Mang văn hóa rất đặc trưng của Tập đoàn Viettel, khi nhắc đến Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), người ta sẽ nghĩ ngay đến "tư duy sáng tạo" và "bước chân thần tốc".
Sau hơn 20 năm trưởng thành và phát triển, đến nay, Viettel Post đã phủ mạng lưới khắp 63 tỉnh thành với hơn 1.300 bưu cục, 6.000 điểm giao nhận và khoảng 1.000 cửa hàng trực tiếp triển khai dịch vụ bưu chính và viễn thông. Đây cũng là đơn vị chuyển phát nhanh đầu tiên của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tại hai thị trường là Campuchia và Myanmar.
Ông Trần Trung Hưng - Tổng Giám đốc Viettel Post luôn nhấn mạnh: “Thị trường logistics, trong đó có lĩnh vực chuyển phát nhanh đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng nếu không có chiến lược bùng nổ thì doanh nghiệp đó mãi chỉ là kẻ chậm chân! ”.
Khi biết Viettel Post vốn là một trung tâm phát hành báo chí, những người trẻ ở độ tuổi trên 20 tuổi cảm thấy rất lạ lẫm. Rất nhiều người không biết đến một trung tâm như vậy…
Điều đó cũng không lạ. Viettel Post thành lập vào ngày 01/07/1997, tức hơn 20 năm trước đây, với nhiệm vụ ban đầu là phục vụ các cơ quan Quân đội trong Bộ Quốc phòng.
Giai đoạn đó là thời kỳ “rực rỡ” của ngành bưu chính và phát hành báo chí, nhưng trong hơn 10 năm qua, thị trường đã thay đổi rất nhiều. Có lúc, chúng tôi phải đứng trước câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?”.
Đó là khi viễn thông ra đời và nhanh chóng khiến nhu cầu chuyển phát báo và bưu phẩm giảm rất mạnh. Doanh thu của mảng này từng chiếm đến 90% doanh thu của Viettel Post, nhưng đã giảm mất một nửa. Còn hiện nay, mảng phát báo đã gần như biến mất.
Viettel Post vượt qua điều đó thế nào?
Chúng tôi đã mạnh dạn từ bỏ thị trường chính của mình, tìm hướng đi mới bằng cách mở rộng “khái niệm”. Không còn là người vận chuyển hàng hóa thuần túy, Viettel Post đã trở thành người đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từ vé máy bay, văn phòng phẩm tới dịch vụ hành chính công... Và bây giờ, chữ “bưu chính” chỉ là tên gọi. Thay vì định nghĩa mình là một công ty chuyển phát nhanh, chúng tôi vươn mình trở thành một công ty logistics.
Trong 5 năm gần đây, doanh thu của Viettel Post tăng gấp 8 lần. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành với bình quân 52,6%/năm. Từ một trung tâm phát hành báo chí, Viettel Post đã vươn lên đứng thứ hai về thị phần trên thị trường bưu chính của Việt Nam.
Mở rộng “khái niệm” là một cách gọi khác của thay đổi tư duy và quả thực điều đó đã khiến cho công ty giành được những thành tựu đáng kinh ngạc. Nhưng sau khi thay đổi tư duy thì hành động cụ thể của Viettel Post là gì?
Triết lý kinh doanh của Viettel Post là “mạng lưới đi trước, kinh doanh đi sau”. Do đó, chúng tôi rất chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động trên thị trường, Viettel Post có mạng lưới phủ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng hệ thống kho diện tích lớn, đặt tại các vị trí đắc địa, cửa ngõ giao thương của Việt Nam như Đại lộ Thăng Long – Hà Nội; Khu Công nghiệp Quang Minh – Hà Nội; Khu Công nghiệp Hòa Khánh – Đà Nẵng; ICD Tân Cảng – Long Bình – Đồng Nai và Khu Công nghiệp Tân Bình – Tp. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, hệ thống vận tải với hơn 500 xe ô tô hiện đại đều mới được đầu tư. Hơn 17.000 người Viettel Post đều được tập huấn về đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ hải quan và giao nhận vận chuyển quốc tế. Họ có thể tư vấn ngay tại doanh nghiệp và mở thủ tục hải quan tại địa phương.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, từ năm 2009 đến nay, Viettel Post đã phát triển mạng lưới đến thị trường bưu chính và logistics tại Campuchia và Myanmar. Tại thị trường Campuchia, Viettel Post đã có mặt tại 24/24 tỉnh, thành, đảm nhiệm 100% chu trình vận chuyển, giao nhận.
Như vậy có thể nói, đầu tư mạnh về hạ tầng và nhanh nhạy với xu hướng mới của thị trường chính là “vũ khí” của công ty?
Chiến lược kinh doanh và văn hóa của Tập đoàn Viettel cũng như tất cả các công ty con đều như vậy. Trong những năm gần đây, chúng tôi luôn duy trì sự phát triển đột phá. Ví dụ như năm 2017 là một năm chuyển mình mạnh mẽ, con số tăng trưởng số lượng bưu cục bằng 18 năm trước cộng lại. Đó là nhờ sự quyết tâm đầu tư về mạng lưới, con người và công nghệ.
Còn nhanh nhạy thì tất nhiên rồi. Nếu không nhanh nhạy thì chắc chắn bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Cũng không thể phủ nhận rằng lợi thế lớn của Viettel Post so với các đối thủ chính là sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel?
Quả thực Viettel Post có sự hỗ trợ rất lớn từ “thương hiệu Viettel” vì khách hàng vốn đã tin yêu với thương hiệu này từ lâu. Tổng Công ty Bưu chính Viettel tự hào là đơn vị đầu tiên hạch toán độc lập và được Tập đoàn hỗ trợ về định hướng, điều hành.
Trong những năm đầu tiên khi mở mạng lưới, Viettel Post có nhiều thuận lợi khi trước đó Viettel đã mở các chi nhánh tại tỉnh.
Sau tất cả, theo ông, sự thành công của Viettel Post ngày hôm nay là nhờ đâu?
Viettel Post có thể nói là đã đạt được nhiều thành công. Chúng tôi đứng trong Top 97 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia, Top 100 thương hiệu Sao vàng Đất Việt và Top 5 công ty uy tín ngành vận tải và logistics năm 2018.
Về cơ bản, nguyên nhân chính đem đến thành công là sự cần mẫn và tiêu chí luôn khách hàng làm trung tâm, vì khách hàng mà phục vụ. Nói đúng hơn, đó là văn hóa và cách làm của người lính (cười).
Năm 2017, mạng xã hội có lan truyền đoạn video một nhân viên Viettel Post chi nhánh Nam Định ném bưu phẩm của khách hàng lên xe. Sau đó, chi nhánh này đã bị “giải tán”. Tại sao Viettel Post chọn cách giải quyết này?
Với Viettel Post, khách hàng luôn là mục tiêu hàng đầu, tôn trọng từng gói bưu phẩm, bưu kiện, đảm bảo an toàn hàng hóa là tôn chỉ mục đích của doanh nghiệp. Viettel Post cho rằng, ném bưu phẩm là hành động không thể chấp nhận.
Nếu những điều cơ bản này mà nhân viên không làm được thì tốt nhất đừng làm nghề bưu chính. Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm hoạt động, Viettel Post đóng cửa một trung tâm khai thác của tỉnh do làm sai quy trình nghiệp vụ, đi trái với tôn chỉ mục đích của doanh nghiệp.
Cá nhân vi phạm thì phải xử lý cá nhân đó, còn cách giải quyết này liệu có tiêu cực và cứng nhắc quá không?
Viettel Post là doanh nghiệp chuyển phát quân đội, kỷ luật luôn là sức mạnh tạo nên thương hiệu bền vững trong suốt hơn 20 năm qua. Việc doanh nghiệp sẵn sàng đóng cửa một trung tâm khai thác khi nhận được phản hồi không hài lòng của khách hàng đã thể hiện rõ sự quyết tâm cao: Lấy chất lượng dịch vụ làm mục tiêu hàng đầu của Viettel Post.
Điều đó có dẫn đến hệ quả gì không?
Sau khi đóng cửa Trung tâm khai thác tại Nam Định, Viettel Post sẽ thực hiện chuyển đổi cách thức khai thác hàng hóa, từ khai thác tập trung sang khai thác phân tán tại các bưu cục. Quy trình hoạt động chuyển phát từ khâu nhận hàng, đóng gói, khai thác, vận chuyển và giao hàng của Viettel Post vẫn diễn ra như thường lệ, không có gì thay đổi.
Thực tế, những năm nay, chúng tôi đã đầu tư phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý để quy trình vận hành ngày càng tối ưu.
Ông đánh giá như thế nào về sự cạnh tranh trong lĩnh vực chuyển phát?
Phải nói rằng: Rất khốc liệt!
Hiện Việt Nam có 300 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ bưu chính, chưa kể một loạt doanh nghiệp bưu chính không phép và rất nhiều nhà xe hoạt động bưu chính chuyển phát không phép, tức các xe khách vận chuyển hàng hóa với chi phí chỉ 20.000 – 30.000 đồng/gói hàng.
Mặt khác, khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam như DHL từ Đức, TNT từ Hà Lan hay FedEx và UPS từ Mỹ, khiến cho thị trường chuyển phát nhanh tại Việt Nam càng cạnh tranh hơn.
Đó là còn chưa kể đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cạnh tranh mạnh bằng cách giảm giá. Đặc biệt gần đây, nhiều quỹ đầu tư chi mạnh cho start-up, chấp nhận lỗ vài ba năm để giành thị phần.
Mặc dù vậy, với hướng đi đúng đắn và chất lượng dịch vụ được khẳng định, hiện nay, Viettel Post là doanh nghiệp chuyển phát có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành.
Nếu như năm 2010, Viettel Post chỉ chiếm 8% thị trường chuyển phát tại Việt Nam, thì đến nay con số này đã tăng lên 21,3% vào năm 2016 và ước tính khoảng 25,7% năm 2017.
Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng vào năm 2020.
10.000 tỷ đồng đó đến chủ yếu từ mảng nào?
Dịch vụ chuyển phát vẫn đang là mảng cốt lõi mang lại doanh thu chính cho Viettel Post.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2020, Viettel Post sẽ triển khai thêm mảng Thương mại điện tử, đặc biệt là kinh doanh đặc sản vùng miền với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm chất lượng nhất.
Đồng thời, việc kinh doanh các dịch vụ giải pháp nhằm cung cấp các dịch vụ kho, vận chuyển, thanh toán thuận lợi cho khách hàng cũng là hướng đi mới mà Viettel Post đang đầu tư và sẽ mang lại doanh thu tương đối lớn trong thời gian tới.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ chuyển dịch cơ cấu doanh thu theo hướng: Logistics - Chuyển phát - Thương mại điện tử.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ, Viettel Post tận dụng và phát triển cơ hội này ra sao?
Chúng tôi không ngừng đầu tư, đổi mới và ứng dụng những thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Khi xu hướng sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng, Viettel Post đã đầu tư vào ứng dụng quản lý đơn hàng mang tên ViettelPost chuyển phát nhanh, giúp người nhận dễ dàng tạo đơn hàng và có thể tra cứu hành trình bưu phẩm một cách chính xác.
Ứng dụng này còn cho phép người sử dụng theo dõi các chỉ số đơn hàng. Doanh thu, tiền cước được thống kê chi tiết, tình trạng đơn hàng được cập nhật và thống kê số lượng đầy đủ. Đây cũng là ứng dụng đầu tiên và duy nhất giúp Viettel Post hỗ trợ người nhận.
Ngoài ra, Viettel Post đầu tư phần mềm thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý, phân tích dữ liệu nhằm tối ưu quy trình vận hành của Tổng Công ty, đồng thời dựa trên hành vi khách hàng để tiến hành chăm sóc và phát triển hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi cũng dự định phát triển nền tảng công nghệ giúp các Chi nhánh kinh doanh các mặt hàng đặc sản tại địa phương, tiến tới xây dựng sàn Thương mại điện tử để tất cả các nhà cung cấp có thể tự đăng bán sản phẩm và sử dụng các dịch vụ của Viettel Post mà không phụ thuộc vào bất cứ bên thứ ba nào.
Đặt ra khá nhiều tham vọng từ kỷ nguyên công nghệ 4.0, vậy Viettel Post đã xây dựng được hệ sinh thái riêng của mình như thế nào để sẵn sàng cho các mục tiêu tiếp theo?
Cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ, dịch vụ chuyển phát cũng chuyển dịch sang xu hướng phục vụ cho thương mại điện tử. Người tiêu dùng giờ đây chuyển từ việc mua hàng tại cửa hàng hoặc siêu thị sang mua hàng trên mạng, tiện dụng hơn và đỡ tốn thời gian và công sức di chuyển.
Nhìn thấy cơ hội và nhu cầu từ ngành thương mại điện tử, Viettel Post đã đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại nhằm xây dựng giải pháp bán hàng toàn diện qua phần mềm quản lý bán hàng VTSale giúp khách hàng quản lý doanh thu, lợi nhuận, khách hàng một cách dễ dàng, tiện lợi và sử dụng các dịch vụ trong hệ sinh thái của Viettel Post từ dịch vụ kho, vận chuyển, giao hàng, thanh toán, chăm sóc khách hàng với chi phí thấp nhất.
Phần mềm tạo ra một hệ sinh thái gồm nhiều ứng dụng khác nhau phục vụ cho người bán, từ mở rộng bán hàng đa kênh qua Facebook, sàn thương mại điện tử, cửa hàng truyền thống, cho đến quản lý khách hàng và đối tác, quản lý nhân viên, báo cáo chi tiết tính hiệu quả và tạo quyết định kinh doanh.
Về mảng cung cấp dịch vụ giải pháp, Viettel Post đang gấp rút hoàn thiện các tính năng của phần mềm VTSale để bắt đầu kinh doanh vào cuối năm nay.
Với Thương mại điện tử, Viettel Post tận dụng mạng lưới Chi nhánh tại 63 tỉnh thành để tìm kiếm các nhà cung cấp đặc sản vùng miền chất lượng và tiến hành kinh doanh trên website mà Viettel Post xây dựng.
Phương tiện vận tải hiện chúng tôi sở hữu khoảng 600 xe, dự kiến cuối năm thêm 250 thành 850 xe. Chưa kể tới 80.000 xe liên kết qua hệ thống phần mềm, đối tác vận chuyển…
Với chuyển phát nhanh thì yếu tố quan trọng nhất chính là tốc độ nhanh, nhưng khâu chia chọn đang là nút thắt quan trọng. Vì vậy, tới đây, Viettel Post sẽ làm hệ thống kho trục, robot hóa cho công đoạn này…
Công ty là doanh nghiệp chuyển phát đầu tiên của Việt Nam đầu tư ra thị trường nước ngoài. Chiến lược sắp tới như thế nào?
Hiện nay, Viettel Post đang cung cấp dịch vụ tại Campuchia và Myanmar, chủ yếu là vận tải nội địa và Forwarding.
Chiến lược phát triển của Viettel Post là tiếp tục mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại 2 quốc gia này, bao gồm kinh doanh chuyển phát nội địa, kinh doanh dịch vụ giải pháp và thương mại điện tử.
Trong năm 2019, có thể Viettel Post sẽ mở rộng hướng tới một số thị trường mục tiêu như Mỹ, Úc, Đức… do các quốc gia này có sản lượng đi lại 2 chiều lớn. Đối với các thị trường hiện Viettel đang đầu tư, Viettel Post sẽ khảo sát để tiến hành hoạt động kinh doanh.
Ông có tự tin với kế hoạch đầy tham vọng này không?
Tất nhiên! Đối với chúng tôi, kế hoạch này không chỉ là quyết tâm của ban Tổng Giám đốc mà đó cũng là mong muốn, đồng thuận của hơn 17.000 cán bộ nhân viên. Ở Viettel nói chung và Viettel Post nói riêng, kỷ luật người lính đã rèn cho chúng tôi một quyết tâm sắt, sẵn sàng chinh phục mọi khó khăn.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!