Trong buổi toạ đàm, ông Hùng đưa ra nhận xét, người Việt Nam có hàng loạt yếu điểm nhưng CEO Viettel lại coi đó là những nét đặc trưng về văn hoá, đặc điểm của dân tộc.
Việc tận dụng tốt những yếu điểm đó có thể mang lại thành công vang dội và khiến mọi đối thủ phải khuất phục, dù là những tên tuổi hàng đầu thế giới.
Một trong những yếu điểm dễ nhận thấy nhất của người Việt là "nước đến chân mới nhảy". Câu thành ngữ này được nói ở nhiều quốc gia nhưng có lẽ nó đúng nhất với người Việt Nam.
Khi “nước đến chân”, người Việt Nam nhảy một cách kinh hoàng và không ai có thể bứt phá như thế. Người Việt Nam càng bị đẩy vào thế khó bao nhiêu thì càng thông minh, giỏi giang và có sức bật mạnh mẽ bấy nhiêu.
Trở lại câu chuyện của Viettel, ông Hùng cho rằng việc đi ra nước ngoài bản chất là tạo ra nước ở dưới chân. Khi ra nước ngoài, Viettel tự đẩy mình vào chỗ chết, khiến mọi nghị lực, quyết tâm được kích hoạt để buộc phải tồn tại.
Không hiếm những đêm người Viettel không ngủ vì phải đương đầu với những công ty tên tuổi bậc nhất thế giới nhưng trong tay chẳng có gì, dù là vốn hay kinh nghiệm.
“Năm 2006, chúng tôi bắt đầu đi ra nước ngoài. Khi đó, nhiều người nghĩ Viettel giàu có nhưng thực tế, chúng tôi rất bé nhỏ. Doanh thu và lợi nhuận chỉ bằng 1/30 so với bây giờ.
Chúng tôi vẫn quyết định đi ra nước ngoài với tư duy cạnh tranh để học hỏi, xem họ làm gì để học về áp dụng trong nước sau đó mới tính đến mở rộng thị trường, hợp tác quốc tế, đầu tư cho các nước láng giềng để bảo vệ đất nước từ xa”, ông Hùng kể lại quá trình đi ra nước ngoài của Viettel.
Những doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, cũng luôn cần đi ra ngoài để tìm đối thủ mạnh. Một tổ chức, doanh nghiệp hay công ty muốn phát triển bền vững cần có đối trọng để liên tục hoàn thiện và tiến lên.
Ở Việt Nam, VNPT tái cấu trúc, MobiFone tách ra và mạnh hơn trước nhiều là điều Viettel vô cùng vui mừng. Khi có đối thủ đe doạ mình từng ngày, từng giờ, mọi con người của Viettel đều nhận thấy thách thức và phải nỗ lực thay vì sợ mấy lời nói dọa của Tổng giám đốc.
Ngoài ra, thế mạnh khác của người Việt Nam là cá thể hoá. Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam có tới 40.000 thôn xóm. Và ở mỗi một thôn xóm là một sự khác biệt về thói quen ăn, uống, cưới hỏi….
Chính sự đa dạng ấy giúp người Việt Nam có được trong mình tính cá thể hoá. Không phải vô lý mà Viettel chọn cá thể hoá làm tiêu chí hoạt động ngay từ khi ra đời. Cá thể hoá đang ngày càng đúng với cả thế giới và nó sẽ phù hợp hơn với người Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, dễ dàng nhận thấy trọng tâm của thế giới luôn chuyển từ nước này sang nước kia. Nguyên nhân của sự dịch chuyển này chính là vì đặc tính dân tộc.
Đã đến thời điểm sự nhanh nhẹn, linh hoạt và cá thể hoá chiếm ưu thế và đây cũng là lúc Việt Nam phải nắm lấy cơ hội. Nếu tận dụng tốt, chúng ta cũng chẳng kém gì Mỹ. Văn hoá là thứ khó thay đổi hơn nhiều so với công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Trong mắt thế giới, người Việt Nam cũng bị coi là nghèo. So với đối thủ tới từ các cường quốc như Anh, Mỹ, Pháp, Na Uy…, Viettel nghèo nhất về mọi phương diện.
“Chúng tôi ra đời ở một nước nghèo, vốn ít trong khi trình độ khoa học kỹ thuật không phải tiên tiến. Tuy nhiên, nghèo là sức mạnh vì nghèo có khát khao lớn. Ngoài ra, vì nghèo nên Viettel cũng mất ít chi phí để hoạt động so với nước giàu”, ông Hùng nói.
Theo CEO Viettel, làm viễn thông ở Mỹ là điều không khó vì người Mỹ chi rất nhiều tiền cho dịch vụ này. Tuy nhiên, ở Mỹ có những rào cản để doanh nghiệp như Viettel không thể vào nổi. Vì thế, Viettel phải tìm tới các nước nghèo.
Trong khi các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng giống nhau, thậm chí đắt đỏ hơn, cái Viettel thu lại ở những nước nghèo như châu Phi lại rất thấp. Đó là lúc Viettel cần phải dùng đến kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam, một nước nghèo, để áp dụng với các nước nghèo khác nhằm tạo ra lợi nhuận.
Người Việt Nam còn thường bị kêu ca vì kỷ luật kém hay vô kỷ luật. Tuy nhiên, đó cũng là sức mạnh. Thế giới ngày nay không cần những người đẳng cấp và chuyên nghiệp tới mức hoàn hảo. Bài học lớn nhất là quá trình đầu tư sang Haiti, khi phải đối đầu với đối thủ tên tuổi từ Mỹ.
Các chuyên gia Mỹ thường phải đi chuyến bay chất lượng cao, ở khách sạn sang trọng, ăn uống đầy đủ trong khi người Viettel đi máy bay giá rẻ, ở 5 người/phòng và ăn mì tôm để tiết kiệm chi phí. Đó là điều khiến người Mỹ không thể cạnh tranh được với Viettel dù ở quốc gia nằm ngay sát sườn họ.
Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người Viettel phải tự tạo dựng nên bộ máy. Tuy nhiên, đa phần cán bộ Viettel không được đào tạo trước khi đi nước ngoài công tác.
Khi bị bỏ lại ở xứ người, cán bộ của Viettel không chỉ phải tự tìm cách ổn định cuộc sống và bắt đầu công việc mà còn giao tiếp và chỉ huy được những người địa phương. Không tính kỷ luật nào có thể làm nên được điều tương tự.
Người Việt Nam cũng hay cảm thấy tự ti vì nghèo và ít học. Dẫu vậy, nghèo và ít học cũng là sức mạnh. Ở thời đại này, biết nhiều đôi khi lại là rào cản trong khi biết ít lại có lợi. Người có trình độ phát huy hiệu quả cao trong một tổ chức ổn định. Tuy nhiên, họ sẽ không thể phát huy sức mạnh trong các cổ chức khởi tạo.
Thế giới chúng ta đang sống ngày nay biến động với tốc độ không thể lường trước. Chính vì thế, linh hoạt là điểm mạnh. Khi có học, con người ta che giấu cái xấu và thể hiện những cái đẹp đẽ. Tuy nhiên, nó không phải là bản chất và giá trị lõi. Khi gặp tình thế khó khăn, chúng ta sẽ bộc lộ con người của chính mình.
“Mọi tật xấu đều có mặt tốt và nếu biết dùng nó thì thành công mang lại sẽ rất tuyệt vời. Với nhà quản lý, nhìn người nên nhìn trực diện vào tật xấu và bản năng của họ để có cách dùng hợp lý.
Khi ra nước ngoài, Viettel sử dụng yếu điểm mà người Việt bị chê bai để biến nó thành sức mạnh và đã thành công và trở thành tên tuổi hàng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới", Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.