậy nên cần có người chăm sóc. Lúc này ông nghĩ tới hai đứa con trai, mong chúng bàn bạc xem phải chăm sóc mình như thế nào. Tuy nhiên, hai người con trai bề ngoài thì luôn tỏ ra hiếu thuận nhưng lúc này lại đùn đẩy cho nhau việc chăm sóc cha. Cuối cùng hai người đều không muốn chăm sóc cho ông.
Người cha đã rất vất vả để nuôi 3 đứa con nên người nhưng khi ông đau ốm, hai đứa con trai đã chẳng đoái hoài gì đến ông. Ảnh minh họa.
Ông Trương thấy hai người con trai như vậy thì cảm thấy đau lòng và thật sự không biết những tháng ngày sau của mình sẽ thế nào.
May mắn thay vào lúc này, con gái ông đã tới và muốn đón ông về nhà chăm sóc. Cô nói với cha, mặc dù nhà cô nghèo, nhưng chỉ cần cô có cơm ăn thì nhất định sẽ không để cha phải đói. Ông Trương nghe con gái nói vậy cảm thấy xúc động vô cùng.
Sau khi ông Trương về nhà con gái ở, cô con gái chăm sóc và đối xử rất tốt với ông. Hàng ngày, cô chuẩn bị cơm nước cho ông và thường xuyên trò chuyện cùng ông để ông không cảm thấy buồn.
Thấm thoát ông Trương đã về nhà con gái ở được 6 năm. Mặc dù con gái đã chăm sóc bố rất chu đáo nhưng vì tuổi cao sức yếu nên cuối cùng ông Trương cũng qua đời. Trước khi mất, ông bảo con gái gọi hai người con trai tới rồi đưa toàn bộ số tiền tiết kiệm 20.000 Nhân dân tệ (tương đương 72 triệu đồng) cho hai người con trai và đưa cho con gái túi đỗ tương đã để ở nhà từ rất lâu.
Sau khi tổ chức xong tang lễ cho bố, hai người con trai nhanh chóng rời đi. Chỉ còn lại người con gái đang đau đớn nhìn bức di ảnh của cha cùng với túi đỗ tương mà cha để lại, trong lòng không khỏi đau xót và thương người bố quá cố.
Vài ngày sau đó, cô mới mở túi đỗ tương ra nhưng vì đã có hạt bị hỏng nên cô đành đổ cả túi ra nhặt. Đến lúc này, cô sững sờ rồi ôm mặt khóc nức nở khi thấy một cuốn sổ tiết kiệm và một bức thư của bố từ trong rơi ra.
Trong thư ông Trương viết: "Con gái yêu quý, khi con thấy bức thư này cũng có nghĩa cha đã không nhìn lầm con. Cuốn sổ tiết kiệm này có 100.000 Nhân dân tệ (khoảng 360 triệu VND đồng), là tiền bồi thường tai nạn của mẹ con nhưng cha chưa bao giờ dùng tới.
Cha biết con là người con hiếu thảo nhất, sợ các em con tới tranh giành nên cha mới phải để cuốn sổ tiết kiệm ở đây. Cha đi rồi, nếu có kiếp sau, cha vẫn sẽ yêu thương con nhiều như thế!"