CEO Nguyễn Khánh Trình của Clever Group có góc nhìn thẳng vào các vấn đề trong khởi nghiệp, kinh doanh và tự nhận mình không mơ mộng viển vông.
Có lẽ nhờ vậy, khi khởi nghiệp với lĩnh vực quảng cáo số, anh đã đưa Clever Group (tiền thân là Công ty Cổ phần Quảng cáo Thông Minh - CleverAds) thành là một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo số, công nghệ quảng cáo tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Có ý kiến chia quá trình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam thành 3 làn sóng. Làn sóng đầu bắt đầu từ thời kỳ đổi mới, với một số tên tuổi như FPT, CMC. Làn sóng thứ 2 từ những năm 2000 với gương mặt nổi bật như VCCORP, VNG. Làn sóng thứ 3 bùng nổ từ năm 2014 đến nay và được tạo điều kiện mạnh mẽ từ Chính phủ, ra đời hàng nghìn startup.
Trong góc nhìn của người khởi nghiệp nhiều lần như anh, các làn sóng đó giống và khác nhau như thế nào?
Cá nhân tôi chưa đồng ý hoàn toàn với cách chia các giai đoạn khởi nghiệp như vậy. Với tôi, các tập đoàn lớn như FPT, CMC thành lập từ thời kỳ trước khi mở cửa nền kinh tế không được coi là các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Họ là thế hệ cha chú đi trước nên tôi thực lòng không hiểu, không biết và không thể đánh giá gì được cả. Tôi đã từng giảng dạy tại đại học FPT và trong thâm tâm luôn ngưỡng mộ tập đoàn FPT, CMC.
Tôi chia khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam thành 3 làn sóng trong 20 năm qua:
Làn sóng thứ 1 từ những năm 2000-2008: Tiêu biểu là công ty Chodientu của Nguyễn Hoà Bình, sau đó 5-6 năm là Vatgia của anh Điệp.
Làn sóng thứ 2 là từ 2008-2014: Tiêu biểu là những công ty như Tiki, Foody, Tienganh123
Làn sóng thứ 3 là từ 2015: Cho tới nay, tiêu biểu là các công ty về Edtech, Fintech…
Sự giống nhau của các làn sóng tất nhiên là đều mang một tinh thần khởi nghiệp quật khởi, giấc mơ lớn và đều dựa trên ảnh hưởng, nền tảng công nghệ.
Sự khác nhau thì khác nhiều. Sóng 1 đều đem các mô hình đã tồn tại tốt ở nước ngoài và áp dụng một cách thô sơ vào Việt Nam. Cuối cùng đều thất bại
Sóng 2 khôn hơn, bớt mơ mộng hơn và biết tối ưu hoá, cá thể hoá cho thị trường Việt Nam hơn và cũng kêu gọi được nhiều đầu tư lớn. Từ đợt sóng này thị trường Việt Nam bắt đầu được xác định như một Silicon Valley tiếp theo.
Sóng 3 hơi có xu hướng ồ ạt hoá, công nghiệp hoá khởi nghiệp nên số lượng nhiều mà chất lượng không thực sự tốt. Khi đó cụm từ khởi nghiệp bắt đầu được sử dụng đại trà và mang hơi hướng của việc gọi vốn, làm lớn nhưng thực ra đó là một cái bẫy lớn trong kinh doanh.
Theo anh, lý do nào mà mỗi làn sóng khởi nghiệp chỉ có 1 vài tên tuổi trụ lại?
Tất nhiên rồi, thời kì nào, làn sóng nào, con thuyền nào cũng chỉ có chỗ cho một vài người. Đó là những người phù hợp nhất với hoàn cảnh, biết tối ưu, tận dụng cơ hội và có sự khác biệt với những người khác.
Trở thành những người trụ lại, nhưng để sống tiếp, phát triển tiếp, cần điều gì?
(Cười) Tôi không thể biết các doanh nghiệp khác cần gì để sống tiếp, phát triển tiếp. Nhưng doanh nghiệp của tôi thì luôn cần một môi trường kinh tế mở, năng động, khuyến khích sự sáng tạo. Đặc biệt cần môi trường pháp lý rõ ràng, văn minh!
Từng có những e ngại rằng việc khởi nghiệp trong thời đại số với sự xuất hiện của rất nhiều "kỳ lân" mang những đặc điểm giống như bong bóng dotcom trước đây. Anh nghĩ sao về điều này? Việc anh nói rằng vụ phá sản của Wefit là sự khởi đầu cho làn sóng phá sản sắp tới của startup Việt có phải là một sự đồng tình với e ngại trên?
(Cười) Tư tưởng chung và lớn nhất của những người khởi nghiệp là một giấc mơ lớn, nhiều người vẫn gọi là kỳ lân hay cái gì đó. Thú thực là tôi không biết con kỳ lân là con gì.
Thậm chí khi tôi khởi lập CleverAds cách đây 12 năm tôi còn không biết rằng mình đang khởi nghiệp. Chỉ là không có việc gì, không có cơ hội nào khác nên có cái gì nắm cái đó và làm quyết liệt, hết mình.
Cũng vì suy nghĩ luôn phải làm lớn nên nhiều doanh nghiệp cũng "chết lớn". Và tiếp theo là các quan điểm phải luôn gọi được vốn sớm, vốn to mới làm được to. Giục tốc thì bất đạt, các cụ nói rồi mà.
Với tôi, trình độ quản lý phải tương đồng với năng lực mở rộng của doanh nghiệp, khi trình độ quản lý không theo kịp tốc độ mở rộng, doanh nghiệp sẽ bị rỗng ruột, dễ toang. Vậy nên cầm nhiều tiền của nhà đầu tư quá khi trình độ chưa đủ là không nên. Bong bóng chính là ở chỗ này.
CleverAds là một trong những doanh nghiệp số khởi nghiệp thành công. Đúc kết lại, 3 điều quan trọng nhất giúp anh làm nên thành công đó là gì?
(Cười lớn) CleverAds may mắn chưa bại chứ cũng không thành công. Tôi đánh giá rằng chúng tôi may mắn không đi vào những vết xe đổ, những lối mòn của thất bại quen thuộc.
Vậy nên tôi không có từ khóa gì của thành công cả, chỉ có 3 tư tưởng xuyên suốt chặng đường khởi nghiệp của mình rằng: Luôn kiên định với lựa chọn của mình, dành toàn bộ tâm huyết, trí lực và sự tập trung vào công việc của mình.
Tinh thần khởi nghiệp đã được nhen nhóm từ rất lâu trong lịch sử dân tộc Việt Nam điển hình như doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can… Là thế hệ doanh nhân mới, anh suy nghĩ như thế nào về tinh thần khởi nghiệp?
Nhiều lúc tôi cũng ko biết định nghĩa tinh thần khởi nghiệp là gì? Nhưng với tôi, hiểu nôm na là khát khao kiếm tiền, khẳng định bản thân và có một chút danh vọng.
Không biết tôi hiểu như vậy có đúng không nữa. Nếu làm kinh doanh mà không có khát khao kiếm tiền, chỉ có những giấc mơ thật lớn thì tôi gọi là viển vông. Sớm hay muộn cũng ra đi!
Về kế hoạch lên sàn niêm yết, trước CleverAds đã có Yeah1 cũng là 1 doanh nghiệp trong lĩnh vực số, sống dựa trên nền tảng của Youtube. Yeah1 lên sàn, trở thành cổ phiếu có giá cao nhất, nhưng khi gặp sự cố với Youtube, công ty có thể nói là lao dốc. CleverAds cũng đang sống dựa trên google, vậy có lo ngại tình huống như Yeah1 hay không?
Chúng tôi không biết Yeah1 dựa vào ai và làm gì. Nhưng CleverGroup thì không sống dựa vào ai cả. Chúng tôi sống bằng nỗ lực của bản thân mình mỗi ngày và cố gắng làm những điều tốt đẹp nhất.
Đặc biệt, với kim chỉ nam là sự trung thực trong kinh doanh, chúng tôi luôn luôn muốn xã hội nhìn nhận, định giá chúng tôi đúng với những gì chúng tôi có và có thể làm được.
Cảm ơn anh về những chia sẻ này!