Cha đẻ gạo ST25 nói về "sự dũng cảm của thầy Xuân" và kỷ nguyên nhiều tỷ USD trong nông nghiệp

Thùy Anh |

Những đóng góp của Giáo sư Võ Tòng Xuân được khắc họa rõ nét hơn qua lời kể của những người đã từng làm việc với ông.

Năm 1971, khi đang làm việc ở Viện Lúa quốc tế (IRRI, Philippines), GS Võ Tòng Xuân nhận được thư của Viện trưởng Đại học Cần Thơ Nguyễn Duy Xuân: “ĐBSCL không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...”.

Chỉ vì lời đề nghị tha thiết ấy, GS Võ Tòng Xuân, thầy Xuân của rất nhiều nhà nghiên cứu và doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay đã từ bỏ công việc đang thuận lợi ở nước ngoài, trở về với tâm nguyện: “nhân mình ra” cho đất nước, giúp Việt Nam có nhiều người đưa nông nghiệp đi lên.

Cha đẻ gạo ST25 nói về "sự dũng cảm của thầy Xuân" và kỷ nguyên nhiều tỷ USD trong nông nghiệp- Ảnh 1.

Trong số rất nhiều học trò được Giáo sư Võ Tòng Xuân truyền thụ kiến thức là kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của ST25, loại gạo hai lần được vinh danh là “gạo ngon nhất thế giới”.

Ông Hồ Quang Cua nhớ lại: “Tôi làm việc với Giáo sư Xuân đến nay đã được 40 năm, từ năm 1983. Điều mà tôi ấn tượng nhất ở thầy là sự sáng tạo và đột phá, góp phần thay đổi bức tranh ngành lúa gạo. Những công trình của Giáo sư Xuân cơ bản tập trung trong thế kỷ 20, từ khi đất nước thống nhất đến nay”.

Ông Cua nói, sự sáng tạo của Giáo sư Võ Tòng Xuân thể hiện rõ nhất ở việc tổ chức nhân giống nhanh giống lúa IR36. Giai đoạn 1978, khả năng tiếp thu của nông dân vẫn còn thấp, thầy Võ Tòng Xuân thậm chí phải sử dụng lực lượng sinh viên để đi nhân giống.

Khi đó, rầy nâu hoành hành rất dữ, các giống lúa cao sản như IR26, IR30 đều bị rầy ăn. Giáo sư Võ Tòng Xuân phải nhờ đến sự hỗ trợ của IRRI. Sau ít ngày, ông nhận được 4 phong bì từ GS Gurdev Singh Khush, mỗi chiếc chứa 5 gr giống lúa kháng được rầy nâu mới là IR32, IR34, IR36 và IR38. Sau khi thử nghiệm, thấy IR36 là giống lúa tốt nhất và phát triển rất nhanh, phù hợp để đưa vào gieo trồng cứu mùa vụ cho bà con nông dân, GS Võ Tòng Xuân đã sáng tạo ra phương pháp cấy 1 tép/bụi. Theo đó, khi cây lúa được 3 nhánh, tiếp tục tách ra và cấy 1 tép/bụi. Nhờ vậy, chỉ trong 3 tháng, từ 5 gr giống IR36, Giáo sư Võ Tòng Xuân và học trò đã giúp bà con nhân giống và thu được hơn 2 tấn lúa.

“Nghiên cứu của thầy ở thời điểm đó có ý nghĩa rất lớn. Lúc đó, dịch rầy nâu diễn ra khá trầm trọng, tàn phá làm năng suất lúa sụt giảm nặng nề. Trước IR36, đã có những giống lúa kháng rầy, nhưng nhìn chung những loại lúa đó không có đặc tính kháng loại rầy nâu mới này. Việc nghiên cứu gieo trồng IR36 có ý nghĩa lịch sử, mở đầu cho công cuộc đổi mới, sáng tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đến ngày hôm nay. Nói cách khác, những kỳ tích xuất khẩu gạo của hiện tại có công không nhỏ của thầy Võ Tòng Xuân”, ông Cua nói.

Cha đẻ gạo ST25 nói về "sự dũng cảm của thầy Xuân" và kỷ nguyên nhiều tỷ USD trong nông nghiệp- Ảnh 2.

Kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: Internet

Không dừng ở những đóng góp về mặt chuyên môn cụ thể liên quan đến kỹ thuật giống, gieo trồng, Giáo sư Võ Tòng Xuân còn nhiều lần góp ý, tư vấn cho các cấp quản lý về những vấn đề lớn của nông nghiệp Việt Nam. Ông Hồ Quang Cua vẫn giữ ấn tượng rất mạnh về sự “dũng cảm” và thẳng thắn của thầy mình. “Thầy đã góp ý thẳng thắn với Trung ương về chính sách hợp tác hóa. Giai đoạn 1984 - 1985, xã hội thiếu gạo, mà nông dân còn bỏ ruộng. Thầy Xuân đã đặt ra câu hỏi “cần lúa hay cần hợp tác xã”. Chính ý tưởng đó của Giáo sư đã góp phần mở ra thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp. Tôi đánh giá đó là một trong những tham mưu xuất sắc của thầy Võ Tòng Xuân”, ông Cua nhận định.

Cha đẻ gạo ST25 nói về "sự dũng cảm của thầy Xuân" và kỷ nguyên nhiều tỷ USD trong nông nghiệp- Ảnh 3.

GS Võ Tòng Xuân và GS Gurdev Singh Khush nhận giải VInFuture

Cha đẻ của gạo ST25 còn tiết lộ “Trong báo cáo của VinFuture có một điều chưa thấy được nhắc đến, mà tôi thấy nó rất hay. Thầy Xuân có thể nói là nhà khoa học đầu tiên đưa ra khái niệm “hệ thống canh tác". Hiểu đơn giản, bạn sẽ nhìn con tôm, con cá hay ruộng lúa nằm trong mối tương quan chứ không phải riêng lẻ. Cách làm này giúp thầy Xuân tranh thủ được nguồn hỗ trợ quốc tế, làm điều phối viên cho cả nước về hệ thống canh tác. Sự nỗ lực của thầy đã cho ra kết quả, đó là hệ thống luân canh lúa và tôm nước lợ.

Thầy đã dành thời gian nghiên cứu về việc canh tác tôm và lúa. Đến năm 2001, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra quyết định cho Chủ tịch UBND các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long được phép cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng và vật nuôi khác. Điều này mở ra kỷ nguyên lúa - tôm. Nhìn vào thực tế, năm 2023, riêng tiền xuất khẩu tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 3.4 tỷ USD”.

Cha đẻ gạo ST25 nói về "sự dũng cảm của thầy Xuân" và kỷ nguyên nhiều tỷ USD trong nông nghiệp- Ảnh 4.

Có thể nói, những nghiên cứu của Giáo sư Võ Tòng Xuân đã thay đổi tích cực thu nhập của người nông dân. Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa mưa là lúc người nông dân tập trung trồng lúa, hết mùa mưa thì họ thả nước mặn vào đồng để nuôi tôm, cua hoặc cá. Mô hình này mang lại lợi ích cao gấp 4 – 5 lần so với trước đây. Còn ở vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bà con chuyển sang trồng xoài, mít, sầu riêng và đều thu hoạch rất tốt. Nói một cách nôm na như GS. Võ Tòng Xuân thì là “người ta có thể trồng hoặc nuôi con này con kia, rồi trồng cây khác để có lợi ích cao hơn”.

Doanh nhân Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Giáo sư Xuân. Ông cho biết, những công trình nghiên cứu của Giáo sư, đặc biệt là giống lúa IR36 đã tạo ra sự thay đổi lớn cho nền nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Lần đầu tiên, người nông dân “đánh bại" dịch rầy nâu, thậm chí còn trúng mùa, từ đó nâng cao sản lượng.

Giáo sư Xuân từng nói, Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. Việc này sẽ giúp người nông dân “bớt khổ” còn doanh nghiệp cũng là cơ hội để thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp.

Cha đẻ gạo ST25 nói về "sự dũng cảm của thầy Xuân" và kỷ nguyên nhiều tỷ USD trong nông nghiệp- Ảnh 5.

Nghiên cứu của Giáo sư Võ Tòng Xuân đã mang lại những thay đổi lớn. Ảnh: Internet


“Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra và bàn bạc với địa phương làm vùng nguyên liệu, còn người nông dân cũng sẽ thấy không phải lệ thuộc vào thương lái mà chắc chắn có người mua với giá tốt”- GS Võ Tòng Xuân khẳng định.

Ông còn đề xuất: Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp mới nâng lên. Về phía người dân, phải hợp hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để cung cấp ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp.

“Mơ ước lớn nhất của đời tôi là giúp nông dân bớt khổ”. Với tâm nguyện ấy, suốt hơn nửa thế kỷ qua, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã đồng hành cùng nông nghiệp Việt Nam, đóng góp từ chuyên môn đến đào tạo, góp ý về chính sách để Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.

Ở tuổi ngoài 80, trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận Giải đặc biệt cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển tại VinFuture 2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói ông sẽ dùng tiền thưởng đầu tư cho quỹ Học bổng Nông nghiệp Võ Tòng Xuân, bởi lẽ ông thấy lĩnh vực nông nghiệp hiện đang thiếu các nhà nghiên cứu quan tâm.

Sự thay đổi mang tính bước ngoặt, đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu đói trở thành một vựa lúa của thế giới, có sự đóng góp quan trọng của những nhà khoa học tiên phong như GS. Gurdev Singh Khush và GS. Võ Tòng Xuân. Một người có công lớn trong việc phát triển các giống lúa ưu việt, một người có đóng góp quan trọng trong việc phổ biến chúng trên đồng ruộng.

Vì thế, tôi cho rằng sự ghi nhận của VinFuture là đúng đắn và xác đáng. Giải thưởng cũng cho thấy nhà khoa học Việt hoàn toàn có thể sánh ngang với các trí tuệ hàng đầu thế giới.

GS. Sir Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture




Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại