CEO FPT Shop: "Giá trị mỗi cửa hàng FPT Shop khoảng 5,5 tỷ đồng là bất hợp lý"

Hải Đăng |

Giá cổ phiếu giảm mạnh khiến giá trị thị trường mỗi cửa hàng của FPT Shop chỉ còn 5,5 tỷ đồng, điều này theo bà Nguyễn Bạch Điệp là vô lý.

Từ đầu 2019 đến nay, giá cổ phiếu Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (mã FRT) giảm mạnh. Cuối năm 2018, giá cổ phiếu của FPT Retail ở mức 71,9 ngàn đồng/CP. Đến thời điểm này 28/3, FRT đang có giá 48 ngàn đồng/CP, tương ứng mức giảm hơn 33%.

CEO FPT Shop: Giá trị mỗi cửa hàng FPT Shop khoảng 5,5 tỷ đồng là bất hợp lý - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Bạch Điệp (cầm micro), đang phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên FPT Retail 2019 - Ảnh: Hải Đăng

Tại Đại hội cổ đông thường niên của FPT Retail tổ chức hôm 27/3, khi được đặt câu hỏi về vấn đề này, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FRT kiêm Tổng giám đốc Công ty - thú nhận cổ phiếu FPT Retail lên sàn chưa tới 1 năm, Ban điều hành chưa có kinh nghiệm nhiều về sàn chứng khoán, và khẳng định không biết vì sao cổ phiếu lại xuống thấp như vậy.

“Tuy nhiên, theo đánh giá thì chúng tôi nhận thấy giá này rất xa giá trị thật của FPT Retail, nằm dưới giá trị công ty rất nhiều”, người góp phần khai sinh chuỗi FPT Shop phát biểu.

Với mức giá cổ phiếu hiện tại, bà Điệp nhẩm tính giá thị trường của FRT là 3.200 tỷ đồng. Nếu chia số này cho 570 cửa hàng bao gồm cả Long Châu và chuỗi FPT Shop thì giá trị trung bình mỗi cửa hàng khoảng 5 tỷ rưỡi.

Bà Điệp cho rằng định giá như vậy chưa hợp lý, vì chi phí đầu tư xây dựng, hàng tồn kho, chi phí thương hiệu, nhân sự vận hành, website có lượng truy cập nhiều, tổng đài,... tính đủ sẽ vượt mức 5,5 tỷ đồng ước tính.

“Nếu thử đem ra so với các chuỗi bán lẻ khác, kể cả chuỗi đã niêm yết và chưa niêm yết thì giá mỗi cửa hàng của họ là 20 tỷ đến 50 tỷ đồng, do đó cửa hàng FPT Shop 5 tỷ rưỡi là rất vô lý”, bà Điệp nói.

CEO FPT Shop: Giá trị mỗi cửa hàng FPT Shop khoảng 5,5 tỷ đồng là bất hợp lý - Ảnh 2.

Một cửa hàng FPT Shop chuẩn bị khai trương - Ảnh: Hải Đăng

Bắt đầu mua lại các nhà thuốc Long Châu từ năm 2017 để mở rộng hướng kinh doanh, bà Điệp cho rằng tiềm năng của ngành bán lẻ dược phẩm rất lớn.

Quy mô thị trường này ước tính 4,5 tỷ đồng - tương đương ngành điện thoại - do đó nếu nắm được khoảng 30% thị phần trong bối cảnh chưa có ông lớn nào nhảy vào thì FRT sẽ tăng doanh thu rất lớn từ ngành mới này.

“Quy mô ngành dược lớn và lợi nhuận cao là hướng phát triển tiềm năng cho công ty”, bà Điệp thêm vào, để chứng minh giá trị thị trường của FRT đang được đánh giá không đúng.

Mặc dù không biết nguyên nhân vì sao cổ phiếu giảm nhưng bà Điệp dự đoán có thể do thanh khoản chậm, lượng mua bán ít, khiến giá cổ phiếu đi xuống.

“Nói chung chúng tôi nhìn nhận ra các vấn đề đó và đang có một số biện pháp như thuê tư vấn và sẽ có một số biện pháp sắp tới để cải thiện vấn đề thanh khoản”, CEO FPT Shop nói.

Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 418 tỷ, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018.

Bà Điệp cho biết năm 2019 sẽ mở thêm 100 cửa hàng để tăng lên 633 cửa hàng. Ngoài mở rộng ở các khu vực trung tâm lớn, các cửa hàng mới sẽ đi sâu vào các khu dân cư của huyện, xã chưa khai thác.

Trong năm 2018, FPT Retail ghi nhận tổng doanh thu đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017. Doanh thu online đạt mức 2,432 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 21%. Lợi nhuận trước thuế đạt 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại