CEO Hòa Bình Lê Viết Hải ứng cử ĐBQH: "Bàn giao chức xong, tôi có nhiều thời gian cho công việc mới"

Hồng Phúc |

Ông Lê Viết Hải đã bàn giao chức vụ CEO Hòa Bình để toàn tâm cho vai trò ĐBQH khi ứng cử.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã tín nhiệm, giới thiệu ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Việc ông Lê Viết Hải ứng cử đại biểu Quốc hội đang nhận được sự quan tâm của công chúng lẫn cộng đồng doanh nghiệp.

Trò chuyện cởi mở với Dân Việt, ông Lê Viết Hải nói: "Để làm tròn vai trò của một Đại biểu Quốc hội, tôi phải nỗ lực, ưu tiên dành nhiều thời gian hơn".

"Ban đầu tôi cũng phân vân..."

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đã giới thiệu ông ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Đang là Chủ tịch tập đoàn xây dựng lớn của cả nước, động lực nào khiến ông quyết định tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội?

- Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM có hỏi ý kiến tôi về việc tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới. Ban đầu, tôi cũng phân vân nhưng sau đó đã quyết định nhận lời vì sắp xếp được thời gian.

CEO Hòa Bình Lê Viết Hải ứng cử ĐBQH: Bàn giao chức xong, tôi có nhiều thời gian cho công việc mới - Ảnh 1.

CEO Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết ông đã bàn giao chức Tổng giám đốc cho thế hệ trẻ nên sẽ toàn tâm cho vai trò mới nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tôi nghĩ rằng để làm tròn được vai trò này cá nhân phải nỗ lực, ưu tiên dành nhiều thời gian hơn. Rất may là tôi đã bàn giao chức vụ Tổng Giám đốc điều hành cho thế hệ trẻ nên nghĩ rằng vừa đúng lúc để làm được điều có ý nghĩa hơn, giá trị hơn cho đất nước.

Tôi thấy tinh thần Nhà nước hiện rất cởi mở, rất muốn lắng nghe, cầu thị ý kiến những người ngoài Đảng. Tôi không phải là Đảng viên, nhưng vẫn được tín nhiệm tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.

Ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có khiên ông cảm thấy áp lực không?

- Đương nhiên là có. Hiện tôi đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM và là thành viên một số tổ chức, hiệp hội để nắm bắt vấn đề doanh nghiệp, phản ánh lên Quốc hội.

Là người đại diện khối doanh nghiệp, tôi cần phải duy trì vị trí của mình trong khối doanh nghiệp để nắm bắt phản ánh, tâm tư nguyện vọng và các vấn đề của doanh nghiệp.

Nhưng không riêng khối doanh nghiệp, tôi phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để làm tròn vai trò đại biểu Quốc hội.

Sẽ đưa xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ông sẽ kiến nghị những gì khi ứng cử cũng như trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV?

- Tôi có một số đề xuất việc phát triển xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Tôi nghĩ thời gian qua, Nhà nước đã có sự quan tâm nhưng chưa mạnh mẽ lắm để trở thành kế hoạch chiến lược tầm vóc quốc gia, chưa có sự tham gia một cách khẩn trương quyết liệt của Bộ ngành liên quan.

Trong vai trò đại biểu Quốc hội, tôi có điều kiện để thúc đẩy những đề xuất của mình hơn. Những ý định tôi muốn thực hiện cũng sẽ thuận lợi trong vai trò đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, các đề xuất để phát triển ngành xây dựng trở thành kinh tế mũi nhọn là gì, thưa ông?

- Về việc phát triển ngành xây dựng, trước các nút thắt của ngành, tôi kiến nghị 7 điểm sau:

Thứ nhất, đối với những dự án quy mô lớn nên chia nhiều giai đoạn với các gói thầu không quá lớn. Quy định này nhằm giảm được gánh nặng về vốn khi thực hiện một gói thầu quá lớn để có cơ hội cập nhật các tiến bộ khoa học công nghệ cho giai đoạn sau.

Đặc biệt, cơ hội cũng mở ra cho doanh nghiệp Việt, trong đó có việc làm tổng thầu để triển khai tiếp các gói còn lại, không phụ thuộc vào nhà thầu ngoại.

Thứ hai, giao cho VCCI hoặc một cơ quan chuyên trách kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để thu thập thông tin về thị trường xây dựng ở những nước tiềm năng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận nhanh thị trường.

Thứ ba, khi đàm phán hoặc tái ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, Chính phủ nên quan tâm đưa vào điều khoản của hiệp định cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác cũng như bình đẳng với doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại.

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam về các thủ tục cấp phép cũng như thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân giao dự án đầu tư ở nước ngoài cho doanh nghiệp xây dựng trong nước.

Thứ năm, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển bằng cách có nguồn vốn ưu đãi.

Thứ sáu, có chính sách phù hợp tạo động lực cho doanh nghiệp xây dựng phát triển theo hướng chuyên môn hoá cao về từng loại công trình, từng hạng mục.

Cuối cùng, cần có một chiến lược tổng thể phát triển ngành xây dựng Việt Nam với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Đây là lúc Việt Nam cần nỗ lực gấp 2-3 lần

Nếu trúng cử, có điều kiện đưa tiếng nói đến nghị trường Quốc hội, ông còn muốn kiến nghị gì để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

- Bên cạnh phát triển ngành xây dựng, tôi cũng muốn tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng để phát triển toàn bộ nền kinh tế và các ngành khác, chứ không phải chỉ dân số vàng cho ngành xây dựng.

Khi ngành này phát triển sẽ mang lại hiệu quả cho ngành khác. Các ngành đều phát triển, nền kinh tế sẽ cộng hưởng phát triển. Chẳng hạn, ngành xây dựng phát triển mạnh thì suất đầu tư sẽ giảm đi, kinh tế có khả năng cạnh tranh hơn.

Ngành cơ khí, chế tạo máy phát triển mạnh, sản xuất công nghiệp sẽ hiệu quả hơn khi không phải mua từ nước ngoài, giảm chi phí vận chuyển và chi phí khác.

Theo tính toán, đến 2034, dân số Việt Nam sẽ già đi, tỷ lệ sinh con ở người trẻ thấp nên lực lượng lao động không được bổ sung nhiều. Cơ hội bứt phá được là trong thời kỳ dân số vàng, mình chỉ còn một thập kỷ để bứt phá, nỗ lực đưa Việt Nam thành cường quốc. Nếu không Việt Nam sẽ vướng bẫy thu nhập trung bình, trung bình cao.

Đây là thời điểm Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi, gấp ba bình thường để bứt phá. Tôi đã đề cập điều này trong quyển sách đã xuất bản có tên “Thập kỷ vàng - Trang sử mới”. Như đã nói, với vai trò Đại biểu Quốc hội, tôi có điều kiện để thúc đẩy những đề xuất của mình hơn.

Ngoài ra, tôi cũng kiến nghị để nâng cao vị thế Việt Nam trong việc đóng góp xây dựng hòa bình trên thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã đề cử hai doanh nhân ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV (2021-2026) và ba doanh nhân ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.

Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội có doanh nhân Lê Viết Hải (sinh năm 1958) - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cùng doanh nhân Trịnh Chí Cường (sinh năm 1982) - Tổng giám đốc Công ty CP nhựa Đại Đồng Tiến.

Danh sách ứng cử HĐND TP.HCM có ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH SXTM Tân Quang Minh (Bidrico) và ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật tự động ETEC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại