Hoàng Tuấn Anh (SN 1985, ở TP.HCM) hiện là CEO của một công ty phân phối khóa điện tử thông minh khu vực Đông Nam Á. Anh còn được biết đến với nhiều tên gọi như "cha đẻ" của ATM gạo, ATM oxy, ATM khẩu trang.
Anh Tuấn Anh là người tổ chức nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19. Năm 2020, anh được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2020; Lãnh đạo trẻ tiêu biểu châu Á 2021 và nhiều giải thưởng cao quý khác.
Về cuộc sống riêng tư, anh Tuấn Anh nên duyên với bà xã tên Samantha Chong (nickname Sam, người Malaysia). Hiện tại, tổ ấm của họ đã có hai em bé dễ thương.
Anh Tuấn Anh là "cha đẻ" của ATM gạo, ATM oxy, ATM khẩu trang.
Triệu phú bỗng trắng tay trong vài tiếng buổi chiều
Anh Tuấn Anh từng có thời gian du học tại Úc và bắt tay vào việc kinh doanh khi còn rất trẻ - 16 tuổi. Ban đầu anh bán hàng trên các trang thương mại điện tử, rồi kinh doanh đồ điện tử.
Sau đó, Chính phủ Úc ra chương trình làm miễn phí tấm cách nhiệt cho tất cả các ngôi nhà nên anh Tuấn Anh kinh doanh mặt hàng này. Trong thời gian đó, công việc thuận lợi đã giúp anh kiếm được rất nhiều tiền - vài triệu đô trong vòng mấy tháng.
Khi mới hơn 20 tuổi, anh Tuấn Anh từng thất bại trong kinh doanh.
"Tuy nhiên, vì một số công ty làm không đạt chất lượng nên Chính phủ Úc đã bất ngờ ngưng chương trình này. 12h trưa họ đưa ra thông báo rằng 17h chiều sẽ ngừng. Lúc đó mình còn rất nhiều hàng ở container trong kho, trên tàu biển và nhà máy sản xuất.
Trong khoảng thời gian ngắn, mình mất số tiền hơn cả triệu đô, gần như phá sản. Mỗi container hàng có trị giá khoảng 20.000 USD, vậy mà mang về Úc mình phải đem bỏ và việc đem bỏ còn tốn chi phí thêm 2.000 USD nữa.
Khi ấy mình mới hơn 20 tuổi nên những áp lực đến với mình rất khủng khiếp. Mình nghĩ đến những điều tiêu cực nhưng mẹ đã gọi cho mình và nói: "Nếu con có khó khăn thì mẹ giúp". Câu nói đó đã khiến mình nhận ra, trên đời này mình còn có ba mẹ, còn rất nhiều thứ, tiền mất thì còn có thể kiếm lại được", anh Tuấn Anh nhớ lại.
Đã có lúc, anh Tuấn Anh suy sụp, nghĩ quẩn. Nhưng nhờ có mẹ, anh đã vực dậy.
Năm 2010, anh Tuấn Anh bắt đầu kinh doanh khóa điện tử. Những năm đó gần như chưa ai có nhu cầu về khóa điện tử và anh đã dành 10 năm để tạo dựng sự nghiệp, tạo dựng nhu cầu. Anh Tuấn Anh đã đầu tư dàn máy test khóa để kiểm tra chất lượng và có những cải tiến. Riêng việc hiểu về máy test khóa cũng đã tốn 5 năm của anh Tuấn Anh.
Tuy nhiên, bằng những kiến thức tích lũy, sự kiên trì và nỗ lực, anh Tuấn Anh đã vượt lên mọi khó khăn để gặt hái được thành công trong sự nghiệp.
Hôn nhân với bà xã là tiểu thư người Malaysia
Tuấn Anh quen Sam trong thời điểm tay trắng, qua sự giới thiệu của một người bạn. Anh có kể tất cả những điều mình đã trải qua cho Sam nghe và cô rất thương, đồng cảm với bạn trai. Cả hai tìm thấy ở nhau sự thấu hiểu, có những tương đồng trong suy nghĩ nên mong muốn gắn bó bên nhau trọn đời.
Anh Tuấn Anh kết hôn cùng bà xã là một tiểu thư người Malaysia.
Sau khi kết hôn, anh Tuấn Anh và Sam dự định sống ở Việt Nam 5 năm rồi quay về Úc. Tuy nhiên hiện tại, họ quyết định sẽ ở lại Việt Nam. Sam là người hỗ trợ cho chồng rất nhiều trong công việc, đồng hành cùng anh trong những dự án thiện nguyện. Ngoài công việc chính, cô còn dạy thêm tiếng Hoa.
Sam rất được lòng bố mẹ chồng. Lúc còn sống, mẹ anh Tuấn Anh rất yêu thương con dâu. Hai mẹ con hiểu nhau. Bố chồng hiền lành nên Sam cảm thấy thoải mái, không có cảm giác đang làm dâu.
Anh rất biết ơn bà xã đã luôn đồng hành cùng mình.
Kể về người bạn đời, anh Tuấn Anh dành cho cô sự biết ơn: "Gia đình vợ mình khá giả, đã có 40 năm làm về ngành kim hoàn và trồng cọ dầu. Khi đến với Sam, mình không ngại sự chênh lệch. Bởi những gì của ba mẹ, mình không cho đó là của mình. Mình luôn nghĩ tất cả mọi thứ phải cố gắng tự làm ra. Và khi yêu ai đó rồi thì cũng phải cố gắng tạo ra sự nghiệp riêng để vợ thấy được sự bản lĩnh của mình.
Cô ấy lấy mình là một sự hy sinh rất lớn vì phải chuyển chỗ ở, đến một nơi xa lạ, làm quen với thói quen, văn hóa, ngôn ngữ,... của đất nước khác. Mình rất cảm phục vợ. Những chương trình của mình sẽ không thể làm nhanh được như vậy nếu không có sự hỗ trợ của Sam. Vợ chồng đôi khi có cãi nhau thì mình sẽ là người chủ động làm lành và đưa cô ấy đi du lịch".
Tuấn Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bố mẹ vợ vì đã tin tưởng trao con gái cho mình. Anh đồng thời bày tỏ tình cảm với một nửa yêu thương của mình.
Làm ATM gạo vì nghĩ đến mẹ
Chia sẻ lý do thực hiện dự án ATM gạo, anh Tuấn Anh cho hay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đã có rất nhiều người gặp khó khăn vì mất việc làm. Biết được điều đó, cũng có nhiều người muốn làm từ thiện, nhưng vì dịch bệnh nên họ lo sợ khả năng bản thân sẽ bị nhiễm bệnh hoặc lây bệnh cho người khác.
Trong lúc đó, anh Tuấn Anh đã tận dụng những món đồ có sẵn của mình để tạo ra một chiếc máy mà người nhận và người cho không gặp nhau. Kết quả là anh có một chiếc ATM gạo. Chiếc máy này có rất nhiều chức năng như: Điều chỉnh lượng gạo, đếm số lần, kết nối với máy điện thoại để một người có thể vận hành 5, 10 chiếc máy cùng một lúc ở nhiều địa điểm khác nhau.
Anh tâm sự thời gian đó cũng là dịp giỗ đầu của mẹ, anh đã nghĩ nhiều về bà, nghĩ về tình thương mẹ dành cho mình và quyết định dành tình thương đó cho những người khác nữa. Và anh đã kết nối mọi người với nhau để có thể làm được chương trình này.
Anh đã giúp đỡ được rất nhiều người gặp khó khăn trong đại dịch.
Trong thời gian ATM gạo hoạt động, anh Tuấn Anh cũng gặp không ít áp lực. Nhưng anh nghĩ nếu mình dừng dự án này thì sẽ không có ATM gạo thứ 2, không có ATM thứ 100 như mình mong muốn. "Mỗi ngày ATM gạo phát gạo cho vài chục ngàn người, nếu mình ngưng giữa chừng thì những người đó sẽ ra sao?", anh tự hỏi bản thân, qua đó nhận thấy áp lực mình gặp phải là rất nhỏ so với những người đang gặp khó khăn ngoài kia và tiếp tục thực hiện dự án.
Sau ATM gạo, anh Tuấn Anh còn thực hiện dự án ATM oxy, ATM khẩu trang. Thời điểm hiện tại, các máy ATM gạo đã được phân bố cho nhiều tỉnh/thành khác nhau, nơi nào có thiên tai, lũ lụt thì các đơn vị sẽ đưa ra sử dụng. 20 máy ATM oxy cũng được phân chia cho 20 tỉnh thành, giúp đỡ cho khoảng 100.000 ca F0.
Nguồn: Gõ cửa thăm nhà, Ảnh: Tổng hợp, FBNV