CEO Selex Nguyễn Phước Nguyên: Ứng dụng công nghệ để giải bài toán pin xe điện

Bạch Hiền - Hà Ly |

Ông Nguyễn Phước Nguyên - nhà sáng lập xe điện Selex cho rằng, "cuộc cách mạng" xe điện không chỉ đơn thuần thay thế động cơ xăng thành động cơ điện, mà là sử dụng công nghệ để giải quyết các bất cập của xe điện.

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Nguyên - nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phương tiện điện thông minh Selex (Selex) để tìm hiểu quá trình ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất xe điện "made in Vietnam" và những khó khăn trong việc phát triển xe điện thị trường trong nước.

"Bài toán" khó nhằn

NĐT: Có bằng Tiến sĩ Cơ khí tại Mỹ, từ đâu ông quyết định về nước khởi nghiệp bằng việc làm xe điện?

CEO Nguyễn Phước Nguyên: Tôi nghĩ, ai du học nước ngoài cũng mong muốn quay về cống hiến cho quê hương. Ở nước ngoài, tôi cũng nhận được một số lời mời làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia như Apple, McKinsey, JP Morgan Chase, Shell… Tuy cơ hội việc làm rộng mở nhưng tôi không muốn trở thành một kỹ sư bình thường mà khao khát làm điều khác biệt để đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam.

Khi còn ở Mỹ, tôi từng tích lũy khá nhiều kinh nghiệm nghiên cứu một số ý tưởng liên quan đến xe điện như phát triển xe tự hành, hệ thống năng lượng cho xe điện.

CEO Selex Nguyễn Phước Nguyên: Ứng dụng công nghệ để giải bài toán pin xe điện- Ảnh 1.

CEO Nguyễn Phước Nguyên tiếp đón Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới thăm nhà máy Selex.

Trở về Việt Nam, chứng kiến môi trường bị ô nhiễm với khói bụi và mùi xăng xe, tôi tự hỏi, trên thế giới nhiều nước đã dùng xe điện thay xe xăng, tại sao Việt Nam lại không? Từ đó, tôi bắt đầu tìm kiếm cộng sự và quyết tâm tạo ra những chiếc xe điện thông minh phục vụ người dân. Sản phẩm của Selex được thiết kế hoàn toàn bằng trí tuệ Việt và hiện đang nhận được sự hợp tác của các hãng giao vận lớn như Lazada Logistics, Viettel Post…

NĐT: Một bất tiện cố hữu trong sử dụng xe điện đó là mất thời gian sạc năng lượng từ 3-8 tiếng đồng hồ, Selex đã có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

CEO Nguyễn Phước Nguyên: Mất thời gian nạp năng lượng là một trong những "bài toán" khá khó nhằn được Selex nhận diện khi bắt tay vào làm xe điện. Chúng tôi ứng dụng công nghệ để đưa ra giải pháp đổi pin, chỉ sau 2 phút, xe lại có thể đủ pin để bắt đầu hành trình mới.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã triển khai mạng lưới đổi pin như hãng Nio (Trung Quốc) hay Sun Mobility (Ấn Độ). Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đổi pin hầu như vẫn được xử lý bởi yếu tố con người và thiếu sự ứng dụng công nghệ, làm hạn chế khả năng nhân rộng của mô hình.

Do đó, Selex xây dựng trạm đổi pin tự động được bố trí 19 khoang chứa pin đầy, sẵn sàng thay thế những pack pin cạn của người dùng xe điện trong quá trình di chuyển.

Lúc này, một vấn đề khác được đặt ra là nếu các trạm pin chỉ phục vụ cho xe điện Selex thì sẽ rất tốn kém và lãng phí. Vì thế, chúng tôi chế tạo ra loại pin có tính tương thích cao để có thể gắn được trên các dòng xe điện khác. Nói cách khác, trạm đổi pin Selex là hệ thống đổi pin có thể dùng chung cho 70% dòng xe điện khác.

Một "bài toán" khó khác của xe điện hiện nay đó là giá thành vẫn đắt hơn xe xăng. Do đó, chúng tôi triển khai mô hình kinh doanh tách pin ra khỏi xe để giảm giá thành. Chúng tôi tìm tòi sản xuất loại pin có tính tương thích cao và triển khai các trạm pin là cần thiết để tối ưu hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tối đa chi phí.

Chuyển đổi số để tạo nên sự khác biệt

NĐT: Trong bối cảnh ngành xe điện "nở rộ" như hiện nay, Selex đã ứng dụng chuyển đổi số như thế nào để tạo ra sự khác biệt và sức cạnh tranh với các đối thủ?

CEO Nguyễn Phước Nguyên: Trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số tạo ra sự khác biệt, đồng thời cũng theo kịp xu thế của thời đại. Riêng với ngành xe điện, theo quan điểm của tôi, "cuộc cách mạng" xe điện không chỉ đơn thuần thay thế động cơ xăng thành động cơ điện, mà là sử dụng công nghệ mới để tạo ra thế hệ xe thông minh, mang lại những trải nghiệm mới mẻ, hiện đại.

Cụ thể, xe điện thông thường chỉ là phương tiện vận chuyển từ điểm A đến điểm B, đảm bảo chất lượng an toàn, nhanh chóng. Còn xe điện mà Selex tạo ra được ứng dụng IoT (Internet kết nối vạn vật) trở thành thiết bị thông minh tương tự điện thoại di động hay máy tính với nhiều lợi ích có thể khai thác và phát huy từ dữ liệu phần mềm.

Nói một cách dễ hiểu, người dùng xe điện Selex có thể sử dụng công nghệ IoT để định danh chủ sở hữu xe, tìm kiếm trạm đổi pin, đổi pin tại trạm, định vị xe và khóa xe từ xa bằng Bluetooth… trên điện thoại thông minh.

CEO Selex Nguyễn Phước Nguyên: Ứng dụng công nghệ để giải bài toán pin xe điện- Ảnh 2.

CEO Nguyễn Phước Nguyên giới thiệu về trạm đổi pin của Selex.

NĐT: Hệ sinh thái cho xe máy điện thông minh mà Selex đang triển khai gồm những gì? Selex đặt "tham vọng" gì thông qua hệ sinh thái này?

CEO Nguyễn Phước Nguyên: Làm cả hệ sinh thái phức tạp hơn rất nhiều so với việc chỉ làm riêng sản phẩm xe. Chúng tôi nhận thấy nếu không xây dựng thành hệ sinh thái, Selex sẽ thật khó cạnh tranh với xe xăng.

Để tạo ra sự khác biệt, chúng tôi buộc phải ứng dụng khoa học kỹ thuật và triển khai thành một hệ sinh thái. Không chỉ giải quyết vấn đề nạp năng lượng và chi phí cao, chúng tôi còn áp dụng công nghệ để mang lại cho người dùng những trải nghiệm và giá trị mới mẻ.

Chúng tôi tâm niệm sứ mệnh của mình là giúp mỗi người dân có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe máy điện giá thành hợp lý và tận hưởng những giá trị tích cực từ một nền giao thông thông minh, bền vững.

NĐT: Ông có kiến nghị gì về những chính sách hỗ trợ phát triển xe điện tại Việt Nam hiện nay?

CEO Nguyễn Phước Nguyên: Tôi cho rằng, Việt Nam cần nhiều chính sách cụ thể hơn nữa để tạo động lực cho thị trường xe điện, trong đó tôi đặc biệt nhấn mạnh 3 vấn đề.

Thứ nhất, cần có mục tiêu cụ thể với tỉ lệ đưa xe điện vào sử dụng bao nhiêu phần trăm theo từng năm.

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ giảm giá thành xe điện để thúc đẩy tiêu dùng. Ví dụ, tại các nước như Indonesia, Thái Lan, Chính phủ có chính sách giảm trực tiếp 500 USD cho người dân mua xe máy điện và 5.000 USD khi mua xe ô tô điện. Tại Việt Nam chưa có chính sách tương tự như vậy nên thật khó để kích cầu tiêu dùng.

Thứ ba, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ nhà sản xuất một số góc độ về thuế nhập khẩu như VAT hoặc tạo điều kiện tiếp cận tài chính. Hiện nay, ngân hàng chưa có gói tín dụng tài trợ cho dự án sản xuất xe điện, nhà sản xuất gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.

NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại