Nadiem Makarim, 34 tuổi, cho biết thêm, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh giá từ 20-30 USD (dưới 1 triệu đồng), những người nghèo ở dưới đáy của xã hội cũng có thể tiếp cận với công nghệ và kiếm được tiền từ đó.
Đó cũng chính là đối tượng mà "cha đẻ" của hãng xe ôm công nghệ Go-Jek muốn hướng tới. Và Nadiem đã thành công khi Go Jek ra đời tại Indonesia từ năm 2010 chỉ với 20 xe ôm đã nhanh chóng đạt đến con số 1 triệu sau 8 năm phát triển và trở thành doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động lớn nhất trong lịch sử Indonesia.
" Go Jek là tăng khả năng tiếp cận cho mọi người dân", Nadiem Makarim chia sẻ.
Nadiem Makarim kể, khi còn làm việc cho một công ty tư vấn, anh đã từng sử dụng dịch vụ xe ôm. Anh nhận thấy những người làm việc không chính thức thường không được xã hội coi trọng. Họ hoàn toàn có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên điều quan trọng là tạo dựng được sự tin cậy và có dịch vụ trung gian.
Do đó trong thời gian học kinh doanh tại trường đại học Havard, Mỹ, anh đã củng cố thêm những ý tưởng mà anh ấp ủ trước đó.
Như đã từng chia sẻ với báo chí, khi học xong Havard, Nadiem đã làm việc cho một công ty tư vấn và một công ty kế toán, rồi quyết định về quê hương lập nghiệp với loai hình dịch vụ mới: xe ôm công nghệ.
Ở Indonesia, trước khi có Go-Jek, nhiều người phải trả tiền cho lãnh đạo địa phương để có được một việc làm, có người không có đủ tiền để mở một cửa hàng trong trung tâm thương mại.
"Chính vì thế, chúng tôi có nhiều ứng dụng công nghệ như lái xe ôm, giao hàng... để mọi người đều có cơ hội tiếp cận trực tiếp," Nadiem cho biết.
Phụ nữ lái xe ôm ngày càng nhiều
Nadiem Makarim cho biết, với dịch vụ xe ôm công nghệ, Go Jek đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo. Không những thế, anh còn tự hào vì công nghệ số đã khuyến khích nhiều phụ nữ Indonesia tham gia khởi nghiệp và thành đạt cũng như hòa nhập xã hội.
Là đất nước tín đồ Hồi giáo chiếm đại đa số, phụ nữ Indonesia thường chỉ làm việc nhà. Dịch vụ xe ôm của Nadiem ban đầu cũng chỉ có khách hàng làm nam giới. Rồi sự tiện lợi của nó đã thu hút nhiều khách hàng nữ và lao động nữ.
Nadiem cho biết, ở Indonesia, Go Jek có tới 5% lái xe ôm là nữ, công ty của anh có 300 nhân viên, thì đội ngũ lãnh đạo là nữ chiếm tới 30%. Khách hàng nữ của công ty giờ chiếm tới 60%.
"Chúng tôi cũng mở rộng cả ứng dụng chuyển đồ ăn. Trước kia, phụ nữ Indonesia thường chỉ nấu cơm phục vụ gia đình, giờ họ có thể nấu thêm để bán cho người khác. Chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ hơn nữa để tăng cường sự tham gia của phụ nữ," CEO Go Jek khẳng định.
Điều khá thú vị, "cha đẻ" của Go Jek và "cha đẻ" của Grab đã từng là bạn thân với nhau khi học tại Havard. Họ thường chia sẻ các bí quyết kinh doanh và giúp đỡ nhau trong công việc và học tập. Giờ đây hai doanh nhân khởi nghiệp này đều đã thành tỷ phú ( trị giá của Grab là 6 tỷ USD, còn Go Jek là 5 tỷ USD) nhưng họ hiện đang là hai đối thủ của nhau trên thương trường.
Ngày 13/9 vừa qua, Go Jek đã ra mắt tại thị trường Hà Nội với tên gọi Go Viet. Cách đây hai tháng, Go Viet cũng đã lần đầu tiên xuất hiện tại TP HCM. Trong 4 tháng tiếp theo, Go Viet sẽ tập trung phát triển các sản phẩm mới như Go-Car (đặt xe ô tô), Go-Food (đặt đồ ăn), Go-Pay (ví điện tử).
Ngoài ra, Go-Vietsẽ tiếp tục triển khai những dịch vụ khác dựa trên nhu cầu của thị trường như đi chợ hộ, giúp việc tại nhà, làm đẹp tại nhà… Go Jek cũng sẽ tiếp tục ra mắt tại Thái Lan, Singapore.