Nhắc đến Elise, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu luôn gắn liền tên tuổi của các Hoa hậu. Đại sứ thương hiệu của Elise, tất nhiên, cũng là một hoa hậu – Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo – một hoa hậu “thanh lịch, điềm đạm nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa bên trong là nội lực mạnh mẽ, vững vàng”.
Chuyện Zara, H&M vào Việt Nam: Chúng ta ăn hàng tỷ gói mỳ ăn liền nhưng các nhà hàng vẫn phát triển bình thường
* Bà nhận định thế nào về thị trường thời trang Việt Nam hiện nay? Thị trường thời trang trong nước thay đổi thế nào khi Zara và H&M đặt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam?
Thị trường thời trang Việt Nam hiện nay có thể nói là thời kỳ vàng. Bằng chứng là các thương hiệu lớn đều lần lượt kéo vào sau nhiều năm kiên nhẫn chờ đợi.
Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn với gần 100 triệu dân số trẻ, nằm trong khu vực phát triển năng động và nhanh nhất thế giới, người dân có mức thu nhập ngày càng tăng, chi tiêu dùng, du lịch và ăn mặc tăng mạnh và không bị cản trở bởi tôn giáo, phong tục về ăn mặc…
Thị trường cho các phân khúc từ hàng hiệu, cao cấp, trung cấp và bình dân đều tăng trưởng. Đặc biệt, phân khúc hàng hiệu và cao cấp sẽ tăng mạnh do hiệu ứng Hedonistic Tendencies (xu hướng lạc quan) - đặc trưng của phụ nữ các nền kinh tế mới nổi. Mọi người đều giàu lên và muốn mua nhiều đồ cao cấp để gia nhập đẳng cấp cao hơn mà họ muốn thuộc về.
Zara, H&M rồi F21, v.v... vào Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu cho những người thích dùng mỳ ăn liền. Họ muốn nhanh, rẻ, tiện lợi và không quá cầu kỳ trong thời trang của mình. Cũng như chúng ta ăn hàng tỷ gói mỳ ăn liền nhưng các nhà hàng sang trọng và quán ăn khác vẫn phát triển bình thường.
Tính dễ dãi và phổ thông của các thương hiệu đó sẽ làm nhàm chán và đồng phục mọi người. Bạn tưởng tượng sao cả chục người trong một căn phòng toàn mặc Zara hay H&M?
Theo tôi, họ vào Việt nam sẽ làm phong phú và đánh thức nhiều người quan tâm đến thời trang hơn và là một điều tốt. Cũng như ở các nước khác họ đã có mặt, họ sẽ đem lại nhiều hơn giá trị sử dụng và tiện lợi hơn là giá trị thời trang
* Khách hàng mục tiêu của Elise là gì? Mặc dù khác phân khúc, Elise có e ngại khi H&M và Zara đổ bộ?
Khách hàng của Elise là những người có phong cách thời trang và bản sắc riêng, đam mê sáng tạo và độc đáo để khẳng định giá trị, đẳng cấp của mình.
Elise rất vui khi H&M và Zara vào Việt Nam, Họ đã thức tỉnh và thực tập cho nhiều người làm quen và sử dụng thời trang. Với thời trang, mọi người luôn có xu hướng vươn lên và yêu cầu cao hơn và đây lại chính là lượng khách hàng tiềm năng của những hãng cao cấp hơn.
Làm thời trang thì phải là số 1
Elise luôn định vị mình gắn với các cuộc thi hoa hậu trong nước.
* Elise coi ai là đối thủ tại thị trường thời trang trong nước? Vì sao Elise lại định vị mình gắn với các cuộc thi hoa hậu trong nước?
Elise không coi cụ thể ai là đối thủ bởi vì không có hãng nào cạnh tranh trực tiếp để chia sẻ doanh thu và lợi nhuận. Trong thời trang, mỗi hãng đều có phong cách và bản sắc riêng đáp ứng cho từng phân khúc khác hàng yêu thích mình, khó có hãng nào có thể thay thế hãng nào đáp ứng các nhu cầu sở thích của khách hàng của họ.
Đối thủ của Elise là mình có sáng tạo hơn chính mình trước đây không để mê hoặc khách hàng, hoặc là họ sẽ bỏ đi.
Lợi thế của Elise chính là tạo được phong cách và bản sắc riêng mạnh mẽ, rõ nét và nổi bật, là luôn luôn dẫn dắt thi hiếu và xu hướng khách hàng. Những thứ đã có là những thứ đã cũ, Elise luôn mới và đó là thời trang.
Elise định vị là hãng thời trang phải là số 1. Và những người tự tin, muốn trở thành người đẹp số 1, đi thi và trở thành Hoa hậu chính là có chung quan điểm với Elise - Luôn mong muốn dẫn đầu về cái đẹp. Chúng tôi luôn đồng hành với các Hoa hậu là muốn gửi đi một thông điệp: Hãy tự tin, hãy là số 1 và dẫn đầu phong cách thời trang.
* Theo quan điểm của bà, vì sao nhiều cái tên trong làng thời trang công sở như The One, Yoshino, Fiona… ngày càng vắng bóng, có thương hiệu giờ chỉ bán online, trong khi đó Elise vẫn nổi lên trong giới thời trang cao cấp?
Quan điểm của tôi là đã làm thời trang là tất cả phải nhất: Xu hướng, phong cách, chất lượng, dịch vụ... Không có thứ thời trang rẻ tiền trong ý nghĩ của tôi. Đó là cái đích của tôi và cũng trùng với cái đích của mọi người đều muốn vươn lên cao hơn, sang trọng và đẳng cấp hơn.
Tôi không biết nhiều về các hãng thời trang mà bạn kể, nhưng rất có thể họ không dám nghĩ rằng họ sẽ trở thành Maxmara, Christina Dior, Chanel,... còn tôi luôn ám ảnh mình phải như vậy. Tôi cứ nhìn về phía trước và cứ đi, khi tôi còn đi là tôi không chết.
* Theo bà, đâu là xu hướng thời trang trong tương lai? Fast fashion có phải là xu hướng?
Fast fashion là phương pháp kinh doanh chứ không phải xu hướng thời trang. Họ không có xu hướng gì cả, chỉ nhanh chóng copy và sản xuất và phân phối thật nhanh, nhiều khi nhanh hơn cả mẫu gốc rồi bán và thu tiền. Xu hướng phải xuất phát từ sự kế thừa lịch sử, công nghệ, chất liệu và sáng tạo đáp ứng nhu cầu đổi mới chứ không phải nhanh và rẻ
Fast fashion theo tôi cũng chưa hẳn là xu hướng kinh doanh trong tương lai. Nhiều hãng fast fashion đang gặp khó khăn vì sự nhàm chán, chất lượng thấp.
* Elise có chú trọng tới mảng bán hàng online?
Elise rất chú trọng đến mảng bán hàng online, đặc biệt là để thăm dò các thị trường nước ngoài. Mảng này hiện chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn về doanh thu. Hiên nay chúng tôi đang đầu tư và thử nghiệm mô hình bán hàng online mới, hiên đang phát triển tại Mỹ là thông qua những Stylist có ảnh hưởng tư vấn và bán hàng cho các fan của họ.
* Xin cảm ơn bà!