Cụ ông Lưu Đức Thuận (92 tuổi, Hồ Nam, Trung Quốc) có 6 người con trai thành đạt. Ai cũng nghĩ rằng ông sẽ được sống trong tháng ngày hạnh phúc ở những năm cuối đời. Song thực tế, mọi chuyện không phải như vậy. Các con của ông đều sống trong những căn biệt thự xung quanh. Còn ông bị bỏ lại 1 mình, sống trong căn nhà cũ kỹ đã hư hỏng nặng. Vậy tại sao lại xảy ra câu chuyện đau buồn này?
Căn nhà của cụ ông Lưu Đức Thuận
6 người con không thể chăm lo được cho cha
Theo lời kể của người con trai thứ 6, Lưu Viễn Đạt, anh từng có ý định sửa lại căn nhà cho bố. Tuy nhiên, khi mang vật liệu xây dựng đến để sửa nhà, họ chỉ có 1 con đường duy nhất để vào là đi qua nhà con trai cả và con trai thứ 3. Do mối quan hệ của anh em không tốt, 2 người này đã chặn đường và gây khó dễ. Chính vì điều này, việc sửa chữa ngôi nhà đổ nát của ông Lưu bị đình trệ.
Khi trưởng thôn dẫn ông cụ đến nhà từng người con trai để hỏi về vấn đề chăm sóc người già thì mọi chuyện lại càng tồi tệ hơn. Ban đầu, con trai cả không muốn tiết lộ điều này cho người ngoài biết. Tuy nhiên, sau khi trưởng thôn gặng hỏi, cô vợ cho biết lý do.
Là con trai cả, vợ chồng anh biết rằng mình cần phải chủ động chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, kể từ khi mẹ chồng qua đời 11 năm trước, cô con dâu lớn đã gặp phải rất nhiều lời phán xét. Chính sự việc này khiến cô không muốn đứng ra chăm sóc bố chồng.
Theo hồi ức của người phụ nữ này, do được con dâu cả chăm sóc nên trước khi mất, bà cụ có tặng cho chị một chiếc nhẫn vàng. Tuy nhiên, các cô con dâu khác lại cho rằng vợ chồng chị đã lấy trộm của mẹ. Vì những lời không hay đó, gia đình chị không muốn liên quan đến bố để tránh những chuyện tương tự.
Căn nhà của người con trai cả
So với anh con trai cả, nhà con trai thứ 2 - Lưu Phong Đạt không khá giả bằng. Chia sẻ thêm, anh tiết lộ trong 6 anh em, anh và người con trai thứ 4 có hoàn cảnh tương đối khó khăn nhưng bố chỉ ưu ái Lưu Thiên Đạt - con trai thứ 3. Ông Lưu từng tuyên bố để hết tài sản cho người con trai mình yêu quý nhất.
Đồng thời Lưu Phong Đạt cho rằng khi xây nhà, bố không hề đến giúp đỡ. Trong khi đó, những người anh em khác đều được bố hỗ trợ cả về tài chính lẫn sức lực.
Vì vậy, theo thời gian, với sự thiên vị của bố dành cho những người anh em khác, anh con thứ này không còn muốn gần gũi bố.
Khi trưởng thôn hỏi thăm người con trai thứ tư, người này xác nhận ông Lưu đối xử thiên vị với người con trai thứ 3. Suốt 20 năm Lưu Thiên Đạt đi làm ăn xa, ông cụ cũng dồn tâm sức chăm sóc nhà cửa cho anh ta.
“Điều này dân làng đều biết. Lưu Thiên Đạt cũng từng hứa sẽ phụng dưỡng cha cho đến khi ông qua đời. Nhưng sau khi nghỉ hưu, Lưu Thiên Đạt về quê xây biệt thự thì lại đuổi cha đi, để ông cụ sống trong căn nhà đổ nát bên cạnh”, anh con trai thứ 4 nói.
Ông Lưu Đức Thuận ở tuổi 92
Trước những lời đồn đó, người con trai thứ 3 bác bỏ việc bố dành hết tài sản cho mình. Anh cho rằng bố đã ở sống ở nhà anh hơn 20 năm. Bây giờ ông cụ nên lần lượt sống ở nhà của 6 anh em.
Sau đó, trưởng thôn tìm cách liên hệ với người con thứ 5 của ông Lưu. Người này cho biết anh đang sống ở trên thành phố. Anh kể rằng trước đây đã đưa bố lên sống cùng. Tuy nhiên, ông cụ không thích cuộc sống náo nhiệt ở đây nên đã đòi về quê chỉ sau ít ngày.
Cái giá của sự thiên vị của cha mẹ với con cái
Với những rắc rối này, câu chuyện của gia đình ông Lưu Đức Thuận trở thành chủ đề bàn tán của toàn bộ dân làng. Cán bộ thôn đã phải khuyên 6 người con của ông cụ không nên để bố mình sống như vậy. Thêm nữa, bản thân họ cũng bị người trong làng đánh giá là bất hiếu. “Một khi đã bị đội mũ bất hiếu thì dù giàu sang đến đâu cũng vẫn bị người đời coi thường”, ông nói.
Sau khi nghe sự góp ý này, 6 người con của ông Lưu quyết định góp tiền sửa lại căn nhà của bố. Họ cũng nói chuyện để kết thúc mâu thuẫn, tranh chấp lẫn nhau.
Khi được đăng tải lên mạng xã hội Trung Quốc, câu chuyện khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đa số mọi người cho rằng việc các con mâu thuẫn, thiếu trách nhiệm với bố là do chính người cha đối xử thiếu công bằng giữa 6 người con. Vì vậy, trong mọi trường hợp, đặc biệt khi bạn già đi, không nên thể hiện sự thiên vị trong lời nói cũng như hành động đối với bất cứ người con nào.
Bạn phải suy nghĩ về tương lai của con bạn, cũng như cân nhắc về tình cảm giữa các con trong suốt quãng đời còn lại của chúng.
Về lâu dài, nếu cha mẹ thể hiện quá ưu ái, thiên vị một người con nào thì tình cảm gia đình sẽ trở thành một bi kịch. Cho dù hiện tại hay tương lai, các anh chị em trong nhà sẽ luôn có sự so sánh, đố kị về những “ưu đãi” mà cha mẹ đã dành cho đối phương. Cuối cùng, những mâu thuẫn này sẽ dẫn tới xích mích, rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí nhiều người còn từ mặt nhau, không bao giờ nói chuyện nữa.
Là cha mẹ, là người trưởng thành hơn, bạn cần cân nhắc kỹ càng trước khi hành động, suy nghĩ trước khi nói ra, đảm bảo không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các thành viên trong gia đình. Nếu nhận thức về hậu quả xấu có thể đem lại, tốt nhất đừng nói lời thiên vị dành cho bất cứ ai.
Trong việc nuôi dạy con cái, cha mẹ cần phải công bằng, đối xử với con cái bằng tất cả tình thường, thay vì "nhất bên trọng, nhất bên khinh". Việc trẻ được sống trong môi trường được yêu thương nhất định sẽ có cơ hội phát triển toàn diện. Tình cảm giữa bố mẹ với con cái, giữa các anh em chị cũng được duy trì tốt đẹp.